Những tiết lộ gần đây của cựu nhân viên an ninh quốc gia Mỹ Edward Snowden, người đã làm rò rỉ những bí mật hàng đầu của chính phủ cho báo chí, về vai trò của Ả Rập Xê-út trong cuộc chiến đang diễn ra ở Syria đã làm dấy lên các câu hỏi mới về vai trò của Ả Rập Xê-út và một số nước khác trong việc trang bị vũ khí cho các phe phái khủng bố khác nhau ở Syria.
Theo các tài liệu được Snowden công bố, Ả Rập Xê-út đã vũ trang cho lực lượng khủng bố đại diện nước này ở Syria ngay từ tháng 3/2013. Các tài liệu này cũng tiết lộ rằng Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ đã biết rõ mọi hành động của Ả Rập Xê-út cùng lực lượng khủng bố đại diện nước này, nhưng không hề phản đối bởi Mỹ và Ả Rập Xê-út đã có một mục tiêu chung là muốn thay đổi chế độ ở Syria.
Ả Rập Xê-út và các nước khác ủng hộ lực lượng khủng bố đã tiếp tục viện trợ tài chính và quân sự khổng lồ cho các nhóm khủng bố. Ông O'Neill cho rằng thông tin này cần được xem xét cùng với những tiết lộ khác về cung cấp vũ khí cho các nhóm khủng bố mới đây.
Một loạt các báo cáo điều tra của tổ chức Mạng lưới báo cáo điều tra Bungari (BIRN) đã tiết lộ toàn bộ mạng lưới vận chuyển vũ khí bất hợp pháp cho các phần tử khủng bố ở Syria của Mỹ và đồng minh. Việc này vẫn tiếp tục mặc dù tổng thống Trump đã ra lệnh ngừng cung cấp vũ khí vào tháng 7/2017. Mới tháng 9 vừa qua, Mỹ đã sử dụng đảo của Croatia cho các chuyến hàng vận chuyển vũ khí đến Trung Đông.
Sự bùng phát cung cấp vũ khí bằng các tuyến đường thay thế như từ lãnh thổ Croatia và Azerbaijan khiến chính phủ Đức nảy sinh lo ngại rằng Mỹ đã sử dụng các căn cứ quân sự của Đức nhằm mục đích cung cấp vũ khí cho những kẻ khủng bố.
Mối lo ngại của Đức được hình thành từ hai căn cứ chủ yếu. Thứ nhất, Đức bị ràng buộc bởi Quan điểm chung về xuất khẩu vũ khí 2008, một phần của luật Liên minh châu Âu (EU). Các nước thành viên EU phải xem xét 8 tiêu chí riêng trước khi chấp thuận cho vận chuyển vũ khí từ lãnh thổ của họ tới các bên thứ ba. Các tiêu chí này bao gồm việc nước nhận vũ khí có tôn trọng nhân quyền, cũng như gìn giữ hòa bình, an ninh và ổn định khu vực hay không.
Theo ông O'Neill, nói rằng việc vận chuyển vũ khí tới Syria và đặc biệt là cung cấp những vũ khí đó cho các nhóm khủng bố để hỗ trợ cho các mục tiêu địa chính trị của Mỹ đáp ứng được đòi hỏi về tôn trọng nhân quyền đã là không thể, huống chi là góp phần vào hòa bình, an ninh và ổn định khu vực.
Sự hai mặt vốn có trong lập trường của EU có thể được nhận thấy từ thực tế là EU đã dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Syria vào tháng 5/2013. Lệnh cấm vận được dỡ bỏ vì Pháp và Vương quốc Anh gây sức ép để EU cho phép cung cấp vũ khí từ nước họ tới các nhóm đối lập Syria.
Yếu tố thứ hai liên quan đến vấn đề này là Hiệp ước Thương mại Vũ khí 2014 của Liên Hiệp quốc, có hiệu lực vào ngày 24/12/2014. Điều 6 của Hiệp ước Thương mại Vũ khí cấm một quốc gia cung cấp vũ khí trong trường hợp nước đó đã biết hoặc thông thường sẽ biết rằng những vũ khí đó sẽ được sử dụng trong các cuộc tấn công vào dân thường hoặc trong các nhiệm vụ gây ra tội ác chiến tranh.
Điều 11 của Hiệp ước bao gồm tình trạng vũ khí đã gửi đến một địa điểm và được chuyển tới bên thứ ba. Các nước thành viên của Hiệp ước phải thực hiện các biện pháp để ngăn chặn điều này xảy ra. Song việc này rõ ràng không được thực hiện.
Trong số các quốc gia đã phê chuẩn Hiệp ước Thương mại Vũ khí có Úc, Bungaria, Croatia, Cộng hòa Séc, Pháp, và Vương quốc Anh. Tất cả các quốc gia này đều đồng ý trong việc cung cấp vũ khí và đạn dược tới một số nước, trong đó có Ả Rập Xê-út và Israel.
Đây là vấn đề đặc biệt nan giải bởi Mỹ, Ả Rập Xê-út và Israel không phải là thành viên của hiệp ước. Cả ba quốc gia đều là những nhà cung cấp quan trọng cho các nhóm khủng bố đang hoạt động tại Syria và các nơi khác. Những tiết lộ mới nhất của Snowden xác nhận những gì đã được biết đến rộng rãi hoặc bị nghi ngờ trong một thời gian dài.
