Ông Lê Trung Chinh - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng |
Theo dự báo, bão số 9 sẽ đổ bộ vào khu vực miền Trung và Đà Nẵng là địa phương hứng chịu trực tiếp sức tàn phá được dự đoán là khủng khiếp của cơn bão này. Vì thế, ngay trong chiều ngày 26/10, UBND TP Đà Nẵng đã họp khẩn với các ngành và địa phương, yêu cầu dừng tất cả các cuộc họp không cần thiết để đưa ra những phương án ứng phó với bão số 9.
Để rõ hơn những gì Đà Nẵng sẽ làm nhằm ứng phó với siêubão số 9, tối muộn ngày 26/10, phóng viên VietTimes đã có cuộc phỏng vấn qua điện thoại với ông Lê Trung Chinh – Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng – về công tác chuẩn bị ứng phó với bão số 9 đang tiến gần vào Đà Nẵng.
- Với tình hình cấp bách hiện nay, Đà Nẵng đã chuẩn bị gì cho công tác ứng phó với bão số 9 dự báo là sẽ đổ bộ và ảnh hưởng trực tiếp đến Đà Nẵng, thưa ông?
Ông Lê Trung Chinh: Xác định đây là cơn bão mạnh, có diễn biến phức tạp nên ngay chiều 26/10, Đà Nẵng đã họp khẩn và chỉ đạo thực hiện công tác ứng phó với bão số 9. Hiện công tác chuẩn bị để ứng phó với bão số 9 đã cơ bản sẵn sàng để ứng phó với bão.
Trong chiều nay, đồng chí Bí thư Thành uỷ cũng đã chỉ đạo trực tiếp công tác ứng phó với bão số 9 và đặt vấn đề an toàn tính mạng, tài sản nhân dân lên hàng đầu.
Thời hạn hoàn tất các công tác chuẩn bị ứng phó với bão số 9 là trước 15h ngày 27/10. Cụ thể, sẽ di dời dân ở các khu vực không an toàn, ở trong các căn nhà thiếu kiên cố đến nơi an toàn. Đối với tàu thuyền cũng vậy, công tác chuẩn bị để ứng phó khi bão đổ bộ. Toàn bộ các công việc này sẽ phải hoàn tất trước 15h chiều ngày 27/10.
- Dự báo sức tàn phá của bão số 9 rất ghê gớm, UBND TP Đà Nẵng đã có chỉ đạo tích trữ lương thực để đề phòng. Vậy Đà Nẵng đã chuẩn bị như thế nào về vấn đề này?
Ông Lê Trung Chinh: Đây là vấn đề được Đà Nẵng rất quan tâm. Hiện cơ số nhu yếu phẩm, lương thực để đảm bảo phục vụ người dân đã sẵn sàng. Thậm chí chúng tôi đã lên kịch bản trong tình trạng xấu nhất sẽ tổ chức phối hợp cứu trợ cho nhân dân như thế nào. Nói chung là lãnh đạo TP đã có phương án, đã chỉ đạo phối hợp thực hiện đầy đủ.
Người dân Đà Nẵng di dời tàu thuyền lên bờ để tránh bão |
- Được biết, UBND TP đã chỉ đạo thực hiện di dời dân cư ra khỏi nơi nguy hiểm. Ông có thể cho biết sẽ có bao nhiêu hộ dân phải di dời?
Ông Lê Trung Chinh: Sẽ có hàng ngàn hộ dân ở các khu vực nguy hiểm, trũng thấp, sinh sống trong các khu chung cư cũ yếu, nhà thiếu kiên cố phải di dời đến nơi an toàn.
Việc này đang được thực hiện nên hiện chưa thể có số liệu chính xác. Nhưng cơ bản là việc di dời tổ chức ở tất cả các quận huyện trên địa bàn TP chứ không chỉ di dời dân ở khu vực ven biển, khu vực xung yếu.
Thậm chí cả dân cư ở khu vực trung tâm TP, những hộ dân sinh sống trong nhà không kiên cố, không đảm bảo an toàn cũng sẽ được di dời trước 15h ngày 27/10.
Nói tóm lại là chúng tôi đã làm rất kỹ và tất cả đã sẵn sàng các phương án để ứng phó với bão số 9.
Cảm ơn ông!
Chiều ngày 26/10, ông Nguyễn Văn Quảng - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng - chủ trì cuộc họp khẩn bàn phương án ứng phó với bão số 9. Theo đó, Đà Nẵng đã đưa ra 2 kịch bản sơ tán người dân khi bão đổ bộ.
Cụ thể, dự kiến số lượng sơ tán đối với kịch bản bão số 9 đổ bộ với gió cấp 8-11 là 19.215 hộ dân với tổng số 72.136 người. Phương án tiếp theo là nếu bão số 9 đổ bộ có gió cấp 12-13, Đà Nẵng sẽ sơ tán 35.229 hộ dân với tổng số 140.868 người.
Đối tượng phải sơ tán là người dân, sinh viên, công nhân sống trong các nhà thiếu kiên cố, nhà tạm.
Được biết, tính đến 10h ngày 26/10, tổng số tàu thuyền của Đà Nẵng là 1.242 tàu - 7.430 lao động. Trong đó, số phương tiện đang neo đậu là 1.235 tàu - 7.368 lao động, số phương tiện đang hoạt động trên biển là 7 tàu - 62 lao động.
Tại Âu thuyền Thọ Quang hiện có 1.133 chiếc đang neo đậu và 832 chiếc đưa lên bờ và neo đậu ở các tỉnh.