IS thua liểng xiểng liệu sắp sụp đổ hoàn toàn?

Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo đã xây dựng được một lực lượng cơ giới, rất linh động nhờ kho vũ khí lấy được lúc chiếm các thành phố lớn như Mosul, Ramadi cùng nhiều thành phố khác ở Iraq và Syria, tịch thu về gần 4.000 xe quân sự trong đó có cả xe tăng và 2.000 xe Humvee hiện đại của Mỹ, trọng pháo, súng phóng rocket, hàng trăm tấn đạn dược..
IS đang thất bại trên nhiều mặt trận nhưng vẫn còn rất mạnh
IS đang thất bại trên nhiều mặt trận nhưng vẫn còn rất mạnh

Trong thời gian gần đây, thông tin về việc IS liên tục thất thủ ở Iraq cũng như Syria trước những cuộc tấn công của liên minh do Mỹ dẫn đầu hay quân đội Syria được Nga và Iran hậu thuẫn, đã rộ lên, thể như lực lượng thánh chiến không còn chỗ đứng, sắp đến hồi tiêu vong. Tuy nhiên giới quan sát cho rằng tuy tổ chức IS khó lật ngược được thế cờ, nhưng lực lượng này không dễ bị tiêu diệt và sa mạc là hậu cứ giúp chúng có thể vươn lên trở lại.

Quân đội Syria được đồng minh Nga và Iran hỗ trợ, đã giành lại được quyền kiểm soát thành phố Al Mayadeen, phía đông Syria, một căn cứ quan trọng của IS, nơi mà ban tham mưu của họ đã chuyển về.

Trong khi đó, một lực lượng chống thánh chiến khác được Mỹ hậu thuẫn đã bao vây quân IS cố thủ ở khu vực cuối cùng chúng kiểm soát ở Raqqa, trước đây được xem là ‘thủ đô’ của IS ở Syria.

Ở bên kia biên giới, phía Iraq, quân đội Iraq đã chiếm lại được một thành trì của IS, thành phố Hawija, phía bắc, và chuẩn bị tấn công vào cứ địa cuối cùng của thành phần thánh chiến ở vùng biên giới với Syria.

Tính từ trung tuần tháng 9 đến nay IS đã mất hầu hết những vùng quan trọng đã chiếm giữ : đầu tháng 10, chúng bị đánh bật khỏi tỉnh Hama ở Syria. Hai tuần trước đó, IS bị mất Raqqa, sau khi bị đánh bại ở Mosul và Tal Afar ở Iraq. Ở những nơi khác IS vẫn gắng cố thủ. Vấn đề là trong toàn cảnh đó, IS vẫn còn khả năng tấn công bất ngờ gây thiệt hại nhân mạng không nhỏ ở cả Iraq lẫn Syria.

Giới quan sát đã ghi nhận là từ khi IS thông báo thành lập ‘vương quốc’, mà trong thời cực thịnh bao trùm một nửa Syria và một phần ba Iraq, tình báo quốc tế cũng như các chuyên gia đã không ước tính được chính xác lực lượng chiến binh IS gồm bao nhiêu người, cũng như số tử vong của chúng.

Vào tháng 7/2014, lãnh đạo quân sự phương Tây đưa ra con số từ 7.000 đến 15.000 chiến binh dưới tay của thủ lĩnh tối cao IS Abu Bakr al-Baghdadi. Vào tháng 1/2016, ông Jean-Yves Le Drian, Bộ trưởng Quốc Ppòng Pháp thời ấy, nói đến 35.000 chiến binh trong đó 12.000 là người ngoại quốc.

Ông Le Drian còn cho biết thêm là có 22.000 người tử vong từ khi liên minh quốc tế chống IS do Mỹ dẫn đầu bắt đầu chiến dịch không kích vào mùa hè 2014.

Đến tháng 12/2016, một quan chức Lầu Năm Góc nêu lên con số 50.000 chiến binh IS. Còn Bộ Quốc phòng Nga thì cho biết là lực lượng Nga đã hạ sát 40.000 quân khủng bố từ tháng 9/2015. Đến tháng 3/2017, lãnh đạo liên minh quốc tế, tướng Mỹ Stephen Towsend tuyên bố có từ 12.000 đến 15.000 chiến binh IS ở Iraq và Syria.

Nhìn chung, thực lực chính xác của IS vẫn là một ẩn số. Từ tháng 3/2017, IS đã mất nhiều tỉnh thành, làng mạc và những vùng sa mạc rộng lớn ở Syria. Hàng ngàn chiến binh thánh chiến đã chết, bị thương hay bị bắt. Thế nhưng tổ chức này vẫn tiếp tục chiến đấu, kháng cự lại một cách mãnh liệt trước các cuộc tấn công của quân đội Iraq, Syria và các đồng minh. Thậm chí lực lượng thánh chiến vẫn còn sức tấn công chớp nhoáng, chiếm lại một số nơi bị mất hay ngăn chặn đà tiến của đối thủ.

