Thông tin trên được TS. Nguyễn Mạnh Cường – Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ Y tế) - cho biết tại cuộc họp khởi động Văn phòng Sức khỏe Toàn cầu do Bộ Y tế tổ chức sáng nay, 5/12.
Nỗ lực dập tắt dịch bệnh
“Tại Việt Nam, bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng vẫn đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát. Với khoảng 300.000 người mắc, bệnh sốt xuất huyết tăng gấp 3 lần so với năm 2018 nhưng đã được khống chế với tỷ lệ tử vong chỉ còn 0,017%. Đạt được kết quả đó là nhờ vào sự hợp tác, giúp đỡ của các nước trên thế giới.” - PGS. TS. Nguyễn Trường Sơn – Thứ trưởng Bộ Y tế nói.
Toàn cảnh cuộc họp
|
Hiện, một số nước trên thế giới đã thành lập Văn phòng Sức khỏe Toàn cầu như: Hoa Kỳ, Thái Lan, Đài Loan, Philipin. Văn phòng Sức khỏe Toàn cầu tại Việt Nam sẽ là đầu mối để tăng cường trao đổi thông tin, hoạt động để kiểm soát bệnh dịch mới lây nhiễm, mới nổi, các bệnh lý không lây nhiễm (đái tháo đường, tăng huyết áp, ung thư,…), bệnh có liên quan đến vấn đề già hóa dân số.
Theo TS. Nguyễn Mạnh Cường, Văn phòng Sức khỏe Toàn cầu (Viet Nam Global Health Office) được đặt tại Vụ Hợp tác Quốc tế, có nhiệm vụ thúc đẩy, nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam trong các vấn đề sức khỏe toàn cầu và khu vực; hỗ trợ các quốc gia phát triển y tế qua việc chủ động đóng góp, xây dựng chính sách, chương trình nghị sự quốc tế. Từ đó, chia sẻ kinh nghiệm về cải cách hệ thống y tế cùng các vấn đề sức khỏe toàn cầu.
TS. Nguyễn Mạnh Cường – Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ Y tế)
|
Văn phòng Sức khỏe Toàn cầu hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm, có 4 chức năng chính gồm: điều phối, tham mưu, tăng cường năng lực và nghiên cứu; kinh phí hoạt động do ngân sách nhà nước bảo đảm, được trích từ kinh phí thường xuyên của Bộ Y tế, nguồn tài trợ quốc tế cùng các nguồn kinh phí hợp pháp khác.
Người dân được hưởng lợi gì?
Trước thắc mắc về lợi ích của người dân khi Văn phòng Sức khỏe Toàn cầu thành lập, TS. Cường cho hay, người dân sẽ được tiếp cận thông tin nhanh, chính xác về các dịch bệnh nguy hiểm, mới nổi trên toàn cầu. Từ đó, có nhận thức đúng về dịch, bệnh, chủ động phòng, chống dịch bệnh lây lan.
Đáng chú ý, người dân không chỉ nắm được thông tin về những dịch bệnh truyền nhiễm mà còn được cảnh báo về các bệnh không lây nhiễm như: ung thư, tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, béo phì,…
“Văn phòng ra đời sẽ huy động được nguồn lực tổng hợp của ngành y tế, hợp tác quốc tế trong quá trình phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cho người dân” – TS. Cường nhấn mạnh.
TS. Kidong Park – Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam
|
TS. Kidong Park – Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam cho biết: “Văn phòng Sức khỏe Toàn cầu đóng vai trò quan trọng trong y tế công cộng tại Việt Nam. Việt Nam đã có sự cam kết mạnh mẽ về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực y tế để cùng giải quyết các vấn đề sức khỏe toàn cầu. Việc khởi động Văn phòng Sức khỏe Toàn cầu hôm nay sẽ là nền tảng để Việt Nam nỗ lực hơn nữa trong công tác phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân.”