Từ xóm khởi nghiệp ven biển đến làng khởi nghiệp Techfest
Trần Vũ Nguyên
Đầu tháng 11/2017, sáng kiến Cố vấn khởi nghiệp Việt Nam (Vietnam Mentor Initiative - VMI) kỷ niệm 1 năm thành lập cộng đồng những người làm cố vấn khởi nghiệp, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp.
Một cuộc họp qua mạng đã diễn ra qua ba đầu cầu Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM nhưng không bàn chuyện của VMI mà bàn chuyện khác, thú vị hơn: VMI và các thành viên của mình sẽ đóng góp gì cho Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia Techfest 2017.
Ông Trịnh Minh Giang - Chủ tịch Nhóm Công tác khởi nghiệp sáng tạo của Diễn đàn Kinh tế tư nhân (VPSF) - nhắn tin ầm ĩ: “Các đồng chí ở xóm ven biển đã có mặt để bàn chuyện của các làng khởi nghiệp cùng anh em chưa?”. Tôi chạy vội từ một cuộc họp chuẩn bị sự kiện APEC của Đà Nẵng về văn phòng, nhắn lại: “Thưa các già làng, dân xóm biển sẽ lướt sóng đến nơi sau 5 phút nữa”. Xong cả hai phì cười và thấy rất ấm áp tình cảm của những người đang cùng nhau góp từng chút nhỏ nhất để xây dựng một Techfest 2017 nói riêng và một cộng đồng khởi nghiệp nói chung của cả nước...
Chuyển ở biển
Tôi quyết định dọn ra Đà Nẵng sống chỉ vì một chuyện đơn giản: Chưa bao giờ thấy một ông phó chủ tịch thường trực UBND thành phố tới dự lễ hội Halloween của một đám nhỏ khởi nghiệp, khi lên tham gia bốc thăm thì bị dính cái yêu cầu phải hít đất. Không đắn đo nhiều, ông xắn tay áo lên mà... hít. Tụi nhỏ khởi nghiệp vỗ tay rần trời cho "chú Võ Duy Khương" - giờ là Chủ tịch Hội đồng điều phối mạng lưới khởi nghiệp Đà Nẵng. Anh Phạm Đức Nam Trung - người phụ trách không gian làm việc chung của khởi nghiệp Đà Nẵng, khi đó vừa xong cái thạc sỹ tài chính ở Anh về - chắc thấy tội nghiệp sếp nên nhảy lên hít chung cho vui. Chỉ cần có vậy, đủ để cam kết cùng nhau làm chút gì đó cho vùng đất này được thiết lập.
Các startup đang tại không gian làm việc chung Up-Coworking Space. Ảnh: Phượng Hằng
Người ta hay nói về khái niệm "hệ sinh thái khởi nghiệp", nhưng ít có ai xách giỏ đi hỏi các nhà sinh vật học, môi trường học hay nông nghiệp học về bản chất thực sự của khái niệm này. Một chuyên gia của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) được mời tới đã chia sẻ rằng: "Hệ sinh thái là các mối liên hệ chằng chịt giữa các thành tố với nhau, chứ không phải đếm cây, đếm con như cách thông thường. Chẳng hạn, khu Tràm Chim ở Tam Nông, Đồng Tháp vào mùa khô chỉ là một vùng trơ ra những lau sậy héo úa, nhìn chán đời và không có chút năng lượng hay giá trị gì để quan tâm. Nhưng cái mảnh hoang vu này chỉ thực sự thức giấc và toả sáng khi đàn sếu đầu đỏ quý giá của thiên nhiên bay về để tạo nên nét vẽ cuối của bức tranh tưởng chừng ảm đạm của cái hệ sinh thái kỳ lạ này, thì thế giới mới vô cùng kinh ngạc".
Một người dân biển khác - cô gái trẻ Lê Nguyễn Hải Yến - đứng lên trình bày các ý kiến của mình để góp vào dự thảo Luật Doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tại Văn phòng Đoàn đại biểu quốc hội Đà Nẵng, trước rất nhiều "cây đa cây đề", cô gái 9X này dõng dạc nói về sự cần thiết phải giữ lại Quỹ Hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, sự cần thiết của các chính sách hỗ trợ cho sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp hay đơn giản là đề nghị các đại biểu quốc hội chịu khó nghiên cứu thêm chút về startup...
Tôi ngồi nhìn cô gái nhỏ con và nhanh nhẹn này, thấy sự tự tin và sắc sảo toát ra đằng sau bài trình bày ngắn gọn, đi thẳng vào những điểm trọng tâm của vấn đề. Các bô lão gật gù khen phải, không giấu được chút tự hào khi hỏi thăm: "Mi học ở mô về?".
