Vì sao chuyên gia tim mạch hàng đầu Nguyễn Quang Tuấn phải thực hành 12 tháng?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Nổi tiếng trong lĩnh vực tim mạch, vì sao ông Nguyễn Quang Tuấn (cựu giám đốc bệnh viện Bạch Mai và Tim Hà Nội) phải thực hành tại Bệnh viện Hữu Nghị để được cấp lại giấy phép hành nghề?

nguyen-quang-tuan-2094.png
Ông Nguyễn Quang Tuấn. Ảnh: Phong Sơn.

Dư luận quan tâm việc này vì ông Nguyễn Quang Tuấn từng là một giáo sư tim mạch nổi tiếng, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Tim Hà Nội. Hơn nữa, theo tội danh đã tuyên, ông Tuấn không vi phạm về chuyên môn.

Vậy cớ gì ông Tuấn phải thực hành lại từ 1/7/2024 tại Bệnh viện Hữu Nghị để được cấp chứng chỉ hành nghề trong khi trên thực tế, về tay nghề chuyên môn trong lĩnh vực tim mạch, ông là bậc thầy của nhiều bác sĩ?

Trao đổi với VietTimes , TS. Vương Ánh Dương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) - cho biết: Theo Luật Khám, chữa bệnh 2023, ông Nguyễn Quang Tuấn muốn hành nghề khám, chữa bệnh thì phải xin cấp lại giấy phép hành nghề, quy định tại điểm c Điều 31: Cấp lại giấy phép hành nghề cho người bị thu hồi giấy phép hành nghề thuộc trường hợp cấp lại theo quy định của Chính phủ.

Bởi trước đó, khi bị tuyên án, ông Tuấn đã bị thu hồi giấy phép hành nghề theo quy định tại điểm d và đ Điều 35: Giấy phép hành nghề bị thu hồi trong trường hợp: d, Người hành nghề không hành nghề trong thời gian 24 tháng liên tục và đ) Người hành nghề thuộc một trong các trường hợp bị cấm hành nghề quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 6 Điều 20 của Luật này.

Trở lại với Điều 20 của Luật khám, chữa bệnh, tại khoản 4 có quy định các trường hợp bị cấm hành nghề khám, chữa bệnh là "người đang trong thời gian thi hành án phạt tù”.

Như vậy, ông Tuấn đã bị cấm hành nghề trong 3 năm thi hành án, thì đương nhiên, bị thu hồi giấy phép hành nghề. Mặt khác, ông Tuấn cũng không hành nghề khám, chữa bệnh trong 24 tháng liền.

Để được cấp lại giấy phép hành nghề, theo Nghị định 96/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh, ông Tuấn sẽ phải thực hành khám, chữa bệnh 12 tháng, trong đó, thời gian thực hành chuyên môn khám, chữa bệnh là 9 tháng; thời gian thực hành chuyên môn khám, chữa bệnh về hồi sức cấp cứu là 3 tháng.

Chỉ khi có giấy phép hành nghề, ông Tuấn mới chính thức được khám, chữa bệnh trở lại.

Bên cạnh đó, PGS.TS. Vũ Xuân Phú - Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương - thông tin thêm: Ông Tuấn thực hành đòi hỏi phải đúng chuyên khoa. Nếu Khoa Khám bệnh của Bệnh viện Hữu Nghị có phòng khám Tim mạch thì ông Tuấn thực hành ở đấy là đúng.

Bên cạnh đó, ông Phú cho hay: Theo Điều 25 của Thông tư 30/2011-BYT quy định việc tước danh hiệu đã được phong tặng: “Người được phong tặng danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân, Thầy thuốc Ưu tú mà vi phạm pháp luật bị toà án kết án tù thì bị tước danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân, Thầy thuốc Ưu tú theo quy định của pháp luật”.

Theo Quyết định 37/2018/QĐ-TTg của Chính phủ, người bị tòa án kết án bằng bản án có hiệu lực pháp luật sẽ bị hủy bỏ công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư.

Khoản 1 Điều 79 Nghị định 91/2017/NĐ-CP cũng quy định: Cá nhân được tặng thưởng danh hiệu vinh dự nhà nước mà vi phạm pháp luật hình sự, bị tòa án xét xử bằng bản án đã có hiệu lực pháp luật và bị tuyên án từ hình phạt tù có thời hạn trở lên thì bị tước danh hiệu vinh dự nhà nước.

Như vậy, ông Tuấn cũng không còn là giáo sư và Thầy thuốc ưu tú.

Ông Nguyễn Quang Tuấn sinh năm 1967, quê quán Hà Nội. Ông được Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước công nhận đạt chuẩn chức danh giáo sư ngành y năm 2017. Quá trình công tác ông Tuấn được tặng thưởng nhiều huân huy chương cao quý, bản thân là giáo sư tiến sĩ đào tạo nhiều thế hệ bác sĩ, có công cứu sống nhiều người trong cuộc đời y nghiệp và được nhân dân khen ngợi. Sau khi rời Bệnh viện Tim Hà Nội, ông Tuấn làm giám đốc Bệnh viện Bạch Mai. Ông cũng là đại biểu Quốc hội khóa XIV nhiệm kỳ 2016 – 2021.

Ông Tuấn bị Cơ quan điều tra Bộ Công an khởi tố để điều tra, làm rõ trách nhiệm liên quan sai phạm về "thổi giá" thiết bị y tế xảy ra tại Bệnh viện Tim Hà Nội - nơi trước đó ông Tuấn làm Giám đốc Bệnh viện. Ông Tuấn bị tuyên phạt mức án 3 năm tù và không bị cấm đảm nhiệm chức vụ hay cấm hành nghề sau khi chấp hành bản án.