Vì sao Đà Nẵng lập được “hattrick” TP thông minh Việt Nam?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Ông Lê Quang Nam - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng - đã chia sẻ về 7 bài học kinh nghiệm của địa phương trong việc triển khai thực hiện TP thông minh.
Ông Lê Quang Nam - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng (người nâng cúp) nhận Giải Nhất Giải thưởng TP thông minh Việt Nam năm 2022
Ông Lê Quang Nam - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng (người nâng cúp) nhận Giải Nhất Giải thưởng TP thông minh Việt Nam năm 2022

7 bài học kinh nghiệm

Tại hội nghị TP thông minh Việt Nam 2022 do Hiệp hội phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức hôm nay (1/12), Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Quang Nam đã chia sẻ về những bài học kinh nghiệm của địa phương trong việc triển khai chuyển đổi số, xây dựng TP thông minh, giúp Đà Nẵng liên tiếp đạt được những danh hiệu mà hiếm địa phương nào có được.

“Thứ nhất, đó là quyết tâm chính trị, cam kết của lãnh đạo TP thông qua các chủ trương nghị quyết, chính sách vĩ mô; các kế hoạch cụ thể của từng cơ quan, địa phương. Thứ nữa đó là Đà Nẵng xác định mục tiêu hướng đến một hệ thống thông minh toàn diện với một chiến lược tổng thể về công nghệ bền vững mà mỗi một trụ cột phát triển sẽ hỗ trợ, thúc đẩy, tạo ra các sáng kiến và động lực phát triển mới cho nhau một cách tuần hoàn: Quản trị - Kinh tế - Giao thông – Môi trường – Đời sống – Công dân”- ông Lê Quang Nam nhấn mạnh.

Một kinh nghiệm nữa giúp Đà Nẵng đạt được những kết quả vượt trội là hiểu rõ thế mạnh, hạn chế của địa phương, từ đó xác định những vấn đề cần ưu tiên thực hiện, phù hợp với nguồn lực, nhằm đảm bảo khả năng và tiến độ đạt được mục tiêu đề ra.

“TP Đà Nẵng đã xác định những lĩnh vực cần phải tập trung thực hiện gồm: Phát triển cơ sở hạ tầng thông minh; Phát triển các ngành và công nghệ ưu tiên; Phát triển nguồn nhân lực; Phát triển và nâng cao năng lực Nghiên cứu và Phát triển (R&D); Hội nhập quốc tế”- ông Nam chia sẻ.

Ông Lê Quang Nam - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng - phát biểu tại hội nghị TP thông minh Việt Nam 2022 do Hiệp hội phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức hôm nay, 1/12)

Ông Lê Quang Nam - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng - phát biểu tại hội nghị TP thông minh Việt Nam 2022 do Hiệp hội phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức hôm nay, 1/12)

Cũng theo ông Lê Quang Nam, bài học kinh nghiệm thứ tư mà Đà Nẵng có được là sớm ban hành Kiến trúc kỹ thuật TP thông minh và triển khai đảm bảo tuân thủ theo Kiến trúc, để có lộ trình đồng bộ, kế thừa, tương thích và hiệu quả; đồng thời, lựa chọn thí điểm trong phạm vi hẹp, đánh giá kết quả, làm cơ sở triển khai nhân rộng, không dàn trải, quy mô lớn.

Một bài học nữa là để thực sự cải thiện cuộc sống của người dân, một dự án TP thông minh cần tính đến khía cạnh nhân văn, xã hội và môi trường; cần phải kết hợp đầy đủ các khía cạnh liên quan đến quản trị, cơ sở hạ tầng, con người và xã hội. Chỉ khi các yếu tố này được kết hợp, TP mới thực sự trở nên thông minh và có khả năng thúc đẩy phát triển bền vững và tích hợp.

Bài học thứ bảy là huy động hợp tác quốc tế và trong nước; triển khai phát triển đô thị thông minh gắn với phát triển sản phẩm Made in Việt Nam và phát triển kinh tế số của TP, giúp Đà Nẵng khai thác và phát huy các nguồn lực.

Cách tiếp cận khác biệt

Ông Lê Quang Nam cho rằng, để trở thành đô thị lớn, thông minh, sáng tạo, kết nối đồng bộ với khu vực và thế giới, Đà Nẵng đã và đang quyết tâm, nỗ lực, chủ động triển khai, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm hướng đến xây dựng TP thông minh một cách bền vững.

Nền tảng Công dân điện tử My Portal của Đà Nẵng

Nền tảng Công dân điện tử My Portal của Đà Nẵng

Bên cạnh đó, cách tiếp cận của Đà Nẵng trong xây dựng TP thông minh được xác định hạ tầng pháp lý là nền tảng quan trọng làm động lực thúc đẩy, Đà Nẵng đã chủ động ban hành các chủ trương, chính sách và Khung Kiến trúc để định hướng phát triển TP thông minh.

