Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, nguyên Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn - vị tướng tài năng, nhà chính trị lão luyện và bản lĩnh của Việt Nam. Tên tuổi của ông đi vào lịch sử của cuộc chiến tranh Việt Nam, gắn với con đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại trong thời kỳ kháng chiến chống Mĩ cứu nước.
Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu một cách tóm tắt và sơ lược về cuộc đời và sự nghiệp của Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên, đặc biệt là những năm tháng mà ông được trao trọng trách là vị Tư lệnh của Binh đoàn Trường Sơn trong việc tổ chức xây dựng và khai thác con đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh vào nhiệm vụ chi viện sức người và khí tài hậu cần cho chiến trường miền Nam phục vụ công cuộc kháng chiến chống Mĩ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Tướng Đồng Sĩ Nguyên sinh ngày 1 tháng 3 năm 1923, tại thôn Trung, xã Quảng Trung, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Tên bố mẹ đặt là Nguyễn Hữu Vũ; sau vài lần thay tên đổi họ cho dễ hoạt động cách mạng thời bí mật ở vùng địch hậu, có tên là Đồng Sĩ Nguyên.
Năm 1946, Tỉnh ủy quyết định đưa ông ra làm Bí thư Huyện ủy Quảng Trạch và đồng chí Trần Văn Sớ làm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính huyện.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn Đồng Sỹ Nguyên đến thăm bộ đội Trường Sơn. Ảnh tư liệu
|
Cuối tháng 10 năm 1947, ông được điều lên làm Chính trị viên Tỉnh đội Quảng Bình.
Ngày 14 tháng 5 năm 1949, Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ hai được triệu tập tại Kim Bảng, Tuyên Hóa. Đại hội kiểm điểm, đánh giá mọi mặt hoạt động của Quảng Bình từ sau Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ nhất đến đầu năm 1949, đề ra nhiệm vụ trong thời gian tới, với khẩu hiệu “Quảng Bình quật khởi”. Đại hội bầu Tỉnh ủy khóa II, gồm 20 đồng chí, do đồng chí Võ Thúc Đồng làm Bí thư. Ông tiếp tục được bầu là ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Chính trị viên Tỉnh đội. Chức trách là vậy, nhưng lúc này đồng chí Tỉnh đội trưởng ốm nặng, nên Tỉnh ủy quyết định cử ông kiêm luôn chức vụ Tỉnh đội trưởng.
Đầu tháng 10/1950, ông về nhận công tác tại cơ quan Tổng cục Chính trị. Bốn tháng sau khi có Sắc lệnh 121/SL của Bác Hồ về việc tổ chức cơ quan Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh, thành lập Tổng cục Chính trị, Tổng cục Cung cấp, nên tổ chức biên chế Tổng cục Chính trị đã ổn định. Về đây ông được bổ nhiệm làm Cục phó Cục Tổ chức - Cán bộ.
Đầu năm 1961, ông được cử đi học ở Học viện Quân sự cao cấp Trung Quốc. Hoàn thành chương trình đào tạo tại Trung Quốc, đầu năm 1963, ông tiếp tục giữ chức Cục trưởng Cục Động viên dân quân. Khoảng thời gian ngày 10 - 13/4/1963, Đảng bộ Bộ Tổng tham mưu - Cơ quan Bộ Quốc phòng tiến hành Đại hội Đại biểu lần thứ 5. Tại Đại hội lần này, ông được bầu lại làm Bí thư Ban Chấp hành Đảng bộ.Tiếp tục cương vị Cục trưởng Cục Động viên dân quân thêm một thời gian, ngày 6 tháng 3 năm 1964, ông được Bộ Chính trị bổ nhiệm làm Phó Tổng Tham mưu trưởng.
Sau năm 1965, ông được Bộ Chính trị cử vào làm Chính ủy Quân khu 4. Lúc này, chiến tranh không còn giới hạn ở Nam phần vĩ tuyến 17. Kể từ ngày 5/8/1964 - ngày Mĩ cho máy bay ồ ạt đánh phá miền Bắc, lửa chiến tranh đã cháy rực trên cả hai miền.
