Vì sao nợ lại vượt trần?

Tỉ lệ nợ Chính phủ đến nay cao hơn ngưỡng cho phép, bội chi ngân sách trên GDP cao hơn nhiều so với mục tiêu đề ra; số nợ đọng xây dựng cơ bản, nợ vốn ứng trước ngân sách trung ương đến năm 2015 không những không giảm đi mà thực tế còn cao hơn những năm trước...
Vì sao nợ lại vượt trần?

Trong Báo cáo tóm tắt đánh giá bổ sung kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2015 và triển khai kế hoạch năm 2016 được Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm nay 7-3, Chính phủ đưa ra con số tỉ lệ bội chi ngân sách năm 2015 bằng 6,1% GDP, cao hơn mức đã báo cáo Quốc hội, do quy mô GDP năm 2015 thực tế giảm.

Dư nợ công đến cuối năm 2015 bằng 62,2% GDP; nợ Chính phủ là 50,3%; nợ nước ngoài của quốc gia là 43,1%.

Trong ba số liệu về nợ nêu trên, tỉ lệ nợ Chính phủ đã vượt trần so với mức cho phép chỉ là 50%. Ngoài lý do quy mô GDP năm 2015 thực tế giảm so với con số báo cáo trước đó, cân đối ngân sách gặp nhiều khó khăn dẫn đến tỉ lệ bội chi/GDP cao hơn nghị quyết Quốc hội đề ra.

Nghị quyết trước đây của Quốc hội chỉ cho phép bội chi ngân sách vào năm 2015 đạt dưới 4,5%, tính luôn cả trái phiếu Chính phủ. Nhưng thực tế những năm gần đây chỉ có năm 2011 đạt 4,4%; những năm sau đó bội chi ngân sách đều tăng cao "vượt trần" (năm 2012 là 5,36% GDP, năm 2013 là 6,6% GDP, năm 2014 là 5,69% GDP và năm 2015 lại tăng lên 6,1% GDP).

Có thể tìm được lý do vì sao nợ Chính phủ tăng cao, bội chi ngân sách không những không giảm mà mỗi ngày một tăng trong một báo cáo của Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội thẩm tra về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 (Báo cáo về kế hoạch đầu tư công trung hạn của Chính phủ lần đầu tiên cũng được trình ra hôm nay 7-3 nhưng không được Thường vụ Quốc hội thông qua do chưa giải trình cụ thể nhiều vấn đề - PV).

Theo báo cáo này, một nguyên nhân lớn dẫn đến vốn ngân sách, nợ Chính phủ, bội chi cao là do trật tự ưu tiên bố trí vốn chưa đảm bảo, dàn trải; chưa ưu tiên bố trí vốn xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản (XDCB), hoàn trả vốn ứng trước. Khi khảo sát địa phương, Ủy ban Tài chính – Ngân sách nhận thấy tình trạng nợ đọng vốn XDCB, nợ ứng trước ngân sách còn cao và số liệu nợ còn thiếu chính xác. Thất thoát lãng phí trong đầu tư còn rất lớn.

Ủy ban này dẫn ra ví dụ: Chính phủ ra chỉ thị từ năm 2012 về tăng cường đầu tư và quản lý nợ đọng XDCB, đưa ra yêu cầu ngay từ năm 2013 ưu tiên bố trí vốn để xử lý nợ đọng XDCB, đảm bảo đến hết năm 2015 phải hoàn thành việc xử lý nợ đọng XDCB. Tuy nhiên theo báo cáo, đến hết năm 2014, nợ đọng XDCB và vốn ứng trước nguồn NSNN và TPCP vẫn ở mức cao, khoảng gần 87.000 tỉ đồng, không những không giảm mà còn tăng nhanh vì trước đó, theo báo cáo tháng 11-2013 của Chính phủ trình Quốc hội thì số nợ đọng XDCB từ nguồn ngân sách và trái phiếu đến hết tháng 6-2013 mới là 43.358 tỉ đồng.

Các dự án PPP tiềm ẩn nhiều rủi ro

Ủy ban Tài chính-Ngân sách đánh giá việc thu hút vốn ngoài ngân sách cho các dự án đầu tư và thực hiện cơ chế hợp tác công-tư (PPP) là hướng đi đúng song cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro trong tương lai như quy mô một số dự án BT (xây dựng-chuyển giao) quá lớn, vượt quá khả năng bố trí vốn, kiểm soát chi phí và chất lượng công trình còn thiếu chặt chẽ. Một số dự án BOT (xây dựng-vận hành-chuyển giao) thực hiện thiếu quy hoạch, năng lực tài chính của chủ đầu tư thấp.

Đối với các dự án giao thông, việc thu phí và đặt các trạm thu phí chưa hợp lý, gây búc xức trong dư luận xã hội.

Theo TBKTSG