“Điều này thể hiện ở Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025 khi xác định 1 trong 3 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá là: “Đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, trọng tâm là phát triển mạnh công nghiệp công nghệ cao và CNTT, gắn với xây dựng đô thị khởi nghiệp sáng tạo, TPTM, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực mới, nhất là kinh tế số, xã hội số và chính quyền số. Đà Nẵng đã điều chỉnh Quy hoạch chung TP Đà Nẵng đến 2030, tầm nhìn đến 2045, lồng ghép các giải pháp xây dựng TP thông minh trong phát triển đô thị; bổ sung ứng dụng ICT trong hạng mục quy hoạch đô thị và phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị nhằm nâng cao hiệu quả quản lý đô thị và cung cấp các dịch vụ, tiện ích thông minh cho người dân”- ông Nam cho hay.

Ông Nam cho biết, từ những năm 2000, Đà Nẵng đã bắt đầu triển khai chính quyền điện tử. Năm 2010, TP đã ban hành Kiến trúc tổng thể Chính quyền điện tử và năm 2014 đưa vào sử dụng chính thức Hệ thống thông tin Chính quyền điện tử TP.

Xây dựng TP thông minh là bước tiếp theo của Chính quyền điện tử được Đà Nẵng triển khai theo 3 trục: hạ tầng - dữ liệu - thông minh, với nguyên tắc “một nền tảng, đa đối tác, đa ứng dụng, người dân làm trung tâm”, trong đó vai trò của dữ liệu là nền tảng chính. Năm 2018, thành phố ban hành Kiến trúc tổng thể TP thông minh và ban hành, chính thức triển khai Đề án xây dựng TP thông minh giai đoạn 2018-2025, định hướng đến năm 2030.

Và cho đến nay, Đà Nẵng xác định chuyển đổi số là “chìa khóa” để giải quyết “điểm nghẽn” của TP, mở ra không gian phát triển mới, toàn diện và bền vững; là công cụ, phương tiện xây dựng thành công TP thông minh.

Ông Trần Ngọc Thạch - Phó Giám đốc Sở TT&TT TP Đà Nẵng - (thứ 3 từ trái sang) nhận giải thưởng

Ông Trần Ngọc Thạch - Phó Giám đốc Sở TT&TT TP Đà Nẵng - (thứ 3 từ trái sang) nhận giải thưởng

“Lộ trình triển khai TP thông minh được Đà Nẵng thực hiện theo 3 giai đoạn: Giai đoạn đến 2020: Sẵn sàng hạ tầng, nền tảng và dữ liệu thông minh; Giai đoạn đến 2025: Thông minh hóa các ứng dụng; Giai đoạn đến 2030: Thông minh hóa ứng dụng cộng đồng; và hoàn thành xây dựng đô thị thông minh, kết nối đồng bộ với các mạng lưới đô thị thông minh trong nước và khu vực ASEAN theo mục tiêu tại Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị.

"Để đảm bảo thống nhất cách tiếp cận và mô hình triển khai, kết nối đồng bộ, liên thông và triển khai hiệu quả, Đà Nẵng triển khai TP thông minh theo Khung Kiến trúc với 6 trụ cột gồm: quản trị thông minh, kinh tế thông minh, giao thông thông minh, môi trường thông minh, đời sống thông minh, công dân thông minh; với 16 lĩnh vực chuyên ngành ưu tiên triển khai”- ông Nam chia sẻ thêm.

Những kết quả vượt trội

Với chủ trương, chính sách như trên, tiến trình chuyển đổi số, xây dựng TP thông minh của Đà Nẵng đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Hạ tầng số của TP được phát triển đa dạng, tạo điều kiện để các đối tượng thụ hưởng có nhiều cơ hội tiếp cận.

Hạ tầng viễn thông, Trung tâm dữ liệu tiếp tục được nâng cấp, mở rộng, đảm bảo năng lực lưu trữ, tính toán để triển khai TP thông minh, chuyển đổi số. 100% hộ gia đình kết nối cáp quang băng rộng; 100% khu vực dân cư phủ sóng 3G, 4G và bắt đầu triển khai dịch vụ mạng 5G từ cuối năm 2021. Hạ tầng IoT bước đầu hình thành và phát triển với hơn 270 trạm Nb-IoT và thí điểm 10 trạm LoRa.

