Vì sao ô nhiễm Hà Nội thường nặng nhất vào những ngày có gió đông?

Các chuyên gia cho rằng để giải quyết ô nhiễm không khí Hà Nội, các giải pháp không thể dừng trong phạm vi thủ đô, mà cần các vùng lân cận.

Các nguồn phát thải bên ngoài Hà Nội có thể đóng góp 2/3 nồng độ ô nhiễm bụi siêu mịn PM2.5 ở thủ đô.

Đó là kết quả của nghiên cứu Dự báo chất lượng không khí tại Hà Nội và khu vực phía Bắc Việt Nam, dự án hợp tác giữa Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) và Viện Phân tích Hệ thống Ứng dụng Quốc tế (IIASA) của Áo, công bố tháng 10/2018.

Các mô phỏng được thực hiện vào năm ngoái đã minh họa rõ nét hơn ảnh hưởng của các vùng lân cận đến ô nhiễm không khí ở Hà Nội, trong đó các cụm công nghiệp và nhà máy điện than ở phía đông của thủ đô được cho là có ảnh hưởng lớn.

Sáng 14/12, đường phố Hà Nội mịt mờ do ô nhiễm kết hợp cùng những màn sương mù dày đặc.

Các đợt ô nhiễm ở Hà Nội năm 2018, gió đều thổi từ phía đông

Mô hình trên được công bố trong Báo cáo Chất lượng Không khí 2018 của Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID), một tổ chức phi lợi nhuận của Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA).

Theo đó, trong những ngày không khí Hà Nội ô nhiễm nhất, gió luôn thổi tới từ phía đông, còn khi Hà Nội có không khí ít ô nhiễm nhất, gió thường đến từ phía bắc hoặc phía nam.

Cụ thể, trong năm 2018, trong tất cả 167 lần mà nồng độ bụi PM2.5 (đo được ở ĐSQ Mỹ) tăng đột biến (vượt quá 100 microgram/m3, kéo dài ít nhất 3 giờ), Hà Nội đều có khối khí thổi từ phía đông (như trên bản đồ dưới đây).

Còn trong 169 lần mà không khí Hà Nội ít ô nhiễm nhất (dưới 10 microgram/m3, kéo dài ít nhất 3 giờ), 41% số lần có khối khí thổi từ hướng bắc, và 59% số lần có khối khí thổi từ hướng nam, thay vì đi qua cụm công nghiệp phía đông Hà Nội (như trên bản đồ dưới đây).

Cả hai lần chạy mô hình vào năm 2017 và 2018 cho kết quả tương đồng. Kết quả được công bố trong Báo cáo chất lượng không khí năm 2017 và 2018 của GreenID.

“Trong các đợt ô nhiễm nghiêm trọng được chọn để phân tích, hầu hết nguồn không khí bị ô nhiễm đều đi qua khu vực Quảng Ninh”, theo báo cáo.

“Điều này đưa ra nghi vấn rằng Quảng Ninh - nơi sản xuất ra nhiều khí thải công nghiệp nhất, có thể đóng vai trò quan trọng trong các đợt ô nhiễm không khí ở Hà Nội”, báo cáo năm 2017 của GreenID viết.

“Hầu hết luồng không khí ‘sạch’ đều có liên quan tới những khối khí lớn đến từ biển, hoặc từ những vùng xa xôi ở Vân Nam, Trung Quốc và không bị ảnh hưởng bởi các vùng ô nhiễm lớn ở Việt Nam”, cũng theo báo cáo.

Nói cách khác, có sự tương quan giữa những lần có khối khí thổi tới Hà Nội từ hướng đông và những giai đoạn ô nhiễm PM2.5 tăng vọt. Tuy nhiên, mô hình này không nhằm giải thích nguyên nhân của các đợt ô nhiễm nặng, theo nhà nghiên cứu Lauri Myllyvirta, trưởng nhóm phân tích chất lượng không khí toàn cầu của tổ chức Greenpeace, tác giả của phân tích trên.

