Ứng dụng AI và công nghệ cao giúp phát hiện sớm bệnh ung thư phổi

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Việc Bệnh viện Phổi TW ứng dụng AI, các công nghệ cao để phát hiện sớm ung thư phổi thực sự là tin vui với nhiều người, trong bối cảnh hầu hết bệnh nhân ung thư phổi ở Việt Nam chỉ được phát hiện khi đã muộn.

VT_ BS Hạnh.jpg
BSCK II. Nguyễn Đức Hạnh, Trưởng khoa Ung bướu 2 Bệnh viện Phổi TW - đọc kết quả sàng lọc phát hiện sớm ung thư phổi bằng chụp cắt lớp liều thấp.

Theo PGS.TS. Vũ Xuân Phú, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi TW, ở Việt Nam, ung thư phổi đứng thứ 3 về tỷ lệ mắc và thứ 2 về tỷ lệ tử vong, chỉ sau ung thư gan và chiếm 13,5% tổng số các loại ung thư. Trước đây, nam mắc ung thư phổi nhiều hơn nữ, nhưng gần đây nữ giới lại có xu hướng gia tăng.

Phát hiện sớm ung thư phổi sẽ giảm được tử vong, nhưng hiện tỷ lệ chẩn đoán bệnh sớm còn rất thấp. Đặc biệt, ở Việt Nam, tới 75-85% bệnh nhân được phát hiện khi đã ở giai đoạn muộn, không còn khả năng phẫu thuật.

Vì thế, hàng loạt tiến bộ trong tầm soát, phát hiện sớm ung thư phổi, như ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), sinh học, nội soi phế quản, hookwire, chụp cắt lớp vi tính liều thấp…được Bệnh viện Phổi TW triển khai, đã trở thành cứu cánh cho bệnh nhân khi được điều trị sớm, kéo dài cuộc sống.

Theo PGS.TS. Vũ Xuân Phú, ứng dụng AI giúp tăng khả năng chẩn đoán, quản lý, điều trị cũng như dự đoán kết cục điều trị bệnh. Chẩn đoán hình ảnh là lĩnh vực được áp dụng AI sớm nhất và đạt hiệu quả cao.

Theo BSCKII. Nguyễn Đức Hạnh, Trưởng khoa Ung bướu 2 Bệnh viện Phổi TW, nhiều công nghệ đã được ứng dụng trong tầm soát phát hiện sớm ung thư phổi tại Bệnh viện Phổi TW, trong đó chụp cắt lớp vi tính liều thấp là cần thiết trong sàng lọc sớm trên những người có nguy cơ cao.

Giảm tỷ lệ tử vong nhờ chụp cắt lớp vi tính liều thấp

Chụp cắt lớp vi tính liều thấp là phương pháp như chụp cắt lớp thường quy, nhưng sử dụng liều tia xạ chỉ khoảng 10% so với thông thường, để tầm soát các tổn thương ở phổi cho những người có nguy cơ cao mắc ung thư phổi.

VT_ Khám.jpg
Kiểm tra sức khoẻ cho bệnh nhân

BSCKII. Nguyễn Đức Hạnh cho hay chụp cắt lớp vi tính liều thấp có độ nhạy tương đương chụp cắt lớp vi tính chuẩn, lại khắc phục được các điểm yếu của X-quang thông thường, khi phát hiện được nốt mờ nhỏ, các tổn thương của nhu mô, mạch máu, xương…

Kết quả nghiên cứu của Hội Phòng chống ung thư Nhật Bản cho thấy, trong số các bệnh nhân ung thư phổi được chẩn đoán ở giai đoạn I, có 82% bệnh nhân được phát hiện qua tầm soát bằng chụp cắt lớp vi tính liều thấp và 85% số bệnh nhân này có tỷ lệ sống sau 5 năm, cao hơn rất nhiều so với tầm soát bằng X-quang.

Một thử nghiệm tầm soát quốc gia của Mỹ cũng cho thấy tầm soát ung thư phổi bằng chụp cắt lớp vi tính liều thấp với người có nguy cơ cao giúp giảm tỷ lệ tử vong 20,3% so với chụp X-quang.

Một thử nghiệm của Hà Lan – Bỉ trên 7.900 người tham gia nhóm sàng lọc chụp cắt lớp vi tính liều thấp và 7.892 người tham gia nhóm đối chứng, cho thấy tỷ lệ tử vong do ung thư phổi giảm tới 26% ở nam và 61% ở nhóm nữ có nguy cơ mắc ung thư phổi sau 10 năm.

Dựa trên những kết quả trên, từ tháng 9/2023, Bệnh viện Phổi TW đã triển khai sàng lọc ung thư phổi bằng chụp cắt lớp vi tính liều thấp. Đến nay, đã sàng lọc được 400 người từ 50 tuổi trở lên, hút thuốc lá trên 20 năm và gia đình có người mắc ung thư phổi. Kết quả đã phát hiện 26.25% tổn thương dạng nốt, trong đó 2 ca ung thư phổi, một ca lao phổi.

AI và nội soi hỗ trợ tích cực

Việc kết hợp AI với chụp cắt lớp vi tính liều thấp đã giúp cải thiện chất lượng hình ảnh chụp do liều chụp thấp, tránh bỏ sót các tổn thương có độ tương phản thấp. AI còn thay thế bác sĩ chẩn đoán hình ảnh đọc và phân tích kết quả chụp phim, khi bác sĩ phải đọc số lượng phim lớn, thời gian đọc dài, có thể bỏ sót các tổn thương, nhất là ở vùng phổi xơ hóa, giãn phế quản khó đánh giá.

AI giúp tối ưu hóa sàng lọc ung thư phổi khi đánh giá nguy cơ cho từng trường hợp với việc phát hiện tổn thương bất thường nghi ngờ thay thế bác sĩ chẩn đoán hình ảnh, đồng thời đánh giá nguy cơ ác tính và lựa chọn phương pháp theo dõi hay sinh thiết chẩn đoán sớm.

Nội soi phế quản chẩn đoán sớm ung thư phổi cũng là một kỹ thuật đã được triển khai tại Bệnh viện Phổi TW, nhằm giúp phát hiện sớm các tổn thương tiền ung thư, giúp chẩn đoán sớm ung thư phế quản.

Phương pháp này có ưu thế với những tổn thương phát triển ở trung tâm hơn các tổn thương ngoại vi. Kết quả nghiên cứu tại bệnh viện cho thấy độ nhậy, độ đặc hiệu cao. Tuy nhiên, do có sự xâm lấn, phương pháp chỉ thực hiện được ở các trung tâm y tế lớn.

Nội soi Ebus - một phương pháp hữu ích trong chẩn đoán ung thư phổi nguyên phát - cũng đã có mặt tại Bệnh viện Phổi TW với các kết quả chính xác cao trong chẩn đoán di căn hạch của ung thư phổi.

Kết quả nghiên cứu trên 58 bệnh nhân tại Bệnh viện Phổi TW cho thấy độ chính xác chung là 82,8%.

Các tiến bộ khác như tìm kiếm dấu ấn sinh học cũng là hướng đi rất tiềm năng trong việc sàng lọc và phát hiện sớm ung thư phổi.

“Kết quả ứng dụng những kỹ thuật cao để tầm soát ung thư phổi như chụp cắt lớp vi tính liều thấp, AI, nội soi huỳnh quang, nội soi EBUS, Hookwire ở Bệnh viện Phổi TW đã là những cánh cửa hy vọng cho bệnh nhân ung thư phổi”, PGS.TS. Vũ Xuân Phú chia sẻ.