Theo đó, dự án này có tên là “Guowang” sẽ bao gồm các chùm vệ tinh tầm thấp hoạt động ở độ cao từ 500 km - 1.145 km so với mặt đất và có độ nghiêng từ 30 đến 85 độ. Các vệ tinh sẽ hoạt động trên nhiều băng tần số khác nhau.
Minh họa vùng phủ sóng vệ tinh cho các dịch vụ viễn thông |
Tiết lộ gần đây của các quan chức cấp cao Trung Quốc cho thấy rằng, các kế hoạch triển khai dự án đang được thúc đẩy.
Bao Weimin, một quan chức cấp cao của Tập đoàn Khoa học và Công nghệ hàng không vũ trụ Trung Quốc (CASC), nhà thầu vũ trụ chính của Trung Quốc cho biết: “Chúng tôi đang lên kế hoạch và phát triển vệ tinh internet dựa trên không gian và đã phóng vệ tinh thử nghiệm”.
Trong khi đó, Ge Yujun, Chủ tịch của công ty China Spacesat, một công ty con của CASC cho biết thêm rằng, các cơ quan liên quan đang tiến hành lập kế hoạch tổng thể cho việc xây dựng chùm vệ tinh tầm thấp mang tên Hongyan và Hongyun.
Cả hai chùm vệ tinh này được công bố vào khoảng năm 2018, bao gồm hàng trăm vệ tinh hoạt động trong quỹ đạo tầm thấp của Trái Đất.
Một số vệ tinh cũng đã được phóng lên không gian để xác minh công nghệ. CASC dự định sẽ phóng 60 vệ tinh trong chùm vệ tinh Hongyan ban đầu trên quỹ đạo vào năm 2022.
Không rõ dự án chùm vệ tinh này sẽ tiến hành như thế nào nhưng việc phát triển Internet vệ tinh đã trở thành ưu tiên của chính phủ Trung Quốc.
Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia Trung Quốc (NDRC) đã đưa thêm danh mục “Internet vệ tinh” vào danh sách “cơ sở hạ tầng mới” vào tháng 4/2020.
Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 của Trung Quốc được phê duyệt gần đây cho giai đoạn 2021-2026 và các mục tiêu đến năm 2035 cũng đã yêu cầu xây dựng một mạng lưới liên lạc tích hợp, quan sát Trái Đất và vệ tinh dẫn đường.
Trung Quốc đã xây dựng hệ thống định vị và dẫn đường Beidou. Nước này cũng đang triển khai các vệ tinh Gaofen cho Hệ thống quan sát Trái Đất có độ phân giải cao (CHEOS).
Với việc phát triển nhanh chóng các chùm vệ tinh tầm thấp của các công ty như SpaceX và OneWeb trong thời gian qua, cùng với việc lên kế hoạch triển khai chùm vệ tinh của Amazon, Telesat và Trung Quốc trong thời gian tới, đòi hỏi các tổ chức quốc tế phải có các biện pháp cần thiết để điều phối sự hoạt động của chúng nhằm tránh các va chạm có thể xảy ra.
Ngoài ra, các chùm vệ tinh lớn được đề xuất và đang phát triển đã làm dấy lên lo ngại về nguy cơ gia tăng các mảnh vỡ trong không gian. Số lượng ngày càng tăng của các vệ tinh tầm thấp cũng là một mối đe dọa đối với việc nghiên cứu và quan sát thiên văn.
Theo Vietnamnet