“Không thể thở được”: Cuộc sống ở thành phố ô nhiễm nhất thế giới

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Nam

Bên trong phòng khám đầu tiên ở Delhi chuyên điều trị các bệnh liên quan đến ô nhiễm, ông Deepak Rajak đang thở hết sức khó khăn.

Một người phụ nữ đi làm trong bối cảnh ô nhiễm không khí gia tăng vào ngày 19/11 tại Greater Noida, ngoại ô Delhi. Ảnh: Hindustan Times
Một người phụ nữ đi làm trong bối cảnh ô nhiễm không khí gia tăng vào ngày 19/11 tại Greater Noida, ngoại ô Delhi. Ảnh: Hindustan Times

Người đàn ông 64 tuổi này cho biết bệnh hen của ông đã trở nên trầm trọng hơn trong những ngày gần đây, và con gái ông đã vội vã đưa ông đến phòng khám vì lo lắng sức khỏe của ông xấu đi nhanh chóng.

Ngồi trong phòng chờ, ông Rajak chia sẻ với kênh CNN rằng ông cảm thấy "rất khó thở" và không thể ngừng ho. “Không thể thở nổi. Tôi vừa đi xe buýt đến đây, và cảm giác như mình đang bị ngạt thở”, ông nói.

Phòng khám chuyên khoa tại bệnh viện Ram Manohar Lohiya (RML) ở Delhi đã được thành lập vào năm ngoái để điều trị cho số lượng bệnh nhân ngày càng tăng, những người bị ảnh hưởng bởi tình trạng ô nhiễm không khí nguy hiểm, vốn trở nên nghiêm trọng hơn mỗi khi mùa Đông tới ở thủ đô Ấn Độ.

Bên ngoài, một lớp sương mù độc hại đang bao phủ thành phố từ cuối tháng trước, biến ngày thành đêm, làm gián đoạn các chuyến bay, che khuất tầm nhìn của các tòa nhà và đe dọa tính mạng của hàng triệu người dân.

Theo các giám sát viên chất lượng không khí toàn cầu, tính đến tuần trước, không đâu trên hành tinh có không khí nguy hại đến sức khỏe con người như ở Delhi.

Tình hình đã trở nên nghiêm trọng đến mức bà Atishi, Thủ hiến Delhi, đã tuyên bố "tình trạng khẩn cấp y tế", chính quyền đóng cửa trường học và kêu gọi người dân ở nhà.

Tuy nhiên, ông Rajak không thể không ra khỏi nhà bởi phải dựa vào công việc giặt là để nuôi sống gia đình.

“Chúng tôi có thể làm gì? Tôi phải ra khỏi nhà để đi làm”, ông nói. “Nếu tôi không kiếm tiền, lấy gì ra mà ăn? Khi ra khỏi nhà, cổ họng tôi bị nghẹt cứng. Đến tối tôi cảm giác như mình không còn sức sống nữa”.

2.png
Deepak Rajak, người bị bệnh hen suyễn nặng hơn trong những tuần gần đây, đến thăm một phòng khám ô nhiễm ở New Delhi. Ảnh: CNN.

Ông Rajak đã phải nhập viện một lần trong năm nay khi sương mù làm trầm trọng thêm bệnh hen của ông.

Với tình trạng ô nhiễm không có dấu hiệu giảm bớt, con gái ông, cô Kajal Rajak, cho biết cô sợ ông sẽ phải nhập viện lại – một gánh nặng tài chính khi họ đã khó khăn trong việc chi trả cho thuốc xịt và các xét nghiệm chẩn đoán đắt tiền.

Ngay cả việc đưa cha đến phòng khám cũng rất nguy hiểm, cô nói.

“Chúng tôi không thể nhìn thấy gì trước mặt”, cô Kajal nói. “Chúng tôi đứng ở trạm xe buýt mà không thể nhìn thấy số xe buýt, hay liệu có xe buýt nào đang đến – sương mù dày đặc đến mức đó”.

“Như có ớt trong mắt”

Tại một số khu vực ở Delhi trong tuần này, mức độ ô nhiễm đã vượt quá 1.750 trên Chỉ số Chất lượng Không khí, theo IQAir, đơn vị theo dõi chất lượng không khí toàn cầu. Chỉ số trên 300 được coi là nguy hiểm đối với sức khỏe.

Vào ngày 13/11, chỉ số PM2.5 cao hơn 77 lần mức an toàn được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) quy định. Khi hít phải, PM2.5 sẽ đi sâu vào mô phổi, nơi nó có thể xâm nhập vào máu, và đã được liên kết với các bệnh về hen, tim mạch, phổi, ung thư và các bệnh lý về hô hấp khác, cũng như suy giảm nhận thức ở trẻ em.

3.png
Sương mù dày đặc bao trùm New Delhi ngày 19/11. Ảnh: Getty.

CNN đã phỏng vấn khoảng một chục cư dân Delhi trong tuần qua – hầu hết đều cho biết họ gặp khó khăn trong việc thở do ô nhiễm. Một số người mô tả cảm giác như bị ngạt thở khi không khí độc hại làm mắt họ rát và cổ họng ngứa ngáy.

