Vì sao trên kính chắn gió ôtô luôn có dải chấm tròn đen?
Minh Quân
Những chấm đen bao quanh kính chắn gió được gọi là "dải frit", đó là phần sơn gốm được sấy nóng vào kính, và không thể cạo hoặc tróc ra. Dải frit có tác dụng giữ lớp keo của viền kính chắn gió. Nếu không có dải Frit, tia cực tím từ mặt trời sẽ làm bong keo, khiến kính bật ra ngoài, gây nguy hiểm cho cả người ở trong và ngoài xe.
Ngoài ra, một số xe có chất keo không tốt, vì vậy dải Frit sẽ che phần keo lại. Dải Frit sẽ tạo ra một bề mặt cứng hơn cho keo tại viền cửa kính, ngăn cho mọi người nhìn thấy lớp keo từ bên ngoài. Frit phổ biến vào những năm 50-60 thế kỷ trước. Khi ấy, các nhà sản xuất ôtô bắt đầu thay đổi thiết kế chi tiết trang trí phần keo tại viền kính.
Những chấm tròn màu đen được thu nhỏ dần theo chiều từ viền vào trong mặt kính (theo hình gradient - đường dốc) giúp mặt kính có tính thẩm mỹ cao hơn, không làm người lái và hành khách mất tập trung khi nhìn về phía trước.
Ngoài ra, những chấm tròn màu đen còn có vai trò kiểm soát nhiệt độ. Khi kính chắn gió bị uốn cong trong lò nung, dải Frit chịu nhiệt nhanh hơn so với phần còn lại của kính. Vì vậy mỗi một chấm tròn màu đen tại dải Frit được sử dụng để làm giảm nhiệt độ cũng như giảm thiểu biến dạng quang học do chênh lệch nhiệt độ.
Một chi tiết khá thú vị là dải Frit ở phía trên cao giúp bảo vệ mắt người ngồi hàng ghế phía trước khỏi ánh nắng mặt trời. Đa số mọi người cho rằng chỉ cần hạ tấm che nắng ở phía trên xuống. Nhưng ở giữa hai tấm che nắng, nơi đặt gương chiếu hậu vẫn có một khoảng cách nhất định và chấm tròn màu đen tại vị trí đó được làm dày thêm.