Những ngày gần đây, khi số ca mắc COVID-19 giảm đi, người dân Hà Nội lại có xu hướng chủ quan và nườm nượp đổ ra đường “phớt lờ” lệnh cách ly xã hội. Trước tình hình này, nhiều ý kiến ủng hộ Hà Nội đẩy mạnh việc xử lý nghiêm người ra đường vì mục đích không thiết yếu.
Cùng với đó, trao đổi riêng với VietTimes, luật sư Đào Hường khẳng định việc phạt hành chính người ra đường vì mục đích không thiết yếu là đúng luật và “Chủ tịch UBND TP Hà Nội được quyền yêu cầu xử phạt những trường hợp này và việc xử phạt này là biện pháp cần thiết để tạo hành lang pháp lý, nhằm xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của một số người dân không có ý thức dẫn tới hậu quả làm lây lan dịch bệnh”.
Trong số gần 600 xã, phường, thị trấn của TP. Hà Nội, tính đến nay, sau 3 tháng “chiến đấu” với dịch COVID-19, phường Trúc Bạch có lẽ là đơn vị hành chính đặc biệt nhất: Có đến 5 trường hợp mắc COVID-19 trên địa bàn, nơi phát hiện ca bệnh đầu tiên của Hà Nội (ca số 17) và là phường duy nhất trong khu vực nội thành có một con phố và một bệnh viện phải thực hiện cách ly.
Để rộng đường dư luận, PV VietTimes đã tìm gặp ông Nguyễn Dân Huy – Chủ tịch UBND phường Trúc Bạch (Ba Đình - Hà Nội) – để trao đổi về căn cứ xử phạt người ra đường vì mục đích không thiết yếu cũng như những việc ít người biết liên quan việc xử phạt các trường hợp vi phạm. Mặc dù rất bận rộn với công tác chống dịch, quản lý địa bàn, ông Huy đã sắp xếp thời gian để có một cuộc trao đổi cởi mở và chia sẻ những chi tiết ít người biết.
PV: Xin ông cho biết việc tiến hành xử phạt người dân ra đường vì mục đích không thiết yếu dựa trên căn cứ nào?
Ông Nguyễn Dân Huy: Chúng tôi căn cứ trên 4 văn bản. Trong đó có Nghị định 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Điểm a khoản 1 điều 11 nêu rõ mức phạt đối với hành vi vi phạm quy định về áp dụng biện pháp chống dịch: Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong các hành vi “không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế…”.
Ông Nguyễn Dân Huy – Chủ tịch UBND phường Trúc Bạch (Ba Đình - Hà Nội).
|
Cùng với đó là Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, Văn bản số 2601/VPCP-KGVX truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 và Chỉ thị 05/CT-UBND Hà Nội 2020 thực hiện biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19.
Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ diễn ra ngày 9/4, Thủ tướng yêu cầu các lực lượng chức năng xử lý nghiêm những người không thực hiện cách ly toàn xã hội, không đeo khẩu trang, không có việc cần thiết nhưng vẫn ra đường. Ông cảnh báo nguy cơ lây nhiễm còn lớn, không thể chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. |
Đặc biệt, trong Chỉ thị 16 và văn bản hướng dẫn 2601 nêu rõ yêu cầu “thực hiện nghiêm việc cách ly xã hội, bảo đảm giãn cách xã hội, giữ khoảng cách giữa người với người, cộng đồng với cộng đồng. Nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm cộng đồng, yêu cầu người dân ở nhà, hạn chế tối đa ra ngoài, trừ các trường hợp thật sự cần thiết”.
Có 3 trường hợp được coi là “thực sự cần thiết”, đó là mua lương thực, thực phẩm, dược phẩm và hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khác; các trường hợp khẩn cấp như: cấp cứu, khám chữa bệnh; thiên tai, hỏa hoạn,… và thực hiện công vụ, nhiệm vụ.
PV: Có nhiều người cho rằng họ không mắc COVID-19 nên họ không có khả năng lây nhiễm cho người khác nên họ vẫn có thể ra đường, thưa ông?
Ông Nguyễn Dân Huy: Các chỉ đạo của Chính phủ và TP. Hà Nội đã nêu rõ yêu cầu người dân ở trong nhà và chỉ ra đường với mục đích thiết yếu. Việc các mục đích thiết yếu đã được làm rõ tại văn bản số 2601/VPCP-KGVX của Văn phòng Chính phủ. Những người ra đường không vì những mục đích này đều gây mất an toàn cho bản thân mình cũng như có nguy cơ lây bệnh cho người khác.