Cuối tháng 6/1965, ông nhận được quyết định của Quân ủy Trung ương cử làm Chính ủy Mặt trận Trung - Hạ Lào. Mặt trận được thành lập vào tháng 5/1965, nhằm thực hiện chủ trương của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng là tổ chức quân tình nguyện phối hợp với bộ đội Pa-thét Lào đánh bại các cuộc hành quân càn quét, tiến công của địch hòng lấn chiếm vùng giải phóng, chặn cắt tuyến chi viện chiến lược đường Hồ Chí Minh; đồng thời giúp củng cố và phát triển lực lượng vũ trang của bạn, đẩy mạnh hoạt động của Mặt trận bao gồm vùng Trung Lào và Hạ Lào. Chiến trường Trung - Hạ Lào không xa lạ đối với ông, bởi lẽ, đây là lần thứ 3 ông đến với xứ sở đầy “duyên nợ” này. Được ra trận, được trở lại chiến trường quen thuộc mang dấu ấn một thời trai trẻ, ông vô cùng phấn khởi, tự tin.
Cuối tháng 5/1966, ông nhận quyết định của Bộ Quốc phòng điều vào làm Chính ủy Bộ Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn - Đoàn 559.
Với cương vị là vị Tư lệnh của Bộ đội Trường Sơn, trong 10 năm công tác trên chiến trường này, tài thao lược và nhân cách sáng ngời của ông đã tỏa sáng để cùng với cán bộ, chiến sĩ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước giao phó.
Đội hình xe ô tô của Trung đoàn 13 (Binh đoàn Trường Sơn) chuẩn bị lên đường thực hiện chiến dịch vận tải. Ảnh tư liệu
|
Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh là mạng lưới giao thông quân sự chiến lược chạy từ lãnh thổ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào tới lãnh thổ Việt Nam Cộng hòa, đi qua miền Trung Việt Nam, hạ Lào và Campuchia.
Trên những chặng đường đó, Đường 20 Quyết Thắng là một trục ngang dài trên 120 cây số, từ trong Trường Sơn vượt biên giới Việt - Lào sang Tây Trường Sơn. Trên tuyến đường này, lực lượng giao thông Trung ương, địa phương, công binh, bộ binh, thanh niên xung phong… đang ngày đêm trần mình ra đào đất, đục xuyên núi đá, nhanh chóng đưa toàn tuyến vào sử dụng. Có thể thấy công sức của các lực lượng thi công con đường này là vô tận, là dời non lấp biển, xứng đáng với danh hiệu "Chọc thủng Trường Sơn mở đường thắng lợi". Sau này, trong một lần vào làm việc với Bộ Tư lệnh Trường Sơn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã vô cùng thán phục, Đại tướng gọi Đường 20 - Quyết Thắng là một kỳ công - kỳ tích - kỳ quan.
Trên địa phận tỉnh Quảng Bình, máy bay Mĩ ngày đêm đánh phá ác liệt, đặc biệt là trọng điểm phà Xuân Sơn, Đường số 15. Để tuyến đường được thông suốt, các binh trạm của bộ đội Trường Sơn đã nỗ lực khắc phục ách tắc tại bến vượt Xuân Sơn; nghiên cứu làm thêm đường tránh bến phà; làm thêm cầu phao bằng tre, nứa để xóa thế độc đạo; bảo đảm vận chuyển hàng cho Binh trạm 16 và tổ chức giao liên cho bộ đội hành quân qua tuyến...
Năm 1971, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương quyết định mở chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào. Bộ Chính trị và Quân ủy giao cho Bộ Tư lệnh Trường Sơn phụ trách cánh tây của chiến dịch, gồm Sư đoàn 968, Sư đoàn 2 (Khu V) và một số đơn vị binh chủng. Trên toàn địa bàn chiến dịch, bộ đội Trường Sơn là lực lượng tác chiến tại chỗ.
Ngay sau khi nhận lệnh chính thức của Bộ Quốc phòng, tối 28/1, Thường vụ Đảng ủy và Bộ Tư lệnh họp bàn triển khai thế trận tác chiến chiến dịch. Do đã dự kiến trước tình hình từ cuối tháng 10 và tích cực chuẩn bị nên Bộ Tư lệnh nhanh chóng thống nhất một số nội dung: Sáp nhập hai mặt trận X và Z thành mặt trận Y, lực lượng chủ yếu là Sư đoàn 968 phụ trách toàn bộ địa bàn Hạ Lào, tác chiến trên các hướng Mường Pha Lan, Sa Ra Van, Bô Lô Ven, A Tô Pơ…, kiên quyết chặn đứng quân địch nếu chúng nống ra vùng giải phóng Lào, uy hiếp hành lang phía tây tuyến chi viện.
