Vì dân và “đì” dân

Sau vụ bị kỷ luật vì chê chủ tịch UBND tỉnh An Giang trên Facebook chưa kịp lắng thì nay lại có thêm một cá nhân bị cấp trên “đì” cũng bởi viết Facebook. “Nạn nhân” là cô giáo Dương Hải Âu (Trường Tiểu học Tân Hiệp, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An), do đăng tin… cầu sập!
Vì dân và “đì” dân

Tóm tắt thế này: Hôm 21-10, cô Âu viết trên Facebook kể chuyện cô hiệu phó Trường Tiểu học Tân Hiệp trên đường đi công tác, khi qua cầu M3 thì cầu sập, cả người và xe rơi xuống kênh, may nhờ đồng nghiệp đi cùng ứng cứu.  

“Nhớ lại cách đây vài năm với một trường hợp tương tự, một giáo viên trường tôi đã ra đi vĩnh viễn. Thử hỏi có ai nhìn thấy được cảnh nơm nớp lo sợ (…), cán bộ chính quyền địa phương có thấy được điều này không?...” - cô Âu viết.

Sau đó, ông bí thư Đảng ủy xã Tân Hiệp đã chỉ đạo chi bộ Đảng Trường Tiểu học Tân Hiệp nhắc nhở, phê bình và yêu cầu cô Âu viết kiểm điểm, giải trình vì đưa thông tin của xã lên Facebook. 

Cô Âu không viết vì cho rằng mình không sai. Và trong đợt bình xét đảng viên mới đây, cô Âu tự đánh giá mình là “Hoàn thành tốt nhiệm vụ” nhưng Đảng ủy xã chỉ chấm cô Âu ở mức “Hoàn thành nhiệm vụ”.

Có thể xem phản ứng của lãnh đạo xã Tân Hiệp là một dạng kỷ luật, dân gian gọi là “đì”. Vì sao xử sự như thế trong khi hành vi của cô Âu thuần túy chỉ là cung cấp thông tin. Mà qua xác minh, chính quyền địa phương đã khẳng định có vụ té kênh vì cầu sập thì lẽ ra phải tuyên dương người cung cấp thông tin chứ?!

Cũng may, khi làn sóng dư luận trào lên theo hướng ủng hộ “nạn nhân” thì lãnh đạo xã Tân Hiệp đã tỉnh ra, sửa sai bằng cách xin lỗi cô Âu và giữ nguyên xếp loại “Hoàn thành tốt nhiệm vụ” cho đảng viên này.

Nguyên do dẫn tới phản ứng ban đầu nói trên của lãnh đạo xã Tân Hiệp có thể gói gọn trong mấy chữ: chuyên quyền và độc đoán. Âu đó cũng chẳng phải là chuyện lạ, cá biệt ở xứ ta. Xâu chuỗi hàng loạt vụ cấp trên “xử” cấp dưới vì đăng tin, chê bai qua Facebook trong thời gian qua, thấy rằng lối hành xử với cấp dưới, với thường dân theo tư duy bề trên là khá phổ biến ở các tổ chức lãnh đạo địa phương. 

Tự cho mình là “vua một cõi” nên khi có chuyện là ra đòn thẳng tay. Chắc chắn, những câu chuyện bi hài như vậy sẽ còn tái diễn…

Hầu như tỉnh, thành nào cũng tuyên bố xây dựng một nền hành chính chuyên nghiệp, vì dân nhưng thực tế thì cái miệng không đi cùng với đôi tay và cái đầu. Một nền công vụ còn nhiều cán bộ kém cỏi, thiếu cả tầm lẫn tâm thì biết bao giờ tiến lên chuyên nghiệp! 

Một bộ máy hành chính đầy rẫy cá nhân chăm chăm “dĩ công vi tư” thì lấy ai phục vụ dân mà hô hào “vì dân”! Đã không giỏi mà lại chuyên quyền thì đừng nói đến chuyên nghiệp làm gì, vì con đường ấy đi chẳng bao giờ tới đích.

Người ta báo tin mà bị “trảm” vì tội bêu xấu địa phương thì còn ai muốn hợp tác nữa. Vậy mới thấy, chính quyền lắng nghe dân mà hiếm như thế thì cán bộ làm đầy tớ cho dân là chuyện thật xa vời, có nằm mơ cũng chẳng biết có thấy được không!

Theo NLĐ