Việc phun nước hay sử dụng dịch vụ làm sạch khoang động cơ sẽ giúp việc bảo trì chiếc xe tốt hơn
|
Việc để khoang động cơ bám bẩn sẽ khiến quá trình tản nhiệt của động cơ bị ảnh hưởng. Chưa kể đến việc, quá trình kiểm tra phát hiện các sự cố bất thường cũng sẽ bị hạn chế nếu bụi bẩn, dầu mỡ bám đầy trong khoang máy.
Do vậy, việc phun nước hay sử dụng dịch vụ làm sạch khoang động cơ sẽ giúp việc bảo trì chiếc xe tốt hơn. Tuy nhiên, nhiều người vẫn băn khoăn có nên rửa khoang động cơ ô tô hay lo lắng đến những tác hại khi xịt nước.
Lưu ý: Người dùng có thể tự vệ sinh khoang máy, thay vì mang tới garage. Tuy nhiên, cần phải có chút hiểu biết kỹ thuật nhất định, tránh làm ướt hay phun nước trực tiếp vào những phần liên quan đến điện, lựa chọn dung dịch làm vệ sinh phù hợp giúp công việc nhanh chóng và an toàn.
Vậy các chi tiết nào kỵ nước và cần được bảo vệ khi rửa khoang máy?
Cửa hút gió động cơ cần được che chắn để nước không lọt vào bầu lọc gió. Tiếp đó kiểm tra và bảo vệ hộp điều khiển động cơ, kiểm tra bộ chia điện, hộp điều khiển ABS, các dây cao áp, các cảm biến. Ngoài ra, một số xe bugi được bố trí trong hốc sâu, tránh để nước chui vào rồi không tự thoát ra được.
Lưu ý: Sử dụng túi ni-lông, màng bọc hoặc màng nhôm che chắn những phần điện, bình ắc- quy, cổ hút gió, cầu chì… là những vị trí cần được bọc cẩn thận để tránh nước.
Để nguội động cơ và loại bỏ rác
Chỉ nên làm sạch khoang máy khi động cơ đã nguội hẳn. Nếu còn nóng hay ẩm, cần mở nắp ca-pô để nhanh chóng giảm nhiệt, mất khoảng 30 phút. Ngoài ra, cần dọn dẹp bụi bẩn, rác trong khoang xe nếu bị mắc kẹt trong hốc hút gió, phần tiếp giáp kính chắn gió trước và lỗ thông hơi khoang động cơ.
Hay có thể dùng máy nén khí để thổi rác mắc bên trong, chứ không nên dùng nước để loại bỏ vì đôi khi, nước sẽ dẫn rác tới những khe, lỗ trong khoang máy và gây rắc rối đối với chiếc xe.
Áp lực nước phù hợp, không gây hại cho động cơ?
Sử dụng vòi xịt với đầu vòi ở chế độ phun chùm trên diện rộng, nhẹ nhàng xịt vào khoang máy. Ngay sau khi làm ướt, sử dụng bàn chải mềm, chổi sơn để cọ rửa những chi tiết, ngóc ngách bên trong. Nếu động cơ để quá lâu, có thể dùng dung dịch chuyên dụng, giúp loại bỏ bụi bẩn, cặn bám, dầu mỡ lâu ngày.
Nếu xịt rửa két tản nhiệt thì áp lực nước cần vừa phải và xịt vuông góc để không làm hư hại đến các lá tản nhiệt. Một số chi chi tiết có thể chịu được áp lực nước mạnh như chassis, thước lái, thanh cản, thành lốc máy…Còn các chi tiết còn lại như đường ống, dây dẫn, máy phát điện… chỉ có thể chịu được áp lực nước rất nhẹ.
Cần sử dụng máy nén khí và khăn để lau khô các chi tiết trong khoang
|
Sử dụng hóa chất nào để rửa sạch khoang máy?
Nên sử dụng hóa chất chuyên dùng, được sản xuất bởi các thương hiệu uy tín. Các hóa chất luôn có công thức đặc biệt để làm sạch cặn bẩn mà không ăn mòn hay gây hại cho khoang máy.
Lưu ý: Một số dung dịch làm sạch động cơ chứa hóa chất, bạn nên sử dụng găng tay và khẩu trang để bảo vệ sức khỏe.
Làm khô động cơ và khởi động máy
Khi bụi bẩn, dầu mỡ được làm sạch, cần sử dụng máy nén khí và khăn để lau khô các chi tiết trong khoang máy. Sau khi lau khô các chi tiết, cẩn thận tháo các túi ni-lông, màng nhựa… dùng che chắn các chi tiết bên trong khoang máy trước đó, rồi dùng khăn lau sạch sẽ những chi tiết này.
Sau đó, hãy khởi động xe, nổ máy 2 – 3’ để đảm bảo cầu chì, các IC hoạt động bình thường và động cơ nóng lên làm khô các chi tiết bên trong hốc khoang máy.
Rửa khoang máy tiến hành bao lâu một lần?
Việc vệ sinh khoang động cơ giúp xe vận hành an toàn và bảo vệ các chi tiết máy, chưa kể đến việc chuột làm tổ, hay côn trùng xâm nhập gây hư hại dây dẫn nhiên liệu, gioăng cao su… Việc vệ sinh khoang máy có thể thực hiện định kỳ từ 3 – 6 tháng/lần. Hoặc phụ thuộc vào điều kiện xe sử dụng, lúc nào thấy khoang bẩn có thể đi rửa.
Theo VOV Giao thông