Ông Myllyvirta đã dùng mô hình HYSPLIT chuyên phân tích quỹ đạo các khối khí theo từng cụm.

Mô hình này do Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) phát triển, sử dụng dữ liệu khí tượng học toàn cầu để dự đoán quỹ đạo ba chiều của không khí theo thời gian, GreenID viết trong Báo cáo chất lượng không khí năm 2017.

“Điều quan trọng là, mô hình có thể chạy theo chế độ ‘quỹ đạo ngược’, để theo dõi chuyển động của các khối không khí trong quá khứ”, báo cáo giải thích thêm. “Tức từ một thành phố hay vị trí quan sát nhất định, tại một thời gian cụ thể, mô hình cho phép xác định nguồn gốc của các khối không khí lưu chuyển đến đó, vào đúng thời điểm đó”.

Ông Myllyvirta nói: mô hình HYSPLIT cho biết không khí đang di chuyển từ hướng nào trong những đợt ô nhiễm. Chất lượng không khí Hà Nội bị ảnh hưởng bởi mọi nguồn phát thải dọc theo quỹ đạo của gió.

“Giống như trên dòng sông, mọi thứ gây ô nhiễm ở thượng lưu đều ảnh hưởng tới chất lượng nước ở hạ lưu”, ông nói. “Từ mô hình này chưa thể khẳng định nguồn ô nhiễm nào là chính trên đường gió thổi qua. Nó chỉ cho biết gió đã thổi qua đâu, để từ đó chúng ta đi nghiên cứu xem dọc theo đó có những nguồn thải nào đã ảnh hưởng tới chất lượng không khí (ở Hà Nội)”.

Phân tích hướng gió là một trong những phương pháp tìm hiểu nguyên nhân gây ô nhiễm không khí.

Ảnh hưởng của các cụm công nghiệp phía đông, phía nam Hà Nội?

Đưa ra một phân tích khác, báo cáo năm 2018 của GreenID cho rằng nguồn phát thải ảnh hưởng tới chất lượng không khí của Hà Nội là hai cụm công nghiệp quanh thành phố: thứ nhất là các khu công nghiệp và nhà máy nhiệt điện ở phía đông (Hải Phòng, Quảng Ninh) và thứ hai là các khu công nghiệp nặng, ximăng, hóa chất ở phía nam (Ninh Bình).

“Nồng độ SO2 và NO2 ở hai cụm này đều cao hơn trong thành phố... Hơn nữa cả nồng độ SO2 và NO2 trong hai cụm này đều tăng đáng kể trong 5 năm trở lại đây”, theo báo cáo.

Mô hình này phản ánh nồng độ hai loại phát thải SO2 và NO2 ở miền Bắc Việt Nam, trong các giai đoạn 2011-2013 và 2016-2018. Hai loại phát thải này tạo ra PM2.5 thứ cấp trong bầu khí quyển.

Nồng độ các khí thải ở hai cụm nhà máy đã tăng “đáng kể” khi so sánh hai giai đoạn trên, báo cáo của GreenID viết, thể hiện ở việc các mảng màu vàng trở nên sáng hơn từ 2011-2013 sang đến 2016-2018 trong hình dưới.

Tác giả của phân tích trên cũng là ông Lauri Myllyvirta, của tổ chức bảo vệ môi trường quốc tế Greenpeace. Lượng phát thải trong bản đồ trên đã “tăng khoảng gấp đôi”. Nguyên nhân là từ sự gia tăng lượng tiêu thụ than và dầu trong nhiều lĩnh vực.

“Dữ liệu cho thấy phát thải ở khu vực quanh Hà Nội... tăng khoảng gấp đôi, phù hợp với mức tăng lượng sử dụng than cũng trong khoảng thời gian này. Mô hình trên không bàn về chất lượng không khí dưới mặt đất, vì nồng độ SO2 và NO2 nói trên là nồng độ “trong khí quyển”, khác với nồng độ “trên mặt đất”, ông Myllyvirta nói.

