HIV trong nhóm quan hệ tình dục đồng giới tăng nhanh
Dịch HIV đang tăng trở lại ở An Giang. Riêng năm 2023 đã phát hiện thêm 560 người mắc HIV, “giành” vị trí thứ 5 cả nước, chỉ sau TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương và Đồng Nai. HIV đang gia tăng nhanh trong nhóm MSM trẻ, ở độ tuổi 15-30. Đặc biệt, có tới 4 trẻ dưới 13 tuổi nhiễm HIV do quan hệ MSM (quan hệ tình dục đồng giới).
Năm 2023, An Giang có 158 người chết do HIV, nâng tổng số người nhiễm HIV tử vong lên hơn 6.000 người.
Dân số An Giang chưa đến 2 triệu người và dù không phải nơi có nhiều khu công nghiệp lớn hay thế mạnh du lịch, nhưng tỉnh này có gần 8.000 người nhiễm HIV còn sống, trong đó có 88 trẻ em. Nhưng, chỉ có 5.806 người đang được quản lý điều trị ARV, cho thấy nguy cơ dịch còn tăng.
Theo BS. Nguyễn Minh Trí - Khoa Phòng, chống HIV/AIDS của CDC tỉnh An Giang - trong số những người mắc HIV mới, hơn 80% là nam giới và lây chủ yếu qua đường tình dục. TP. Long Xuyên chiếm vị trí đầu bảng với 18.63%, huyện Chợ Mới 15.2%, huyện An Phú 12,3% và huyện Tri Tôn 4.2%.
“Nguy cơ lây nhiễm HIV rất khó kiểm soát trong nhóm MSM, do quan hệ tình dục không an toàn, thiếu các biện pháp can thiệp hiệu quả và thường xuyên thay đổi chỗ ở. Theo thống kê chưa đầy đủ thì số MSM ở đây khoảng 600 người” - CDC tỉnh An Giang thông tin.
Những nguy cơ khiến dịch HIV gia tăng
Trong khi dịch HIV đang gia tăng ở An Giang thì công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn lại có nhiều khó khăn, là rào cản ngăn chặn dịch HIV/AIDS lan rộng.
Điều đầu tiên cần nhắc đến là hai năm qua, công tác đấu thầu ở đây không thực hiện được vì không có đơn vị tham gia đấu thầu, hoặc yêu cầu một đằng thì sản phẩm tham gia thầu một nẻo, dẫn đến việc thiếu sinh phẩm xét nghiệm HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục, tác động mạnh đến công tác xét nghiệm, dự phòng PrEP cho người nhiễm HIV.
Đội ngũ đồng đẳng viên ở biên giới nắm chắc địa bàn và có thể gặp trực tiếp những người nhiễm/nguy cơ nhiễm HIV nhưng nguồn lực tài chính không có, chi trả cho đồng đẳng viên quá thấp nên họ không mặn mà với công việc - dược sĩ Nguyễn Huỳnh Tuấn Duy (CDC An Giang) - cho biết.
Hoạt động truyền thông, can thiệp trong nhóm MSM còn thấp, do đồng đẳng viên không tiếp cận được khách hàng mới qua các trang mạng xã hội vì trình độ sử dụng công nghệ của nhiều người rất kém, cũng không tiếp cận được khách hàng vào ban ngày, mà chỉ hỗ trợ vào ban đêm và tiếp cận online.
Trong khi hoạt động tầm soát, xét nghiệm, điều trị HIV ở Đồng Tháp có sự tham gia mạnh mẽ của hệ thống y tế tư nhân, thì ở An Giang việc này lại rất yếu. Thiếu mô hình cung cấp dịch vụ thân thiện với cộng đồng đích đã dẫn đến khó khăn trong việc phát hiện và điều trị người nhiễm HIV.
