Trung Quốc đang điều chỉnh
Từ năm 2011 trở đi, Trung Quốc làm quen dần với tốc độ tăng trưởng một con số và nhanh chóng giảm từ mức tăng trưởng 9%/năm xuống còn 7%/năm. Trong trung hạn, dự báo về tăng trưởng kinh tế Trung Quốc cũng được các tổ chức quốc tế điều chỉnh giảm dần.
Nhận thức được các vấn đề của nền kinh tế nước mình, ngay từ Hội nghị Trung ương 3 khóa XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc, thế hệ lãnh đạo mới của Trung Quốc đã đề ra một lộ trình cải cách với ba trọng tâm: thứ nhất, dựa vào thị trường để tối ưu hóa phân bổ nguồn lực, đặc biệt trên các thị trường vốn, đất đai và lao động.
Thứ hai, thúc đẩy năng lực sáng tạo để chuyển từ mô hình “sản xuất tại Trung Quốc” (made in China) sang “sáng chế tại Trung Quốc” (created in China). Thứ ba, cải thiện năng lực thể chế để tạo ra các thể chế đồng bộ mới hỗ trợ cho sự phát triển của thị trường.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình nói rằng Trung Quốc cần làm quen với trạng thái “thông thường mới” với các hàm ý: một là, Trung Quốc sẽ điều chỉnh từ tăng trưởng tốc độ cao (10%/năm trở lên) sang tăng trưởng với tốc độ trung bình cao (khoảng 7-8%/năm).
Hai là, Trung Quốc sẽ điều chỉnh từ tăng trưởng rộng, chất lượng thấp sang tăng trưởng với chất lượng cao. Ba là, Trung Quốc sẽ điều chỉnh mô hình tăng trưởng dựa nhiều hơn vào nhập khẩu và tiêu dùng trong nước.
Đảng Cộng sản Trung Quốc đã và đang thể hiện mình có khả năng thích ứng và tự chuyển đổi, mà một học giả Mỹ đã tóm gọn trong khái niệm “thể chế hóa” (institutionalization).
Những nỗ lực cải cách chính trị đầu thập niên 1980 đã tạo cơ sở cho các bước chạy dài về tăng trưởng kinh tế. Xu hướng “phân công và chuyên môn hóa về chức năng của các thể chế trong bộ máy nhà nước” hướng tới phân định một không gian quyền và trách nhiệm cho các thiết chế công. Mặc dầu không nói về hệ thống giám sát quyền lực kiểu phương Tây, nhưng ý định xác lập một cơ chế bao gồm sự phân chia chức năng quyết định, thực thi và giám sát chính sách là rõ ràng.
Nhưng những cải cách từ đầu năm 2013 đến giờ cho thấy vấn đề “thể chế hóa” đang đi qua một khúc quanh khác. Trong vòng ba năm, thêm bốn cơ quan và tổ chuyên trách trung ương khác nhau được hình thành. Có một số cơ quan phát sinh do nảy sinh vấn đề mới, nhưng có một số cơ quan phát sinh qua quá trình tập trung quyền lực.
Cùng với sáu cơ quan và tổ chuyên trách có sẵn, 10 cơ quan trực thuộc trực tiếp sự điều hành của ông Tập Cận Bình được yêu cầu tập trung vào “điều hành trực tiếp các sự vụ và vấn đề kỹ trị cụ thể. Những cơ quan này không những chồng chéo với các bộ, ban, ngành chức năng cũ, mà còn có xu hướng “bao trùm” các cơ quan nhà nước, tổ chức đoàn thể, phương tiện truyền thông, và các doanh nghiệp nhà nước.
Những chuyển động trong nội trị của Trung Quốc cả về kinh tế lẫn chính trị cho thấy một giai đoạn mới đang bắt đầu từ năm 2014, và rõ dần trong những tháng vừa qua của năm 2015.
Các kịch bản kinh tế của Trung Quốc
Với các nội dung cải cách như trong bảng, có ba kịch bản đối với kinh tế Trung Quốc được đưa ra thảo luận, bao gồm: (i) Cải cách nhanh: tiến hành lập tức các cải cách, cải cách tài chính có thể tiến hành sau hai năm; (ii) Cải cách chậm: tiến hành các cải cách trong nhiệm kỳ 2 của ông Tập Cận Bình trong vòng 2-5 năm, cải cách tài chính sau năm năm mới khởi động và (iii) Không cải cách.
Hệ quả kinh tế của ba kịch bản cải cách này là:
Nếu cải cách nhanh: tăng trưởng kinh tế sẽ suy giảm khoảng 1 điểm phần trăm trong ngắn hạn (2015- 2017), sau đó giảm tiếp 1 điểm phần trăm cho đến năm 2025. Mức giảm ngắn hạn sẽ lớn nhưng trong dài hạn sẽ nhỏ. Mặt khác, tiêu dùng sẽ tăng trưởng đến năm 2019 do cải cách cơ cấu. Do thay đổi mô hình tăng trưởng nên tăng trưởng tín dụng sẽ chậm lại. Nợ sẽ giảm xuống.