“Cảm giác như có ớt trong mắt tôi”, ông Mohammad Ibrahim, một tài xế ô tô lâu năm ở thành phố, nói, thêm rằng ngực ông luôn đau do làm việc ngoài trời trong ô nhiễm suốt cả ngày. “Khi tôi về nhà vào buổi tối và rửa tay, rửa mặt, một thứ đen đen chảy ra từ mũi tôi. Trước đây không bao giờ như vậy”, ông nói.

Giống như ông Rajak, ông Ibrahim không thể ngừng làm việc dù sức khỏe đang gặp nguy hiểm.

“Nếu tôi không ra ngoài làm việc, làm sao tôi có thể no bụng? Làm sao tôi trả được tiền thuê nhà? Tôi là một người nghèo”, ông nói.

Một số cư dân dễ bị tổn thương cho biết họ cảm thấy khó sống sót ở Delhi. Ông Aditya Kumar Shukla, 64 tuổi, cựu sĩ quan Không quân Ấn Độ, cho biết ông cố gắng không ra ngoài vào những ngày ô nhiễm.

“Không làm gì được (để cứu bản thân khỏi ô nhiễm), dù bạn ở trong nhà, ô nhiễm vẫn vào trong vì không khí rất bẩn,” ông nói với CNN từ bệnh viện Batra ở Delhi, nơi ông đang điều trị bệnh hen suyễn.

Ông Shukla cho biết ông đã phải nhập viện 3 lần trong năm nay và nếu có thể, ông sẽ rời khỏi thành phố.

“Ông cảm thấy căng thẳng, và điều này rất nguy hiểm, nhưng ở giai đoạn này tôi có thể đi đâu?” ông nói. “Tôi rất tức giận, tôi muốn rời Delhi nhưng ở Ấn Độ không có cơ sở vật chất, đặc biệt là cho những người mắc bệnh hen suyễn và các bệnh phổi”.

Tại phòng khám ô nhiễm, bác sĩ Amit Jindal cho biết ông và các đồng nghiệp đã thấy sự gia tăng rõ rệt số bệnh nhân mắc các vấn đề về ngực và phổi kể từ khi mức ô nhiễm tăng vọt. Ông xác nhận sự gia tăng này có liên quan trực tiếp đến khói mù.

Bác sĩ Gaurav Jain, một chuyên gia hô hấp tại bệnh viện Batra, cho biết ngay cả những người không hút thuốc cũng đang phát triển bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) – một căn bệnh về phổi làm hạn chế lưu thông không khí và gây khó thở.

4.png
Một buổi sáng mùa Đông đầy sương mù trong bối cảnh ô nhiễm không khí gia tăng ở Greater Noida, Ấn Độ. Ảnh: Hindustan Times.

Khủng hoảng kéo dài

Delhi đã phải đối mặt với mức độ ô nhiễm không khí cao trong hơn hai thập kỷ.

Chất lượng không khí xấu đi mỗi năm khi cái nóng mùa Hè nhường chỗ cho những tháng lạnh hơn. Những ngày không có gió khiến khói mù từ các đám cháy rơm, các nhà máy điện đốt than và giao thông bao phủ bầu trời thành phố.

Cơ quan ô nhiễm của Ấn Độ hôm 17/11 cho biết một số khu vực của Delhi có chất lượng không khí “nguy hiểm+” và đã triển khai các biện pháp khẩn cấp để giảm ô nhiễm, bao gồm dừng các xe tải và công trình xây dựng không cần thiết.

6.png
Một chiếc xe tải phun nước làm lắng hạt bụi ở New Delhi ngày 19/11. Ảnh: Hindustan Times.

Các quan chức cũng đang rải nước và chất giảm bụi trên các con đường, và tăng cường quét dọn đường phố.

Nhưng các chuyên gia cho rằng những nỗ lực này, được thực hiện hàng năm, chỉ là biện pháp tạm thời và không giải quyết được nguyên nhân sâu xa của ô nhiễm không khí.

Vào năm 2019, chính phủ Ấn Độ đã giới thiệu Chương trình Không khí Sạch Quốc gia để cải thiện chất lượng không khí xung quanh các thành phố, và nhiều ủy ban khác nhau đã được thành lập ở cả cấp quốc gia và cấp bang để giải quyết ô nhiễm không khí.

Nhưng các nhà phân tích cho rằng chính phủ đang tập trung nhiều hơn vào phản ứng khẩn cấp thay vì các nỗ lực lâu dài để cải thiện chất lượng không khí. Mặc dù việc đốt rơm trong mùa thu hoạch mùa Đông làm trầm trọng thêm mức độ ô nhiễm, nhưng để giải quyết cuộc khủng hoảng, vấn đề ô nhiễm cần phải được giải quyết quanh năm.

Tại phòng khám, cô Kajal Rajak lo lắng về sức khỏe ngày càng tồi tệ của cha mình, khiến ông khó thở và đi lại. Cô rất tức giận, nhưng cô nói rằng giận dữ sẽ không giải quyết được vấn đề. “Chính phủ cần phải làm gì đó”, cô nói.