Nói cách khác, không thể dựa vào bản đồ trên để kết luận người Quảng Ninh hít thở không khí ô nhiễm hơn người Hà Nội, hay so sánh nồng độ bụi siêu mịn PM2.5 mặt đất ở hai nơi này.

Chất lượng không khí ở Hà Nội xuống mức thấp ngày 14/12, khiến tầm nhìn tại đại lộ Thăng Long giảm xuống.

“Chỉ riêng Hà Nội chống ô nhiễm là chưa đủ”

Hai mô hình trên minh họa rõ thêm về vai trò của các nguồn phát thải bên ngoài Hà Nội đối với ô nhiễm không khí tại Hà Nội.

“Nếu chỉ áp dụng các biện pháp kiểm soát khí thải cho Hà Nội, sẽ không đủ hiệu quả để giảm mức ô nhiễm xuống đạt tiêu chuẩn Việt Nam”, nghiên cứu Dự báo chất lượng không khí tại Hà Nội và khu vực phía Bắc Việt Nam cho biết.

Nghiên cứu này phân tích hai kịch bản cho năm 2030. Nếu áp dụng công nghệ kiểm soát khí thải tiên tiến chỉ ở Hà Nội, nồng độ PM2.5 trung bình ở Hà Nội sẽ tăng lên 52 microgram/m3 vào năm 2030. Nhưng nếu dùng công nghệ giảm khí thải tiên tiến cho toàn khu vực Đồng bằng sông Hồng và các tỉnh trung du, nồng độ PM2.5 sẽ thấp hơn, ở mức 33 microgram/m3 vào năm 2030.

Như vậy vẫn chưa đạt chuẩn an toàn trung bình năm của Việt Nam là 25 microgram/m3, hay khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là 10 microgram/m3.

“Bài toán ô nhiễm không khí phức tạp vì các chất gây ô nhiễm lan truyền không phân biệt nước nào, tỉnh nào, địa phương nào, phải có cách giải quyết tổng thể, nhìn nhận tất cả các ngành, các địa phương… Hà Nội giải quyết không thì chưa đủ”, Trương An Hà, nghiên cứu sinh tại phòng thí nghiệm Năng lượng Sạch và Phát triển Bền vững, Đại học Khoa học - Công nghệ Hà Nội, người tham gia vào nghiên cứu trên nói.

Ông Myllyvirta cũng cho rằng cần biện pháp đối phó ô nhiễm không khí không chỉ ở Hà Nội, mà phải trên phạm vi toàn vùng lân cận.

“Phải nhìn nhận Hà Nội nằm trong một thung lũng, là khu vực nằm giữa các ngọn núi, để có kế hoạch giảm phát thải toàn vùng”, ông nói. “Trong vùng, có (ô nhiễm đến từ) hộ gia đình, giao thông và điện than... cần phải giải quyết tất cả nguồn phát thải trên toàn vùng. Đó là cách nhiều nước thành công khi đối phó với ô nhiễm không khí”.

“Một điều rất quan trọng là không nên vướng vào tranh luận xem việc giảm phát thải ngành nào thì quan trọng hơn. Cách duy nhất là phải nhắm đến tất cả nguồn ô nhiễm”.

“Chắc chắn đốt nhiên liệu hộ gia đình là nguyên nhân đáng kể. Chắc chắn giao thông và điện than cũng đóng góp đáng kể. Nếu chỉ giải quyết một nguồn, mà ô nhiễm từ các nguồn khác vẫn gia tăng, sẽ khó cải thiện được tình hình”.

Cảnh mịt mù tại khu vực thuộc các quận Tây Hồ, Hoàn Kiếm, gần sông Hồng.

Ảnh hưởng của điện than tới đâu?