Hiểu biết về điều trị dự phòng (PrEP) còn hạn chế ở những người có nguy cơ cao như nghiện ma túy, bán dâm, nhóm MSM… ; khách hàng điều trị PrEP chủ yếu là người trẻ, chỗ ở không cố định … dẫn đến không tuân thủ điều trị, không tái khám đúng hẹn, nhất là nhóm sử dụng PrEP tình huống; nhiều người người nghiện bỏ điều trị Methadone hoặc tự ý bỏ liều, chính là nguy cơ để lây truyền HIV.
Sự kỳ thị và tự kỳ thị vì nhiễm HIV vẫn còn ở An Giang, đặc biệt trong nhóm MSM, khiến họ hạn chế tiếp cận các dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV, nhất là PrEP.
Theo BSCK2. Dương Anh Linh - Phó Giám đốc CDC tỉnh An Giang - địa phương có 2 khu công nghiệp với khoảng 20 nghìn công nhân, nhưng CDC tỉnh không thể tiếp cận để truyền thông, do các doanh nghiệp xã hội chưa hợp tác.
Vì thế, hoạt động phòng chống HIV/AIDS gần như bỏ trống ở các khu công nghiệp, trong khi đây là điểm nguy cơ lan truyền dịch HIV rất lớn.
Cần làm gì trước để chấm dứt dịch HIV?
Để có thể ngăn ngừa “làn sóng” dịch HIV/AIDS, CDC An Giang đã triển khai hoạt động tư vấn, xét nghiệm ở 100% huyện, thành; đa dạng hóa các hình thức tư vấn, xét nghiệm HIV, nhất là tư vấn xét nghiệm HIV cho bạn tình, bạn chích của người nhiễm HIV, nhóm MSM, đặc biệt nhóm MSM trẻ tuổi.
An Giang hiện có 6 điểm được cấp phép thực hiện xét nghiệm khẳng định HIV, để kết nối những người có kết quả nhiễm đến địa điểm điều trị ARV và những người có nguy cơ cao đến điều trị dự phòng.
Tỉnh này cũng đã triển khai hệ thống giám sát ca bệnh từ khi nhiễm HIV đến khi tử vong. Hiện đang thí điểm kết nối dữ liệu bệnh nhân đang điều trị tại OPC (quản lý trên phần mềm HMED) kết nối dữ liệu với hệ thống thông tin quản lý người nhiễm HIV (HIV INFO). Bước đầu ghép nối thành công hơn 5.000 ca.
Tỉnh An Giang cũng đang xây dựng kế hoạch triển xét nghiệm bạn tình/bạn chích (PNS), Tiếp cận mạng lưới xã hội người có nguy cơ cao và báo cáo ca bệnh và số liệu chương trình bằng phần mềm
Tuy nhiên, đến thực tế tại An Giang, chúng tôi thấy, dịch HIV đang tăng cao ở đây có trách nhiệm của chính quyền tỉnh chưa thật quan tâm đến công tác này.
Vì thế, bên cạnh nỗ lực của CDC An Giang, cần phải có sự vào cuộc của chính quyền tỉnh An Giang, để có các giải pháp quyết liệt hơn mới có thể ngăn chặn đà tăng của dịch, nhằm bảo vệ trẻ em khỏi "căn bệnh thế kỷ", như chỉ đạo việc đấu thầu trong y tế, chỉ đạo các doanh nghiệp trên địa bàn - nhất là ở các khu công nghiệp - phối hợp với CDC tỉnh truyền thông về HIV, nhằm phát hiện và điều trị HIV sớm từ đội ngũ công nhân đông đảo.
CDC An Giang cũng cần chủ động có các giải pháp chuyên môn quyết liệt hơn, đồng thời, huy động hệ thống y tế tư nhân tham gia phòng, chống HIV để những người nhiễm HIV có cơ hội tiếp cận dịch vụ điều trị; tập huấn cho đồng đẳng viên đủ khả năng nắm chắc tình hình HIV và những nguy cơ ở cơ sở.
Nếu không, tốc độ dịch HIV ở An Giang còn tăng và mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam chấm dứt dịch HIV sẽ xa vời.