Văn phòng Chính phủ sẽ ứng dụng công nghệ RFID để quản lý hồ sơ mật

Cổng Thông tin điện tử Chính phủ vừa được giao phối hợp với đơn vị cung cấp giải pháp, sản phẩm xây dựng phương án ứng dụng công nghệ RFID (công nghệ nhận dạng sóng vô tuyến từ xa - PV) trong việc quản lý hồ sơ mật tại Văn phòng Chính phủ.
RFID là công nghệ nhận dạng sóng vô tuyếntừ xa, cho phép dữ liệu trên một con chíp được đọc một cách "không tiếp xúc"qua đường dẫn sóng vô tuyến ở khoảng cách từ 50 cm tới 10 m, tùy theo kiểu của thẻ nhãn RFID (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)
RFID là công nghệ nhận dạng sóng vô tuyếntừ xa, cho phép dữ liệu trên một con chíp được đọc một cách "không tiếp xúc"qua đường dẫn sóng vô tuyến ở khoảng cách từ 50 cm tới 10 m, tùy theo kiểu của thẻ nhãn RFID (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

Đây là một nội dung trong thông báo kết luận của Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà tại cuộc họp giao ban ngày 14/3 về xây dựng Chính phủ điện tử tại Văn phòng Chính phủ. Công văn thông báo kết luận của ông Lê Mạnh Hà tại cuộc họp nêu trên vừa được Văn phòng Chính phủ ban hành ngày 4/4/2016.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cũng giao Cổng Thông tin điện tử Chính phủ làm đầu mối, phối hợp với các đơn vị liên quan tổng hợp các hạng mục và kinh phí cần thiết cho các dự án đầu tư ứng dụng CNTT tại Văn phòng Chính phủ. Đồng thời, dự thảo các văn bản đề nghị các bộ, ngành lấy ý kiến góp ý của Văn phòng Chính phủ khi xây dựng các hệ thống thông tin để đảm bảo sự đồng bộ, thông suốt từ Trung ương đến địa phương.

Bên cạnh đó, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ còn được giao lập danh sách các bộ, ngành, địa phương liên thông văn bản điện tử với Văn phòng Chính phủ từ ngày 25/3/2016. Liên quan đến nội dung này, trước đó, trong báo cáo Quý I/2016 về tình hình thực hiện Nghị quyết 36a, Văn phòng Chính phủ cho biết, tính đến hết ngày 24/3/2016, đã có 7/30 bộ, ngành và 36/63 tỉnh, thành trực thuộc Trung ương kết nối, công khai tiến độ giải quyết hồ sơ công việc trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ.

Với Trung tâm Tin học, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà giao đơn vị này xây dựng danh sách các cá nhân cần thiết phải dùng bí danh sử dụng thư điện tử; báo cáo các giải pháp nhận diện thiết bị truy cập từ xa trước ngày 1/4/2016; đồng thời khẩn trương xây dựng phương án kỹ thuật, biện pháp triển khai, bảo đảm an toàn hệ thống hội nghị truyền hình.

Vụ Văn thư Hành chính được giao phối hợp cùng Cổng Thông tin điện tử Chính phủ lập danh sách, xaaydwngj kế hoạch liên thông văn bản, soạn thảo văn bản gửi các bộ, ngành, địa phương tham gia liên thông văn bản điện tử với Văn phòng Chính phủ qua Trục liên thông trên mạng truyền số liệu chuyên dùng.

Nghị quyết 36a về Chính phủ điện tử được Chính phủ ban hành tháng 10/2015 hướng tới mục tiêu đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Nâng vị trí của Việt Nam về Chính phủ điện tử theo xếp hạng của Liên hiệp quốc. Công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan nhà nước trên môi trường mạng.

Tại Nghị quyết này, bên cạnh trọng trách chủ trì tổ chức xây dựng Chính phủ điện tử và triển khai các giải pháp nêu tại Nghị quyết 36a, Văn phòng Chính phủ còn được Chính phủ giao triển khai nhiều giải pháp như: Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành Trung ương và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kết nối liên thông các phần mềm quản lý văn bản; thiết lập Cổng dịch vụ công quốc gia để tích hợp tất cả dịch vụ công trực tuyến của các bộ, ngành, địa phương; ban hành danh mục các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 để các bộ, ngành, địa phương thực hiện; chủ trì, phối hợp với Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính và Bộ TT&TT soạn thảo cơ chế thí điểm đầu tư, mua sắm và thuê dịch vụ, sản phẩm CNTT phù hợp với đặc thù của công nghệ là liên tục đổi mới, thiết bị lạc hậu nhanh và giảm giá mạnh…

Theo ITCNew