Ngày 10/2/1972, đội xe của Trung đoàn 13 vận tải ô tô - một trung đoàn thiện chiến được chọn chạy khánh thành “đường kín”. Đồng thời, để mừng công trình đặc biệt quan trọng này, Bộ Tư lệnh quyết định mở liên tiếp hai chiến dịch vận tải quy mô lớn lấy tên là “Đồng Xoài” và “Bình Giã”.
Mùa hè năm 1973, Quân ủy Trung ương phê chuẩn chuyển Sư đoàn khu vực hậu cứ 571 thành Sư đoàn 571 ô tô cơ động vận tải và Sư đoàn khu vực 473 thành Sư đoàn công binh 473 trực thuộc Bộ Tư lệnh. Đây là hai loại hình sư đoàn binh chủng được xây dựng độc đáo sáng tạo của quân đội ta.
Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên thăm Đoàn vận tải ô tô 101, tháng 3-1968. Ảnh tư liệu.
|
Cuối mùa hè năm 1973 đến kết thúc cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước, Bộ Tư lệnh Trường Sơn có 8 Sư đoàn (2 Sư đoàn ô tô, 4 Sư đoàn Công binh, Sư đoàn Phòng không, Sư đoàn Bộ binh) và 1 số Trung đoàn trực thuộc… lực lượng thanh niên xung phong với gần 10 nghìn nam nữ thanh niên.
Ngày 1 tháng 3 năm 1973, Đảng ủy Bộ Tư lệnh Trường Sơn họp quán triệt nhiệm vụ Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng giao, trong đó: khẩn trương xây dựng thế trận mới, vận chuyển cả năm liên tục. Đẩy nhanh tuyến đường ống xăng dầu Đông Trường Sơn song hành với tuyến ống phía tây, hoàn chỉnh mạng thông tin tải ba trên toàn tuyến, nối với các chiến trường một cách vững chắc.
Ngày 7/3/1973, đại hội mừng công khai mạc, quy mô chưa từng có, có đại biểu Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam, đại biểu Bộ Quốc phòng... đặc biệt có Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng dự. Thay mặt Bộ Tư lệnh, Đại tướng báo cáo chủ trương và kế hoạch. Đại tướng khẳng định: Bộ đội Trường Sơn chủ động, sáng tạo, cần theo dõi mọi diễn biến tình hình địch - ta, hoàn thiện tuyến đường Đông Trường Sơn theo tiêu chuẩn đường cấp 4 miền núi. Tuyến Tây Trường Sơn chính thức chạy ngày. Sử dụng cả “đường kín”, “đường hở”.
Cũng vào tháng 3 năm 1973, Bộ Tư lệnh Trường Sơn nhận lệnh của Bộ Quốc phòng đón tiếp Quốc trưởng Xihanúc cùng hoàng hậu từ Trung Quốc qua Hà Nội vượt Trường Sơn về thăm Campuchia. Phần vì trách nhiệm, nghĩa tình, Bộ Tư lệnh tổ chức đón đoàn đưa Quốc trưởng và hoàng hậu tận tình, chu đáo.
Ngày 19/5/1973, ông ra Hà Nội báo cáo Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng kế hoạch xây dựng cơ bản đường Trường Sơn: Đường Hồ Chí Minh Đông Trường Sơn là đường xuyên Bắc - Nam, xây dựng theo tiêu chuẩn đường cấp 4 miền núi, dài 1.200km, nền đường 9m, mặt đường 7m, xe cơ giới vận chuyển 2 mùa. Đường Đông Trường Sơn cải tạo nâng cấp hai trục, lực lượng tham gia trên 47 nghìn người, có hơn 10 nghìn thanh niên xung phong.
Chiến trường Trường Sơn lúc này là một công trường xây dựng khổng lồ, gần chục vạn con người, hàng vạn máy móc thiết bị, xe đa dụng trên cả đường “kín”, đường “hở” suốt ban ngày. Tháng 1/1974, toàn tuyến chuyển giao cho Nam Bộ trên 8.000 tấn vật chất.
Đến năm 1974, bộ đội Trường Sơn và thanh niên xung phong đã thực hiện được một khối lượng lớn, đẩy nhanh tiến độ thi công tuyến giao thông chiến lược Đông Trường Sơn.
