Khám phá tên lửa Oreshnik Nga đã dùng để tấn công Dnipro

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 21/11, Nga đã lần đầu tiên phóng tên lửa tầm trung siêu thanh mới Oreshnik vào Ukraine. Tổng cục Tình báo của Bộ Quốc phòng Ukraine đã công bố phân tích loại tên lửa bí ẩn này.

Nga xác nhận đã phóng tên lửa siêu thanh tầm trung vào Ukraine. Ảnh: Sputnik.
Nga xác nhận đã phóng tên lửa siêu thanh tầm trung vào Ukraine. Ảnh: Sputnik.

Oreshnik mang 36 đầu đạn phụ trong 6 đầu đạn chính

Theo ước tính của Tổng cục Tình báo Bộ Quốc phòng Ukraine (HURMOU), tên lửa Oreshnik có thể bay với tốc độ tối đa vượt quá 13.000 km mỗi giờ; nó đã bay từ địa điểm phóng ở tỉnh Astrakhan miền nam nước Nga và tấn công mục tiêu ở thành phố Dnipro ở miền đông Ukraine.

HURMOU cho biết, thời gian để tên lửa Oreshnik phóng từ căn cứ Kapustin Yar thuộc tỉnh Astrakhan của Nga bay tới thành phố Dnipro là 15 phút, tên lửa mang theo 6 đầu đạn, mỗi đầu đạn này lại có 6 đầu đạn phụ, tốc độ bay giai đoạn cuối cùng trong quỹ đạo đạn đạo của nó vượt quá Mach 11 (tức khoảng 13.600 km/h) và đạt tốc độ siêu vượt âm.

Dau dan roi xuong.jpg
Hình ảnh các đầu đạn của tên lửa Oreshnik lao xuống đất. Ảnh: Dongfang.

HURMOU đánh giá tên lửa Oreshnik có thể được Nga phát triển từ hệ thống tên lửa Kedr hay còn gọi là tên lửa đạn đạo liên lục địa thế hệ mới Kedr. Đây là thế hệ tên lửa đạn đạo liên lục địa mới vừa được Nga phát triển trong năm nay.

Oreshnik sử dụng thuốc phóng rắn, có hai phiên bản phóng từ bệ phóng di động (xe chở kiêm bệ phóng) và phóng từ giếng phóng (silo), sẽ sớm được triển khai để thay thế các tên lửa liên lục địa hiện có của Lực lượng Tên lửa Chiến lược Nga. Trước khi đi vào sản xuất hàng loạt, Nga có thể thử nghiệm thêm ít nhất 10 tên lửa như vậy.

Ten lua RS-26.png
Tên lửa liên lục địa RS-26, loại Oreshnik được cho là phát triển từ loại này.
 Ảnh: Singtao.

Mỹ: Bản cải tiến của RS-26, không thể đánh chặn

Tên lửa đạn đạo siêu thanh Oreshnik (tiếng Nga: Орешник) là tên lửa đạn đạo tầm trung (IRBM) của Nga hiện đang được sử dụng. Nó được Tổng thống Nga Vladimir Putin tiết lộ lần đầu tiên với giới truyền thông vào ngày 21/11.

Theo Lầu Năm Góc, đây là loại tên lửa mới được cải tiến và phát triển dựa trên tên lửa đạn đạo liên lục địa RS-26 Rubezh. Phó Thư ký báo chí Lầu Năm Góc Sabrina Singh mô tả Oreshnik “là một biến thể của tên lửa đạn đạo bán tự động RS-26 Rubezh”.

Người ta cho rằng tốc độ giai đoạn cuối cùng của tên lửa này có thể đạt Mach 11 nên khó có thể đánh chặn bằng công nghệ phòng không hiện tại trên thế giới. Oreshnik là tên lửa siêu thanh tầm trung đầu tiên tham gia chiến đấu thực tế.

Nga xac nhan phong ten lua sieu thanh.jpg
Hình ảnh do hãng AP công bố với chú thích "Nga xác nhận đã phóng tên lửa siêu thanh tầm trung vào Ukraine". Ảnh: Singtao.

Theo thông báo chính thức của Nga, quân đội nước này đã sử dụng tên lửa Oreshnik để tấn công nhiều mục tiêu ở thành phố Dnipro ở Ukraine vào ngày 21/11.

Tên lửa này sử dụng thiết kế nhiều đầu đạn với khả năng dẫn đường riêng biệt. Trong nhiều hình ảnh của camera giám sát chưa được xác nhận, có thể nhìn thấy nhiều đầu đạn xuyên qua các đám mây với tốc độ cực cao và tấn công nhiều mục tiêu trên mặt đất với quỹ đạo gần như thẳng đứng.

Do Mỹ, Anh và Pháp gần đây đã chấp thuận cho Ukraine sử dụng tên lửa đạn đạo tầm xa ATACMS và Storm Shadow được các nước này viện trợ để tấn công các mục tiêu ở trong lãnh thổ Nga, nên việc phóng tên lửa Oreshnik vào Dnipro có thể được coi là phản ứng của Nga.

Putin hop voi cac quan chuc cong nghiep quan su.jpg
Tổng thống Putin họp với lãnh đạo Bộ Quốc phòng và giới công nghiệp quân sự Nga hôm 22/21. Ảnh: Singtao.

Một giám đốc giấu tên tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) của Mỹ cho biết khả năng phóng nhiều đầu đạn (MIRV) của tên lửa này khác biệt với các tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân khác đã được sử dụng chống lại Ukraine và khiến nó cực kỳ khó đánh chặn.

Một nhà phân tích quân sự Ukraine tuyên bố rằng các hệ thống phòng không của Ukraine hoàn toàn không có khả năng đánh chặn tên lửa này và không thể phát hiện khi nó di chuyển phía trên tầng khí quyển. Giới chức Mỹ nhận định loại tên lửa này vẫn đang ở trong giai đoạn nghiên cứu và phát triển, Nga nhiều khả năng mới chỉ chế tạo được số lượng ít nên không thể sử dụng tên lửa đạn đạo siêu thanh Oreshnik trên quy mô lớn và kéo dài để tấn công Ukraine.

Trong khi đó, hôm 22/11, trong buổi gặp làm việc với quan chức Bộ Quốc phòng và giới công nghiệp quân sự Nga, Tổng thống Putin xác nhận một số hệ thống Oreshnik hiện đang được thử nghiệm ở Nga và quyết định bắt đầu sản xuất hàng loạt đã được đưa ra. Ông nói, nhiều hệ thống tên lửa khác dự kiến ​​sẽ được chuyển giao cho Lực lượng Tên lửa Chiến lược Nga trong những tháng tới.

Hình ảnh gây sốc được các camera giám sát ghi lại về các đầu đạn của tên lửa Oreshnik từ trên không lao xuống các mục tiêu (Nguồn: Dongfang)

Một số thông số chính:

Tên gọi: Tên lửa đạn đạo siêu thanh Oreshnik.

Loại hình: Tên lửa đạn đạo tầm trung (IRBM) siêu thanh.

Xuất xứ: Nga; thời gian sản xuất: 2023~2024.

Đầu đạn: đầu đạn hạt nhân/Đầu đạn thông thường/Đầu đạn siêu âm/Đầu đạn chùm.

Tốc độ: Vượt quá Mach 11(13.475km/h; 3.743m/s).

Cho đến nay, phía Nga vẫn chưa để lộ hình ảnh và các thông số chính thức của Oreshnik.

Theo Dongfang, Singtao