Nhiều người mến thương
Quyết định được đưa ra chóng vánh bên mâm cơm, nhưng sau gần 1 tuần, họ đều cho rằng đó là việc phải làm!
Chập tối, tranh thủ ăn vội lưng cơm, Trưởng khoác lên người bộ đồ bảo hộ kín mít rồi rời phòng trọ ở thôn Ngọ (thị trấn Lai Cách, Cẩm Giàng) đi ra chốt trực. 19 giờ hằng ngày, Trưởng mới vào ca trực đến 7 giờ sáng hôm sau, nhưng hôm nay, chốt kiểm dịch đối diện khu công nghiệp Đại An có nhiều ô tô chở nông sản ra vào liên tục nên phải tăng cường người phun sát khuẩn.
Nhờ người xốc lên lưng chiếc bình đầy ắp dung dịch, Trưởng phun đủ một vòng quanh chiếc xe tải chất đầy cà rốt. Đây là một thủ tục không thể thiếu để xe thông chốt. Những ngày đầu người mỏi rã rời, cánh tay đau nhức tưởng như không nhấc lên nổi. Nhưng Trưởng bảo, làm dần rồi quen. Dù luôn chân luôn tay không kể giờ giấc, nhưng công việc thoải mái, đỡ gò bó hơn nhiều so với nghề thợ mộc anh vẫn đang làm.
Ở chốt trực, hết phun sát khuẩn, Trưởng còn làm nhiều nhiệm vụ khác như kiểm tra thông tin, đo thân nhiệt, nhắc nhở đeo khẩu trang đúng cách... Việc nhiều nên chẳng mấy lúc được ngơi tay. Cùng với chốt tại ngã tư Quý Dương, ngã tư Ghẽ, đây là chốt có rất đông người và xe qua lại. Càng về đêm, chốt càng vắng người qua lại. Trưởng kể, có những đêm vừa tranh thủ ngả lưng lên ghế thì gà trong xóm đã đua nhau te te gáy. Trời sáng rõ, anh chào mọi người rồi lại tất tả về phòng trọ để vợ đi trực chốt ở đầu làng Ngọ. Ngày đầu đến, Trưởng đã được các thành viên cảm mến bởi kiểu "nhà có việc thì lăn vào làm", chứ không nề hà gì. Sau biết được cả 2 vợ chồng anh đều xung phong đi trực chốt thì mọi người càng thêm yêu quý.
Quyết định xung phong đi chống dịch được vợ chồng anh Trưởng đưa ra nhanh chóng bên mâm cơm những ngày trước Tết. |
Không vất vả như chồng, Vũ Thị Đan làm nhiệm vụ ở chốt đầu làng Ngọ đến 23 giờ đêm thì được nghỉ. Ở chốt này, cả ngày cũng hết đứng lại ngồi để đo thân nhiệt, nhấc rào chắn cho xe qua lại. Có lúc vừa ngồi xuống đã phải đứng lên. Đan kể: "Ngày đầu tiên đi làm về người đau như bị đánh, nhưng rồi cũng quen. So với các chị bên y tế làm liên tục cả ngày đêm trong viện thì việc của em có đáng gì".
Dù không quá vất vả, nhưng những ngày Tết xa nhà, nhìn bạn bè cùng trang lứa xúng xính váy áo đi chơi, Đan không khỏi chạnh lòng. Mỗi lần thấy đám trẻ khoe nhau tiền mừng tuổi, Đan lại nhớ 2 con quay quắt. Trước Tết, Đan có gọi điện về dặn dò con ngoan ngoãn, qua Tết bố mẹ sẽ về. Cô chị Đỗ Mai Trang tỏ ra cứng cỏi, còn cô em Đỗ Thị Trà thì mếu máo giận hờn. Đã nửa năm rồi, các con mong bố mẹ về, nhưng năm nay không được. "Biết các con thiệt thòi, mong bố mẹ, nhưng nhiều em bé cũng thế, vì bố mẹ phải cách ly hoặc không được về quê. Dịch tan chúng em sẽ về để các con đỡ tủi", chị Đan xúc động.
Nhận phần vất vả về mình
Anh Trưởng sinh năm 1990, quê ở huyện Quỳnh Phụ (Thái Bình), làm nghề thợ mộc. Còn chị Đan sinh năm 1987, quê gốc ở thị trấn Thanh Miện nhưng gia đình đã chuyển ra Quảng Ninh sinh sống. Chị Đan đang là công nhân Công ty TNHH Sumidenso Việt Nam ở khu công nghiệp Đại An.
Năm 2013, Trưởng gặp Đan khi 2 người cùng vào xóm trọ. Dù biết Đan đã một lần lỡ dở, nhưng tình yêu của họ đã vượt qua tất cả. Để đến bây giờ, con của Đan cũng là con của Trưởng. Họ đã bỏ qua bao lời đàm tiếu và vượt bao vất vả để dựng xây cuộc sống. Và hơn nữa, thay vì nhàn nhã, họ đã nhận phần vất vả về mình - điều mà nhiều người đã không làm được. Theo Huyện đoàn Cẩm Giàng, đây là đôi vợ chồng người tỉnh ngoài duy nhất ở lại địa phương tình nguyện tham gia chống dịch. Trần Đức Trưởng tếu táo qua điện thoại: "Ban đầu em tưởng vợ chồng làm cùng chốt nên đã nói với Đan, vợ chồng mình nghèo, cưới xong chẳng được đi đâu. Thôi, coi như đi trực chốt cũng là đi tuần trăng mật!".
Báo Hải Dương