Dữ liệu số được xây dựng từ cơ sở như các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp bảo đảm Đúng đắn, công khai cơ hội để Tin cậy, cùng nhau phát triển. Các CSDL nền (như công dân, doanh nghiệp, đất đai,...) được xây dựng, chuẩn hóa, hoàn thiện và triển khai 560 CSDL chuyên ngành; bước đầu hình thành CSDL hạ tầng đô thị trên nền GIS với các lớp dữ liệu đất đai, quy hoạch xây dựng, giao thông, cấp thoát nước. Các sở, ngành, quận huyện đã triển khai CSDL và Phần mềm quản lý nhà nước chuyên ngành dùng chung.

Đặc biệt, Đà Nẵng đã hình thành Kho dữ liệu dùng chung và mở dữ liệu của cơ quan nhà nước với gần 600 tập dữ liệu qua Cổng Dữ liệu TP cung cấp dưới hình thức dịch vụ dữ liệu cho người dân, doanh nghiệp tra cứu khai thác.

Các nền tảng số được xây dựng và phát triển nhằm đảm bảo triển khai chuyển đổi số nhanh, thuận lợi và hiệu quả. Đà Nẵng đã triển khai 6 nền tảng số theo yêu cầu, hướng dẫn của Bộ TT&TT (gồm: nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu LGSP; nền tảng kho dữ liệu dùng chung; nền tảng Cổng Dịch vụ công; nền tảng Báo cáo điện tử và điều hành; nền tảng Hệ thống eGov; nền tảng họp trực tuyến) và 7 nền tảng dùng chung khác của TP (gồm: nền tảng quan trắc; nền tảng giám sát đỗ xe; nền tảng giám sát tàu thuyền; nền tảng giám sát hành trình xe; nền tảng Cổng dữ liệu mở; nền tảng Ứng dụng di động đa dịch vụ tiện ích Da Nang Smart City; nền tảng công dân số My Portal).

Ứng dụng di động đa dịch vụ tiện ích Danang Smart City

Ứng dụng di động đa dịch vụ tiện ích Danang Smart City

Công tác quản lý điều hành từng bước chuyển từ môi trường truyền thống sang môi trường số (xử lý hồ sơ trực tuyến, giám sát chỉ đạo trực tuyến, tổng hợp báo cáo trực tuyến, theo dõi công việc Lãnh đạo giao, phát hiện và xử phạt nguội vi phạm giao thông...), bắt đầu sử dụng dữ liệu số trong chỉ đạo điều hành, cung cấp dịch vụ công theo hướng dịch vụ số (100% dịch vụ công đủ điều kiện đã triển khai trực tuyến mức 4; 67% hồ sơ trực tuyến; sử dụng dữ liệu số để thay thế thành phần hồ sơ giấy phải nộp; bắt đầu triển khai đưa các thủ tục ngoài một cửa và dịch vụ sự nghiệp công lên Cổng Dịch vụ công;...).

Dựa trên quy trình xử lý 6 bước trong TP thông minh, Đà Nẵng đã triển khai mô hình Trung tâm IOC TP với 1 IOC cấp TP và các OC chuyên ngành, OC quận, huyện. Trong đó, OC chuyên ngành, OC quận huyện… triển khai dưới dạng Mobile App với các dịch vụ đô thị thông minh.

Trong thời gian qua, ngành công nghiệp ICT và kinh tế số có tốc độ tăng trưởng cao, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng GRDP TP. Kinh tế số năm 2021 đóng góp 12,57% GRDP TP (cao hơn tỷ lệ quốc gia là 9,6%), trong đó công nghiệp ICT chiếm 8,23%; tỷ lệ doanh nghiệp công nghệ số đạt 2,27 doanh nghiệp/1.000 dân (đứng thứ 2 cả nước; cao gấp 3 lần tỷ lệ trung bình cả nước là 0,7 doanh nghiệp công nghệ số/1.000 dân); sở hữu khoảng 45.000 nhân lực CNTT, trong đó 22.000 nhân lực trong lĩnh vực phần mềm và nội dung số (chiếm gần 50%, trong khi đó toàn quốc chiếm 17%); tốc độ tăng trưởng nhân lực CNTT của địa phương đạt 13,27%/năm (cao hơn tốc độ tăng trưởng nhân lực cả nước 8,48%); có khoảng 85% dân số có điện thoại thông minh, hơn 260.000 tài khoản công dân số (44,8% dân số trưởng thành)…

Tại Lễ trao Giải thưởng TP thông minh Việt Nam năm 2022, do Hiệp hội phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức ngày 1/12, TP Đà Nẵng đã nhận Giải Nhất. Đây là lần thứ 3 liên tiếp Đà Nẵng nhận được giải thưởng này.

Bên cạnh đó, Đà Nẵng còn nhận 3 giải thưởng chuyên đề gồm: Giải thưởng TP sáng tạo, khởi nghiệp; Giải thưởng TP giao thông và Logictisc thông minh; Giải thưởng ứng dụng công dân thông minh.