Tháng 2/1975, đường Tân Kỳ vào Hương Khê, đã làm xong nhiều đoạn. Đường Trường Sơn - hai tuyến Đông Tây trở thành cơ sở hạ tầng quyết định chiến lược tấn công thần tốc trong Tổng tiến công, nổi dậy mùa Xuân 1975 ở miền Nam.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông suy nghĩ phương án chuyển phần lớn bộ đội Trường Sơn sang làm kinh tế. Và cuối tháng 9/1975, Bộ Chính trị - Quân ủy Trung ương quyết định sáp nhập 4 Sư đoàn Công binh thuộc Bộ Tư lệnh Trường Sơn vào Bộ Tư lệnh Công binh và đổi tên Bộ Tư lệnh Công binh thành Bộ Tư lệnh Công trình, ông được bổ nhiệm Tư lệnh kiêm Chính ủy Bộ Tư lệnh Công trình.
Tháng 6/1976, Bộ Chính trị họp mở rộng ở Đồ Sơn - Hải Phòng, ông trực tiếp báo cáo kế hoạch giảm biên chế 28 vạn quân, chuyển sang làm kinh tế. Lấy bộ đội Trường Sơn còn lại làm nòng cốt để thành lập Tổng cục Xây dựng Kinh tế trực thuộc Bộ Quốc phòng.
Ngày 23/9/1976, ông được Bộ Chính trị bổ nhiệm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Chủ nhiệm Tổng cục Xây dựng Kinh tế. Tiếp đó, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV (tháng 12/1976), ông được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Trên cương vị, trọng trách mới được phân công, ông đã giúp Bộ Quốc phòng trực tiếp chỉ đạo quân đội làm kinh tế thuận lợi và hiệu quả hơn.
Ngày 20/2/1977, Bộ Chính trị và Chính phủ quyết định điều ông ra làm Thứ trưởng Thường trực Bộ Xây dựng. Sau đó 9 tháng, ngày 13/11/1977, Thủ tướng đề nghị và Quốc hội phê chuẩn ông làm Bộ trưởng Bộ Xây dựng. Với chức trách của người đứng đàu ngành Xây dựng, ông đã đóng góp công sức vào công cuộc xây dựng đất nước.
Năm 1979, ông được Bộ Chính trị điều trở lại quân đội, làm Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu Thủ đô - quân khu vừa được thành lập theo sắc lệnh của Chủ tịch nước. Năm 1982, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V ông tiếp tục được bầu là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được Trung ương bầu làm Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị. Tại phiên họp đầu tiên của Bộ Chính trị, ông được giao đảm trách Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, kiêm Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải.
Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI năm 1986, ông được bầu Ủy viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, ông thôi kiêm chức Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải nhưng vẫn được Bộ Chính trị và Thường trực Hội đồng Bộ trưởng phân công đảm trách các lĩnh vực: giao thông vận tải, xây dựng, thủy lợi, hàng không, bưu điện và được chỉ định làm Trưởng ban chỉ đạo quốc gia một số công trình trọng điểm như: thủy điện Hòa Bình, thủy điện Trị An, dầu khí Vũng Tàu, Apatít Lào Cai; Trưởng ban chỉ đạo hoạt động Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch phân ban Hội đồng Tương trợ kinh tế - khối SEV…
Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII và tại kỳ họp thứ 9 của Quốc hội khóa VIII, ông thôi chức Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.
Vậy là kể từ những ngày hè năm 1936 - ngày ông hồ hởi, háo hức tham gia tuyên truyền, vận động bầu ông Nguyễn Xuân Các và ông Nguyễn Tuynh - hai đại biểu của Quảng Bình vào Nghị viện dân biểu Trung Kỳ, theo sự phân công, bố trí của anh Huyên (anh Tế) - thợ may trong làng - đại diện của tổ chức Đảng đến những ngày đầu xuân Nhâm Thìn (2012), ông đã có 76 năm hoạt động cách mạng và 74 tuổi Đảng.
Có hạnh phúc nào lớn hơn khi trọn cuộc đời mình được gắn kết với sự nghiệp cách mạng lớn lao của Đảng, của nhân dân. Đặc biệt sự nghiệp và cuộc đời ông gắn liền với những chiến công hiển hách trên chiến trường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh - Con đường huyền thoại trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước.