Vị thế Việt Nam đã khác

Việt Nam không phải là một thành viên “non” trong TPP mà là đối tác bình đẳng, chơi cùng sân với các “ông lớn”.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Khi nhóm nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) tiến hành thực hiện Báo cáo chuyên đề về tác động của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đến Việt Nam, rất nhiều chuyên gia lo ngại khi tham gia sân chơi này, Việt Nam sẽ bị nuốt chửng.

BA “MẶT TRẬN”

Họ nghi ngại bởi TPP là sân chơi được đặt ra bằng luật chơi của các doanh nghiệp (DN) Mỹ chứ không phải DN Việt Nam. Có thể liệt kê hàng loạt “ông lớn” Mỹ tham gia cuộc chơi (trong đó có các ngành sản xuất được xem là sẽ chi phối khuynh hướng TPP của Mỹ như ô tô, dược, thuốc lá) và họ chiếm tỉ trọng nào đó trong việc ra quyết định cho sân chơi toàn cầu này. Trong khi đó, Việt Nam chưa có DN đủ sức cạnh tranh ngang hàng nên chỉ là người ở bên lề cuộc chơi, không khai thác hết lợi ích của TPP.

Mặc dù những nguy cơ thiệt hại về kinh tế là có thật, TPP vẫn tạo ra cơ hội to lớn để Việt Nam nâng cao vị thế của mình ở nhiều “mặt trận”.

Thứ nhất, TPP là hiệp định của các quốc gia có nền kinh tế thị trường nên khi Việt Nam tham gia một cách tích cực và bình đẳng với các quốc gia khác, tính minh bạch của thể chế kinh tế thị trường của Việt Nam sẽ được khẳng định. Việt Nam đã có thể đưa ra những bằng chứng cụ thể chứng minh mình là một thành viên có mức độ kinh tế thị trường rõ ràng, từ đó nâng vị thế trong quan hệ với các đối tác khác, như khi Việt Nam đàm phán Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh châu Âu, yếu tố kinh tế thị trường vẫn được đưa ra để “mặc cả”.

Thứ hai, tham gia sân chơi cao nhất trong hình mẫu quản trị thương mại toàn cầu của thế kỷ XXI, cùng với các quốc gia có nền kinh tế phát triển bậc nhất thế giới, có thể chế kinh tế, thể chế xã hội phát triển hiện đại, đặc biệt là nhóm các quốc gia bao gồm Mỹ, Nhật, Canada, Úc, Việt Nam có thể nâng tầm vị thế kinh tế của mình. Một điều cũng có thể khẳng định dù là quốc gia nghèo nhất song Việt Nam không bị nhìn dưới con mắt một thành viên “non”, một đối tác kém phát triển, cần có những giải pháp hỗ trợ mà là một đối tác bình đẳng trong khối TPP. Đây là sân chơi sòng phẳng, tham gia nhưng nếu không đạt được chuẩn thì không gặt hái được lợi ích như mong muốn.

Thứ ba, về yếu tố địa kinh tế và chính trị, trong thời điểm hợp tác giữa các quốc gia liên lục địa khác nhau xuyên châu Á - Thái Bình Dương là mối quan tâm có tính toàn cầu, tham gia TPP sẽ nâng cao vị thế Việt Nam trong hợp tác kinh tế ở một khu vực đang phát triển năng động bậc nhất thế giới và sẽ có tác động lớn đến nền kinh tế, chính trị, xã hội toàn cầu. Một điều đáng lưu ý là giữa hai cường quốc Mỹ và Nhật Bản chưa bao giờ ký kết một hiệp định thương mại tự do song phương hay đa phương, do đó TPP cũng rất quan trọng cho hai cường quốc này.

GIẢM LỆ THUỘC TRUNG QUỐC

Trung Quốc là yếu tố chưa thể tách rời trong quá trình phát triển của Việt Nam nói chung và trong quá trình phát triển kinh tế nói riêng. Sự phụ thuộc vào kinh tế Trung Quốc đang là thách thức lớn, đặc biệt là mức độ phụ thuộc nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc của Việt Nam hiện được đánh giá là nhiều nhất Đông Nam Á.

Tham gia TPP, Việt Nam sẽ giảm bớt sự phụ thuộc vào hàng nhập khẩu từ Trung Quốc do phải tái cấu trúc lại chuỗi cung ứng của Việt Nam để đáp ứng yêu cầu hội nhập vào TPP.

Đơn cử, ngành dệt may đứng trước cơ hội to lớn khi thuế nhập khẩu hàng may mặc vào thị trường Mỹ giảm về 0% bởi Việt Nam là nhà xuất khẩu đứng thứ ba về lượng xuất khẩu hàng may mặc vào thị trường Mỹ. Tuy nhiên, để hưởng được mức thuế suất này cần đáp ứng nguyên tắc xuất xứ hàng hóa trong TPP. Nếu biết tận dụng cơ hội để mở rộng chuỗi cung ứng, không chỉ gia công mà mở rộng hoạt động về thượng nguồn, phát triển ngành dệt, nhuộm..., Việt Nam sẽ chủ động hơn và xuất khẩu với giá trị lớn hơn.

Việc các nhà đầu tư nước ngoài nhìn thấy trước lợi ích từ TPP và đang đổ tiền vào Việt Nam, phát triển những lĩnh vực thượng nguồn ở các ngành có tiềm năng và lợi thế trong TPP, từ đó mở rộng chuỗi cung ứng, làm cho khả năng Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu lớn hơn, từng bước trở thành những “ông lớn” trong một số ngành. Việt Nam sẽ không còn là người đi làm thuê, không còn đứng bên lề cuộc chơi toàn cầu mà là người làm chủ cuộc chơi trong một số chuỗi giá trị. Như vậy, TPP tạo ra cơ hội vô cùng to lớn cho Việt Nam không chỉ để tăng trưởng xuất khẩu hay đầu tư mà để thay đổi bản chất cơ cấu của sự tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, từ đó thay đổi cơ bản vai trò của nền kinh tế Việt Nam trong các nền kinh tế thế giới trong tương lai, nếu cơ hội này được nắm bắt và thực hiện một cách đúng đắn.

Dương Ngọc ghi

Phạm Minh Đức (Chuyên gia kinh tế cao cấp của World Bank tại Việt Nam)

Theo NLĐ