Nga đã tiêu diệt Nga đã tiêu diệt "bộ trưởng quốc phòng IS" ở Syria

Theo nhận định của một chỉ huy lực lương Hezbollah xin giấu tên thì số lượng mặt trận mà IS mở ra và tính chất các chiến dịch quân sự cho thấy là thực lực của lực lượng này bị đánh giá quá thấp:

«Để kiểm soát được một vùng lãnh thổ có quy mô như ‘vương quốc’ của IS, đồng thời chống lại tất cả các láng giềng, và kể cả những nhóm thánh chiến khác, thì phải có dưới tay ít nhất 100.000 người. Và vào năm 2015, lúc IS cực mạnh, thì quân số của họ quả là như vậy, với 1/3 đến từ nước ngoài. Chỉ cần nhìn quân đội Syria thì thấy có một lực lượng đông gấp 3 lần, thế mà Damascus đã rất khó khăn trong việc đối phó với bấy nhiêu mặt trận».

Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo đã xây dựng được một lực lượng cơ giới, rất linh động nhờ kho vũ khí lấy được lúc chiếm các thành phố lớn như Mosul, Ramadi cùng nhiều thành phố khác ở Iraq và Syria, tịch thu về gần 4.000 xe quân sự trong đó có cả xe tăng và 2.000 xe Humvee hiện đại của Mỹ, trọng pháo, súng phóng rocket, hàng trăm tấn đạn dược... IS còn lấy được cả hỏa tiễn Scud mà lực lượng này đã phô trương khi chiếm được Mosul cách đây hơn 3 năm, vào mùa hè 2014.

Bị thiệt hại năng nề trước các chiến dịch oanh kích của liên minh quốc tế và Nga cũng như của không quân Iraq và Syria, Daech đã mất 90% lãnh thổ chiếm đóng, các ‘thủ đô’ Mosul ở Iraq và Raqqa ở Syria.

Tại Syria, IS còn kiểm soát được một vùng ước tính rộng khoảng 20.000 km2 ở phía đông sông Euphrate, chạy từ thành phố Al-Mayadeen đến Bou Kamal ở biên giới với Iraq, và trải dài sang Iraq đến các thành phố Qaim và Rawa.

Quân thánh chiến còn kiểm soát được một số nơi ở sa mạc phía đông tỉnh Homs và thung lũng Yarmouk, gần khu vực Golan do Israel kiểm soát, khu vực Hajar al-Aswad, phía nam thủ đô Damascus và vùng Doumeir đông bắc thủ đô Syria.

Elias Farhat, một cựu tướng lãnh quân đội Lebanon nhận định "cho đến giờ IS không dự kiến ngưng cuộc chiến, mà ngược lại còn quyết định chiến đấu đến cùng». Theo nhân vật này, đó không phải là một cuộc chiến tuyệt vọng mà là đi theo một chiến lược được cân nhắc kỹ lưỡng. Mục tiêu trên mặt quân sự là giáng những đòn gây tổn thất nghiêm trọng cho đối phương trước khi rút khỏi một thành phố hay một vùng lãnh thổ để lui về vùng sa mạc.

Theo tướng Farhat, «IS đã tàng trữ trong sa mạc một lượng vũ khí, đạn dược, chất nổ quan trọng, có cả nước uống và lương thực. Họ đã chuẩn bị cho một cuộc chiến tiêu hao lâu dài».

Theo một số nguồn tin, thủ lĩnh tối cao IS Abou Bakr al-Baghdadi đã rút về vùng sa mạc ở Iraq năm 2010, sau thất bại của al-Qaeda trong các thành phố trước chiến dịch của Mỹ và lực lượng bộ tộc suni do Mỹ huấn luyện. Và thủ lĩnh IS đã kiên trì xây dựng lại lực lượng để 4 năm sau chinh phục Iraq và Syria.

Chiến lược rút về sa mạc dường như lại đang được thực hiện ở Iraq và Syria. Cho nên theo ông Farhat, «sau khi bị bại ở một thành phố, những chiến binh còn sống, không bị bắt, hầu như biến mất. Thật ra họ đã rút về sa mạc nơi họ có các căn cứ và các kho vũ khí được che giấu».

Theo tướng Elias Farhat, con số 10.000 chiến binh IS còn hoạt động ở Syria, mà tình báo Nga đưa ra vào tháng 9 rất đáng tin: «Ở Iraq, IS không đông như thế, nhưng lực lượng này vẫn còn một hệ thống chỉ huy và kiểm soát rất hữu hiệu, cho nên IS có thể thực hiện những hoạt động quân sự quan trọng như chuyển quân và thiết bị».

Hệ thống chỉ huy này là một mối đau đầu đối với lực lượng Nga đã chưa tìm ra được phương cách để vô hiệu hóa.

Do việc IS vẫn có thể nhận và thực hiện các chỉ thị ở hiện trường, phiến quân IS vào cuối tháng 9 đã mở cuộc tấn công bất ngờ nhắm vào quân đội Syria và đồng minh dọc theo xa lộ Palmyra – Deir Ezzor trên hàng chục cây số, làm gần 200 người chết trong hàng ngũ đối phương.

Tuy nhiên theo ông Farhat, chiến lược đó tuy làm chậm được đà tiến của quân đội Syria ở Deir Ezzor, nhưng sẽ không đảo ngược được xu hướng cuộc chiến «sẽ dài lâu hơn, gây thêm nhiều nạn nhân. Nhưng IS không thể thay đổi tương quan lực lượng».