Thủ tướng và Chủ tịch Hà Nội yêu cầu người dân ở trong nhà giai đoạn này dựa trên căn cứ hết sức khoa học. Theo thông tin công bố, trường hợp bệnh nhân mắc COVID-19 thứ 243 có thể coi là minh chứng rõ ràng nhất. Anh này không biết và cũng không ai nghĩ là anh ấy bị mắc COVID-19, anh ấy vẫn ra đường, vẫn đi giao hoa sau ngày 1/4. Bản thân anh ấy không cố ý nhưng anh ấy đã mang đến nguy cơ lây bệnh cho những người khác.
Còn đối với những trường hợp tiếp xúc với ca bệnh này tại chợ hoa, tại đám cưới, đám giỗ thì có nguy cơ lây nhiễm bệnh và trở thành mầm bệnh rồi có thể lại lây nhiễm cho những người khác nữa.
PV: Nhiều trường hợp người dân trao đổi rằng họ cần ra đường vì lý do bản thân, gia đình mà phải với góc nhìn của người trong cuộc mới thấy sự cấp thiết của công việc ấy, thưa ông?
Ông Nguyễn Dân Huy: Tôi đã nhận được rất nhiều những câu hỏi như vậy. Khi đó, tôi đưa cho họ đọc cụ thể văn bản 2601 hướng dẫn thực hiện Chỉ thị 16. Trong đó có giải thích chi tiết về các mục đích thiết yếu. Mình căn cứ vào văn bản đó để xác định trường hợp nào là thiết yếu.
Hai người đàn ông đi câu cá (bên phải ảnh) thừa nhận lỗi sai và thực hiện nộp phạt.
|
Quay lại 2 trong số 3 trường hợp đã bị xử phạt trong ngày đầu tiên phường Trúc Bạch xử lý người vi phạm, chúng tôi đã phạt 2 người đi câu cá. Họ mang theo các bộ đồ câu ngoại có giá trị. Đó không phải là người nghèo khó phải đi câu cá để kiếm ăn qua ngày. Họ đi câu cá là thói quen, là thú vui, không phải mục đích thiếu yếu. Chúng tôi có chụp ảnh, quay phim đầy đủ để làm bằng chứng. Bản thân người bị phạt cũng thừa nhận lỗi ra đường vì mục đích không thiết yếu, họ không tranh luận gì và nhất trí nộp phạt.
PV: Vậy, nếu người dân cứ ra đường nêu lý do đi mua gạo, mua mì tôm hay đi mua thuốc thì sẽ không bị xử phạt, thưa ông?
Ông Nguyễn Dân Huy: Việc chứng minh công dân vi phạm là trách nhiệm của người thực thi công vụ. Nếu không chứng minh được công dân vi phạm sẽ không thể xử phạt được.
PV: Có ý kiến cho rằng một số người phải ra đường để lao động, vì sau nhiều tháng kinh tế “vật lộn” với COVID-19, cuộc sống của họ rất khó khăn. Chúng ta không nên xử phạt những trường hợp đó, ông nghĩ sao?
Ông Nguyễn Dân Huy: Ở góc độ người có hoàn cảnh khó khăn, có thể phân tich, hiện nay các cấp chính quyền đều đang có nhiều biện pháp thiết thực để chăm lo cho họ. Hiện nay Chính phủ đang có nhiều chương trình hỗ trợ cho những người mà cuộc sống đang bị chao đảo bởi dịch COVID-19. Ngoài ra, các cá nhân, các nhà hảo tâm cũng tổ chức nhiều chương trình phát quà hỗ trợ họ.
Mỗi cá nhân chúng ta nên cố gắng vượt qua hoàn cảnh này để đảm bảo an toàn cho mình và cộng đồng.
PV: Phường Trúc Bạch đã có hỗ trợ cụ thể như thế nào cho những người có hoàn cảnh khó khăn trong bối cảnh dịch COVID-19 hiện nay, xin ông cho biết chi tiết?
Ông Nguyễn Dân Huy: Ngày 5/4, UBND phường đã tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho 50 hộ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn phường, mỗi suất quà trị giá 500.000 đồng. Từ ngày 6/4, mỗi ngày chúng tôi tổ chức tặng 150 suất quà, mỗi suất trị giá 100.000 đồng cho những người có hoàn cảnh khó khăn của phường Trúc Bạch và người ngoài phường.
Ông Nguyễn Dân Huy thay mặt UBND phường Trúc Bạch và những tấm lòng thiện nguyện trao tặng 50 suất quà, mỗi suất trị giá 200.000 đồng đến các trường hợp khó khăn khi thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn phường Phúc Xá với mục tiêu chăm lo cho nhân dân thì không phân biệt địa giới hành chính. |
Trong 2 ngày 10 - 11/4, phường Trúc Bạch tặng 100 suất quà mỗi suất trị giá 200.000 đồng cho 100 trường hợp có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn 2 phường Phúc Xá và Phúc Tân. Trong 2 ngày tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tặng 100 suất quà cho các hộ khó khăn của 2 phường Yên Phụ và Bạch Đằng.
Chúng tôi thực hiện với mục tiêu chăm lo cho nhân dân thì không phân biệt địa giới hành chính.
Đó chỉ là ví dụ ở phường Trúc Bạch, còn thực tế, xã phường của Hà Nội cũng đều có những hành động thiết thực tương tự. Giai đoạn này, tất cả các cấp chính quyền đều có những chương trình hỗ trợ cho người có hoàn cảnh khó khăn.
PV: Nhiều ý kiến cho rằng chính quyền đang có biểu hiện “chùn” trong việc xử phạt. Những ngày gần đây, cơ quan chức năng tăng cường tuyên truyền vận động trong khi muốn dân chấp hành nghiêm túc thì phải vừa tuyên truyền vận động, vừa xử phạt, thưa ông?
Ông Nguyễn Dân Huy: Chúng tôi đã trải qua việc có 5 ca bệnh, cũng trải qua đợt cách ly rất dài. Trải qua những việc đó, chúng tôi thực sự thấy được ảnh hưởng của dịch và sự nguy hiểm, mất an toàn nên chúng tôi thấy rất cần sự nghiêm túc trong công việc.
Và thực tế, bà con phường Trúc Bạch chấp hành các yêu cầu về phòng chống dịch cơ bản rất nghiêm túc. Còn trường hợp bị phạt ở trên đều là các công dân từ nơi khác đến.
Chúng tôi nhận thấy rõ việc “một cá nhân có thể sẽ làm ảnh hưởng đến cả một cộng đồng”. Thực tế, mỗi trường hợp xử phạt, chúng tôi đều phải cân nhắc, chúng tôi phải “nâng lên, đặt xuống”, xem có nên phạt không và nếu phạt thì phạt như thế nào. Chúng tôi phạt không phải vì 200.000 đồng, mà trên hết, qua việc này, chúng tôi mong muốn tuyên truyền, nhắc nhở, để người dân nhận thức đầy đủ và thực hiện nghiêm túc.
Hiện nay, vì dịch bệnh rất nguy hiểm, tình trạng mất dấu F0 đang diễn ra, công sức của toàn thể nhân dân và cả hệ thống chính trị đã đổ ra rất nhiều, hao tốn ngân sách nhà nước, thiệt hại lớn đến đời sống kinh tế xã hội của người dân và doanh nghiệp. Thế nhưng chỉ cần một vài người có ý thức kém là có thể phá hoại toàn bộ công sức của toàn xã hội.
Xin cảm ơn ông!
Hà Nội xử phạt nghiêm minh các trường hợp ra đường vì mục đích không thiết yếu Từ ngày 4/4, Hà Nội đã tăng cường kiểm tra, xử phạt trường hợp ra đường không vì lý do cần thiết. Nhiều ý kiến đánh giá đây là giải pháp mạnh mẽ của TP nhằm ngăn chặn, không cho dịch bệnh COVID-19 lây lan rộng ngoài cộng đồng. Trong sáng ngày 5/4, phường Trúc Bạch (quận Ba Đình) đã tổ chức kiểm tra xử lý các trường hợp người dân ra đường không thuộc diện được phép. Qua đó đã ban hành quyết định xử phạt 3 trường hợp, mỗi trường hợp 200.000 đồng. Chiều 5/4, các tổ công tác làm nhiệm vụ xung quanh hồ Hoàn Kiếm (quận Hoàn Kiếm) đã xử lý 3 trường hợp người dân ra đường không có lý do chính đáng, không nằm trong danh mục được ra ngoài đường tại phường Lý Thái Tổ với mức phạt 22,5 triệu đồng. Theo thông tin từ quận Đống Đa, tính đến ngày 9/4, quận này đã xử phạt 312 trường hợp ra đường không đeo khẩu trang, 2 trường hợp câu cá ở hồ Hoàng Cầu, cảnh cáo 5 trường hợp ra đường không có việc cần thiết. Sáng 10/4, Công an phường Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng) đã lập biên bản xử phạt 28 trường hợp ra ngoài không lý do chính đáng tại khu Times City với lỗi “Không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc dịch theo hướng dẫn của của cơ quan y tế” được quy định tại Điều 11, Khoản a của Nghị định số 176/NĐ/2013 của Chính phủ, người vi phạm bị phạt 200.000 đồng theo quy định. |