Cá nhân ông Myllyvirta nhận định rằng hai mô hình nói trên cũng cho thấy ảnh hưởng của các nhà máy điện than ở phía đông Hà Nội trong vấn đề ô nhiễm không khí, và giải thích rằng ngành điện chiếm tỷ lệ lớn lượng than tiêu thụ.

Trong những năm gần đây, nhu cầu than cho sản xuất điện đã liên tục tăng, từ 26,25 triệu tấn năm 2015 lên 44,37 triệu tấn năm 2018 (tăng 69%). Năm 2019, nhu cầu than cho sản xuất điện dự kiến là 54,3 triệu tấn, theo báo cáo mới đây của Cục Điện lực và Năng lượng Tái tạo (Bộ Công Thương).

Nếu tính riêng Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), nguồn cung cấp than chủ yếu, sản lượng than tiêu thụ của TKV năm 2017 đạt khoảng 35,6 tấn, trong đó than cho điện là 23,6 tấn (chiếm 66%). Tính 11 tháng đầu 2018, than tiêu thụ của TKV đạt 37,69 triệu tấn, trong đó than cho các nhà máy nhiệt điện đạt 26,9 triệu tấn (chiếm 71%), theo trang web của TKV.

Điện than không phải nguyên nhân duy nhất đóng góp vào ô nhiễm không khí ở Hà Nội.

Nghiên cứu Dự báo chất lượng không khí tại Hà Nội và khu vực phía Bắc Việt Nam của hai viện IIASA và VAST cho biết có nhiều nguồn đóng góp vào nồng độ PM2.5 trung bình năm ở Hà Nội. Trong đó giao thông có thể chiếm 25%, nhiệt điện và công nghiệp lớn 20%, sinh hoạt, đun nấu sử dụng sinh khối 15%, phát thải ammonia trong chăn nuôi và sử dụng phân bón 15% và đốt phụ phẩm nông nghiệp 7% - tất cả cần có biện pháp giảm phát thải.

Tuy nhiên, cũng theo nghiên cứu này, phần đóng góp của điện than vào mức ô nhiễm PM2.5 tại Hà Nội sẽ gia tăng nhanh trong tương lai, từ dưới 10% năm 2015 lên tới 20% vào năm 2030.

Ngành điện cũng sẽ chiếm tỷ trọng sử dụng than ngày càng lớn, ông Trần Đình Sính, Phó giám đốc GreenID, cho biết. Theo quy hoạch than (quyết định số 403/QĐ-TTg ngày 14/03/2016), năm 2030 ngành nhiệt điện dự báo dùng 131,1 triệu tấn than mỗi năm trong tổng số 156,6 triệu tấn, tương đương 83,7%.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đơn vị đang sở hữu, vận hành một số nhà máy điện than phía đông Hà Nội, cho biết 12 nhà máy điện than của EVN đều đã lắp đặt hệ thống lọc bụi tĩnh điện (ESP) “có hiệu suất xử lý bụi đạt trên 99,6%”, và hệ thống quan trắc liên tục tự động 24/24 gửi thông số online về EVN cũng như các Sở Tài nguyên - Môi trường địa phương.

EVN phủ nhận các ý kiến nói ô nhiễm không khí tại thủ đô là do các nhà máy nhiệt điện phía đông thành phố.

Giải thích cho điều này, tập đoàn dẫn số liệu nồng độ bụi khí thải trong tháng 9 đều ở mức thấp, đáp ứng quy chuẩn, đồng thời các số liệu gần đây tương đương với kết quả quan trắc cách đấy 3-6 tháng, không có dấu hiệu gia tăng.

EVN cho biết đã đánh giá mức độ khuếch tán bụi trong không khí. Cụ thể, nghiên cứu tác động của nhà máy Vĩnh Tân (Bình Thuận), Duyên Hải (Trà Vinh) cho thấy mức độ ảnh hưởng lớn nhất của nồng độ bụi (khoảng 30 microgram/m3 đối với tổng bụi TSP và 10 microgram/m3 bụi mịn PM10) là ở khoảng cách 2,6-2,8 km từ nhà máy, và giảm rất nhanh ở khoảng cách xa hơn.