Nhóm khủng bố Jaysh Al-Islam được Ả Rập Xê-út hậu thuẫn đã tiến hành các vụ hành quyết dân thường, triển khai vũ khí hóa học trong các cuộc tấn công vào dân thường và đặc biệt còn sử dụng họ làm lá chắn sống. Một lần nữa, những hành động này đã có tài liệu chứng minh nhưng vẫn không ngăn được Mỹ và Ả Rập Xê-út cung cấp vũ khí cho nhóm này và các nhóm tương tự.
Thực tế là các chuyến hàng vận chuyển vũ khí vẫn đang diễn ra bất chấp mệnh lệnh của Tổng thống Trump vào tháng 7/2017. Việc cung cấp vũ khí như vậy dưới tên mã Chiến dịch Sycamore làm dấy lên những câu hỏi nghiêm túc về hiệu lực kiểm soát thực sự của ông Trump đối với quân đội Mỹ và CIA.
Các nhà tổ chức chính của hoạt động buôn bán vũ khí này có vẻ là cả CIA và Bộ Tư lệnh tác chiến đặc biệt. Cả hai nhóm được biết đến là hoạt động độc lập với sự kiểm soát hiệu quả. Trước khi BIRN tiết lộ những kết quả điều tra mới nhất, đã có các tin tức trước đó cho biết hai tổ chức này sử dụng Silk Airways, một công ty đặt trụ sở tại Azerbaijan, để phân phối vũ khí cho các nhóm khủng bố thông qua hãng hàng không dân dụng này. Điều này cũng trái với hiệp định hàng không quốc tế, trong đó quy định cấm sử dụng các hãng hàng không dân dụng để vận chuyển trang thiết bị quân sự.
Vào tháng 7 năm nay, Bộ trưởng Công nghiệp Quốc phòng Úc Christopher Pyne bày tỏ mong muốn Úc sẽ trở thành một nước xuất khẩu vũ khí hàng đầu. Ông đã phát biểu sẽ sử dụng việc xuất khẩu để thắt chặt mối quan hệ với các quốc gia ở những khu vực bất ổn như Trung Đông. Ông cũng cho biết việc xuất khẩu như vậy có thể được sử dụng để tăng cường quan hệ quân sự với các quốc gia chủ chốt như Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) mà Úc đã chia sẻ lợi ích trong cuộc chiến chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) và "cân bằng quyền lực ngày càng lớn của Iran trong khu vực".
Không chỉ không chiến đấu chống IS, UAE từ lâu đã được biết đến là một trong những nhà ủng hộ chính của IS.
Cũng khó hiểu tại sao ông Pyne muốn "cân bằng quyền lực ngày càng lớn của Iran trong khu vực", trong khi rõ ràng sự can thiệp của Iran vào Iraq và Syria, theo lời mời của chính quyền hợp pháp của cả hai nước, là một yếu tố chính góp phần làm nên chiến thắng ngày càng vang dội trong cuộc chiến chống IS và các nhóm khủng bố tương tự. Những nhóm khủng bố được trang bị vũ khí không chỉ tìm cách làm suy yếu chính phủ của Iraq và Syria, mà còn là nguồn gốc dẫn đến cái chết, sự tàn phá và nỗi khổ đau cho nhiều người dân vô tội.
Những tiết lộ từ các tài liệu được điệp viên Snowden công bố và các báo cáo khác liên quan tới việc vận chuyển vũ khí trái phép cho các nhóm khủng bố đã xuất hiện rất ít hoặc không hề được nhắc đến trên các phương tiện truyền thông chính thống của Úc. Theo ông O'Neill, điều này phản ánh sự miễn cưỡng nói chung của các phương tiện truyền thông chính thống khi miêu tả chính xác những gì đang diễn ra ở Iraq và Syria, đặc biệt là vai trò của các nhóm khủng bố và sự hỗ trợ mà chúng nhận được từ các nước như Ả Rập Xê-út.
Luật sư O'Neill đã chỉ ra sự đối xử bất bình đẳng của truyền thông với các bên ở Syria thông qua các phân tích khác nhau khi nói về việc giải phóng Aleppo và Raqqa. Trong trường hợp Aleppo, quân đội Syria cùng các đồng minh Nga, Iran, và Hezbollah đã phối hợp tác chiến đánh đuổi những kẻ khủng bố khỏi Aleppo. Thương vong của dân thường luôn được truyền thông phương Tây miêu tả là do quân đội Syria và Nga hành động bừa bãi xem thường tính mạng con người.
Cuộc chiến chống lại IS ở Raqqa phần lớn do Mỹ và các đồng minh trong cái gọi là "liên minh" của Mỹ gồm Úc tiến hành, cũng rất giống chiến dịch tiêu diệt IS ở Mosul trước đây. Raqqa gần như đã bị hủy diệt hoàn toàn. So sánh chính xác thì Raqqua chịu số phận giống với cả Dresden và Berlin hồi kết thúc Thế chiến II. Số dân thường thiệt mạng lên tới hàng nghìn người. Con số chính xác chưa thể xác định cho đến khi dỡ bỏ đống đổ nát. Nhưng quy mô tàn phá và số người chết lại ít được nhắc đến trên các phương tiện truyền thông chính thống.
Theo ông O'Neill, lời giải thích hợp lý nhất cho điều này là sự thật về cách thức cung cấp vũ khí cho những kẻ khủng bố, và sự can thiệp bất hợp pháp của Mỹ và các nước đồng minh trong "liên minh" của Mỹ ở Syria, không thuộc nội dung ưu tiên của giới truyền thông là luôn nói xấu Syria, Nga và Iran bất chấp bằng chứng thực tế.