Về đâu các cửa hàng điện thoại nhỏ?

Với sức ép đến từ hàng ngàn điểm bán của các "đại gia" bán lẻ điện thoại di động như Thế giới di động, FPT Shop, Viễn thông A…, có vẻ như các cửa hàng kinh doanh điện thoại nhỏ lẻ sẽ khó sống hơn trong năm 2016.
(C) SGTO Một cửa hàng kinh doanh điện thoại, máy tính, phụ kiện... thuộc chuỗi bán lẻ FPT Shop ở Hải Phòng - Ảnh: FPT
(C) SGTO Một cửa hàng kinh doanh điện thoại, máy tính, phụ kiện... thuộc chuỗi bán lẻ FPT Shop ở Hải Phòng - Ảnh: FPT

Theo kế hoạch dự kiến của Công ty cổ phần đầu tư Thế giới Di động, nếu tình hình kinh doanh thuận lợi, công ty có thể phát triển lên đến 1.000 cửa hàng.

Trong khi đó, chuỗi cửa hàng bán lẻ FPT Shop hiện cũng đang sở hữu hơn 250 cửa hàng; Viễn Thông A cũng đã có trong tay hơn 200 cửa hàng; chuỗi bán lẻ Viettel Store đã vươn tới con số 300 cửa hàng… Viễn thông A, FPT Shop… cũng cho biết sẽ mở thêm 50-100 cửa hàng mới trong năm 2016.

Ngay cả như tân binh trong lĩnh vực bán lẻ điện thoại là VinPro cũng dự kiến mở thêm khoảng 100 cửa hàng kinh doanh sản phẩm công nghệ VinPro và VinPro+ trong năm nay; hiện tại tập đoàn VinGroup (sở hữu chuỗi bán lẻ VinPro) cũng đang có trong tay 100 cửa hàng.

Tốc độ mở cửa hàng của các nhà bán lẻ trong năm nay sẽ là hàng tuần; thậm chí trong một tuần mỗi đơn vị có thể khai trương 2-3 cửa hàng mới.

Nhìn vào số lượng cửa hàng sẽ khai trương trong năm 2016 của các nhà bán lẻ lớn, rõ ràng các cửa hàng bán lẻ điện thoại di động, máy tính bảng… nhỏ lẻ khá hoang mang vì sức ép cạnh tranh của các hệ thống bán lẻ lớn không dừng lại ở thành phố, tỉnh/huyện… mà đã “ép” đến tận xã, ấp… Có thể nói "đất sống" của các cửa hàng nhỏ lẻ đang bị thu hẹp một cách nhanh chóng.

Hiện tại, hầu hết cửa hàng kinh doanh điện thoại nhỏ lẻ đang phải sống “cầm hơi” bằng cách tập trung bán thẻ cào, phụ kiện, điện thoại cũ… chứ khó lòng cạnh tranh với các chuỗi bán lẻ lớn trong việc bán điện thoại mới. Một số cửa hàng bán lẻ điện thoại phải tìm ngách hẹp để lách vào, kinh doanh thêm các sản phẩm như máy chơi game, loa di động, bộ phát sóng không dây Wi-Fi, camera thể thao…

Một số chuỗi bán lẻ quy mô nhỏ (dưới 10 điểm bán) đã dần dần từ bỏ kinh doanh hàng xách tay, chuyên tâm bán hàng chính hãng để nhận được sự hỗ trợ từ các hãng điện thoại. Một số cửa hàng nhỏ lẻ khác thì tìm cách tăng cường “nguồn sống” bằng cách khai thác sâu hơn dịch vụ bán trả góp điện thoại, sửa chửa điện thoại, cung cấp gói bảo hành 6-12 tháng cho hàng xách tay…

Theo đại diện một cửa hàng kinh doanh điện thoại nhỏ lẻ ở Hóc Môn thì bán điện thoại mới bây giờ rất khó, cạnh tranh không lại với các siêu thị điện máy lớn. Các cửa hàng bán điện thoại nhỏ lẻ chỉ có thể sống được nhờ vào việc bán điện thoại giá rẻ, điện thoại cũ… hoặc bán thẻ cào, phụ kiện, dán màn hình, sửa chữa điện thoại.

Bà Nguyễn Bạch Điệp, Tổng giám đốc Công ty cổ phần bán lẻ kỹ thuật số FPT Retail, cho biết: thị phần hiện nay chỉ còn khoảng 30-35% dành cho các cửa hàng kinh doanh điện thoại nhỏ lẻ. Nhưng với tốc độ mở cửa hàng ngày càng tăng của các hệ thống bán lẻ lớn, chắc chắn thị phần dành cho các cửa hàng này sẽ bị thu nhỏ lại.

Bà Điệp cũng cho biết thêm, ngay bản thân FPT Shop cũng không biết có còn đủ chỗ để mở thêm cửa hàng mới vào những năm tới hay không khi số lượng cửa hàng bán lẻ sản phẩm công nghệ (điện thoại di động, máy tính bảng, laptop…) ở các tỉnh thành ngày càng tăng nhanh.

Theo

TBKTSG