“Tại khoảng cách từ 5-10 km trở lên, nồng độ bụi do tác động của nhà máy nhiệt điện gần như không còn ảnh hưởng (tăng thêm 1-5 microgram/m3 so với quy chuẩn là 200 microgram/m3”, thông cáo của EVN lập luận.

EVN cũng cho rằng việc ảnh hưởng của nhà máy nhiệt điện tới thủ đô “chỉ trong điều kiện gió bất lợi, cụ thể như gió thổi từ hướng đông, đông nam”.

EVN lập luận rằng các ngày Hà Nội ô nhiễm gần đây có điều kiện khí tượng bất lợi bao gồm lặng gió, hướng gió quẩn, vì vậy “gần như không thể xuất hiện sự đóng góp ô nhiễm bụi của các nhà máy nhiệt điện từ phía đông ở khoảng cách 60-200 km”.

Các nhà máy nhiệt điện lớn (công suất trên 600 MW) ở miền Bắc. Đồ họa: Minh Hồng.

Vẫn có thể gây ô nhiễm dù có lọc bụi hiện đại

Thông cáo của EVN dù vậy không đánh giá về mức độ ô nhiễm của nhiều nhà máy tập trung trong một vùng.

Ông Trần Đình Sính, Phó giám đốc GreenID nêu: “Ô nhiễm không khí hiện được quản lý theo tiêu chuẩn, nếu một nhà máy đảm bảo tiêu chuẩn về chất thải thì sẽ ‘đạt chuẩn’ và không quan tâm đến nồng độ các chất ô nhiễm bên ngoài hàng rào nhà máy”.

“Nhưng ở một khu công nghiệp có nhiều nhà máy sử dụng than, nồng độ chất ô nhiễm có thể vượt quá tiêu chuẩn quy định mà không buộc tội được ai cả”.

Đồng tình với việc công nghệ xử lý phát thải “hiện nay rất tiên tiến”, lọc bụi tĩnh điện “có hiệu suất lọc đến 99,75%”, nhưng ông vẫn nêu lo ngại đối với lượng phát thải còn lại.

“Chúng tôi ước tính... nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 công suất 1.200MW với tỷ lệ lọc 99,75%... mỗi ngày lượng bụi sau khi lọc là 8,6 tấn, trong đó 2,9 tấn bụi mịn PM2.5”, ông nói. “Đến năm 2030, Việt Nam dự kiến có công suất tổng là 55.000MW điện than, tương đương với 46 nhà máy như Vĩnh Tân 2 thì lượng bụi ước tính lớn hơn 46 lần... Tóm lại, nhiệt điện đốt than là một dạng điện ‘bẩn’”.

Trong những năm qua, GreenID cũng khảo sát thực tế ở các khu vực có nhà máy nhiệt điện than đang vận hành gồm Hải Phòng, Quảng Ninh, Nghi Sơn, Vũng Áng, Vĩnh Tân, Duyên Hải. Đa số người được phỏng vấn phản ánh tình trạng chất lượng không khí bị ảnh hưởng.

“Ví dụ, 89,2% số người được khảo sát sống gần nhà máy nhiệt điện than Hải Phòng cho rằng ô nhiễm không khí là do các hoạt động của nhà máy. Đối với trường hợp nhà máy nhiệt điện than Vũng Áng, con số này là 60,6%”, bà Nguyễn Thị Hằng, từ GreenID cho biết.

Đối với nhà máy điện Quảng Ninh, 93% số người được hỏi nói họ phải thay đổi thói quen sống và 78% nói ô nhiễm không khí từ nhà máy có ảnh hưởng tới sức khỏe.

Theo Zing

https://news.zing.vn/vi-sao-o-nhiem-ha-noi-thuong-nang-nhat-vao-nhung-ngay-co-gio-dong-post1026555.html