Nếu cải cách chậm: tăng trưởng cũng giảm khoảng 2-2,5 điểm phần trăm đến năm 2025 nhưng mức độ giảm của nửa thời gian sau lớn hơn nửa trước, hàm ý các rủi ro về mặt kinh tế và chính trị cũng lớn hơn. Mô hình tăng trưởng chậm thay đổi, rủi ro tài chính gia tăng.
Nếu không cải cách: trong ngắn hạn, tăng trưởng sẽ lớn hơn nếu cải cách nhanh và cải cách chậm, nhưng từ nhiệm kỳ 2 của ông Tập Cận Bình thì tăng trưởng sẽ suy giảm mạnh và khó lường với mức suy giảm có thể dao động từ 1,5-5 điểm phần trăm. Hàm ý biến động khó dự đoán.
Tác động gì đến Việt Nam?
Khi Trung Quốc tiến hành những điều chỉnh, tác động của nó tới Việt Nam nhìn chung gồm bốn khía cạnh chính:
Thứ nhất, tác động tới các chính sách ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam, như chính sách tiền tệ hay tài khóa. Việc đồng nhân dân tệ phá giá hồi tháng 8 vừa rồi là một minh chứng.
Thứ hai, tác động đến lợi ích thương mại của Việt Nam. Khi kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, giá các hàng hóa cơ bản sẽ giảm, điều này cộng thêm nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc sụt giảm sẽ khiến giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc của Việt Nam có thể sẽ giảm mạnh.
Nhưng hướng xuất khẩu từ Trung Quốc sang Việt Nam lại không giảm do cơ cấu hàng xuất khẩu từ Trung Quốc đa phần là máy móc thiết bị và linh, phụ kiện phục vụ cho các doanh nghiệp FDI. Như vậy, trong trung hạn, khuynh hướng thâm hụt thương mại với Trung Quốc sẽ gia tăng. Đó là chúng ta còn chưa tính tới yếu tố tỷ giá.
Thứ ba, chi phí lao động gia tăng sẽ dẫn tới làn sóng di chuyển vốn FDI khỏi Trung Quốc và bản thân doanh nghiệp Trung Quốc cũng tăng cường đầu tư ra nước ngoài. Điều này là cơ hội nhưng thách thức còn lớn hơn đối với Việt Nam bởi lẽ hiệu quả tận dụng vốn FDI của Việt Nam (đo lường qua hiệu ứng lan tỏa kỹ thuật) rất thấp. Vốn FDI Trung Quốc lại đi kèm với công nghệ lạc hậu và nhân công Trung Quốc số lượng lớn.
Thứ tư, các nhà nghiên cứu Trung Quốc từng thẳng thắn chia sẻ rằng việc điều chỉnh kinh tế của họ với các chiến lược Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21 có mục đích quan trọng là chuyển các ngành dư thừa sản lượng ra bên ngoài. Đông Nam Á là một đích đến và Việt Nam có thể trở thành thị trường tiêu thụ lượng hàng công nghiệp khổng lồ của Trung Quốc.
Cách thức tiêu thụ là Việt Nam xây dựng cơ sở hạ tầng trong đó thuê các nhà thầu Trung Quốc hoặc cấp đăng ký cho vốn FDI Trung Quốc. Như chúng tôi đã chỉ ra trong nhiều nghiên cứu trước đây, việc đầu tư cơ sở hạ tầng nếu không quy hoạch kỹ sẽ rơi vào “bẫy đòn bẩy cơ sở hạ tầng” làm triệt tiêu lợi thế của hệ thống cảng biển và cơ sở hạ tầng Việt Nam trong 30-50 năm.
Mặc dù vậy, sự suy giảm của kinh tế Trung Quốc cũng đem lại một tác động tốt qua việc làm giảm áp lực lạm phát đối với các quốc gia đang phát triển. Ngoài ra, nếu Trung Quốc cải cách nhanh, trong dài hạn điều này sẽ làm kinh tế toàn cầu tăng trưởng khoảng 1 điểm phần trăm, nhưng mức độ tăng nhiều hay ít sẽ phụ thuộc vào thực lực của từng quốc gia cũng như mức độ gắn kết với kinh tế Trung Quốc.
Các tác giả:
(*) TS. Phạm Sỹ Thành là Giám đốc Chương trình Nghiên cứu kinh tế Trung Quốc thuộc VEPR (VCES), Đại học Kinh tế, ĐHQGHN.
TS. Trương Minh Huy Vũ là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quốc tế (SCIS), Đại học KHXH&NV, ĐHQG TPHCM.
Theo TBKTSG