Trung, Yến, cũng như 700 thành viên khác là kết quả của đề án 922 - đề án Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Đà Nẵng - từ hơn 10 năm trước. Cô học ở một trường danh giá của Australia, đi học kỳ chuyển đổi tại Hà Lan, có vài học bổng ngắn hạn tại Mỹ và Canada. Giờ Yến về Đà Nẵng làm việc, vừa là để trả nợ cho khoản vay mà thành phố đã thanh toán trước khi đi học, vừa thực hiện lời hứa của mình trước kia: Đi học để về xây dựng thành phố.
Xây dựng thành phố - cụm từ này nghe to tát và có phần sáo rỗng trong bối cảnh xã hội ngày nay; nhưng cách mà những người trẻ này làm việc, phấn đấu và đưa ra sáng kiến thì rất thực tế, đến mức cầm nắm được, như việc mà cô đang làm ở Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng: Cùng với các chuyên gia quốc tế xây dựng mô hình chuyển giao công nghệ từ các nước về cho doanh nghiệp tại Đà Nẵng.
Yến không phải ngoại lệ. Ở Đà Nẵng, có thể gặp nhiều câu chuyện về những người trẻ và đầy hứng khởi như thế: Tiến sỹ trẻ Nguyễn Thị Mỹ Hương - phụ trách Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt - Anh, Đại học Đà Nẵng - "cày" liên tục để cho ra được giáo trình và các khoá đào tạo giảng viên chuyên về khởi sự doanh nghiệp; chàng trai Phạm Đức Nam Trung đi vòng quanh khu vực để tìm kiếm phương thức mang cộng đồng du mục kỹ thuật số (digital nomads - những chuyên gia sống và làm việc trực tuyến di chuyển khắp nơi trên thế giới) về Đà Nẵng vì anh tin rằng đây là thành tố quan trọng để tạo thị trường công nghệ và truyền cảm hứng cho người trẻ tại địa phương có thể đi cùng các câu chuyện toàn cầu...
Và sức sống mới của làng
Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng là một trong 5 đơn vị hỗ trợ khởi nghiệp được chọn “ra mắt” cộng đồng cả nước và quốc tế về thành tựu xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ở phiên khai mạc TechFest 2017. Tôi có chút lúng túng khi nghĩ xem mình có đúng 5 phút thì sẽ nói gì trước hơn 4.000 khách tham dự, 200 startups và quá chừng nhà đầu tư lớn. À, có lẽ sẽ nói về câu chuyện hấp dẫn nhất mà techfest đang xây dựng đợt này: Chuyện của những ngôi làng khởi nghiệp.
Cân lên đặt xuống mãi giữa hai lựa chọn: Dọn về ở chung trong “Làng Các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” hay dựng mô hình biển ở “Làng Công nghệ du lịch và ẩm thực”, cuối cùng quyết định chọn ở chung với các anh, chị người quen ở làng số 1. Vì sao, vì chẳng có cộng đồng nào thương yêu nhau nhiều như cộng đồng khởi nghiệp. Người làm hỗ trợ thì như vác tù và hàng tổng, người làm khởi nghiệp thì đối diện với quá nhiều thách thức, khó khăn và rủi ro. Bởi vậy, mọi người lúc nào cũng nương tựa vào nhau, đúng với định nghĩa “tình làng nghĩa xóm” của người Việt xưa nay.
Khuya lắm, hơn 11 giờ đêm, ông Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục Doanh nghiệp và Thị trường khoa học và công nghệ (KH&CN), Bộ KH&CN, người lo đủ việc có tên và không tên của Techfest - còn nhắn tin: “Đà Nẵng ra Techfest mấy người? Có cần bên anh bố trí người hỗ trợ gì không? Anh biết là mọi người xứ biển lo xong APEC là mệt xỉu nên cần phía ban tổ chức chia sẻ gì thì cứ báo nhé!”. Ôi trời, tôi bèn nhắn lại: “Già làng có dẫn đi uống bia không?”.
Xong hai anh em lại leo lên mạng, ngồi bàn thêm một đoạn rất lâu về chương trình làm việc với các chuyên gia quốc tế đến từ Sillion Valley (Mỹ) và Tev Aviv (Israel). Bàn xong, gút chương trình, gửi email đi các nơi thì lăn đùng ra ngủ. Nhưng trước khi ngủ, bỗng giật mình phát hiện ra, chuyện Techfest là chuyện của Bộ KH&CN, sao mình, cũng như toàn bộ anh em trong cộng đồng VMI, cộng đồng khởi nghiệp đều nhào ra làm việc, đóng góp y như chuyện của nhà mình vậy?
Lại chợt nhớ ra, chủ đề năm nay là câu chuyện của làng. Mà làng, thì mỗi người dân trong làng đều luôn là một phần gắn bó, một thành tố có trách nhiệm và bổn phận liền kề nhau. À, đó cũng chính là hệ sinh thái, nơi mà mọi thành tố gắn chặt với nhau bằng mối quan hệ hữu cơ nhất.
Bởi vậy, nếu hỏi tôi Techfest năm nay có gì để hấp dẫn, thì đó chính là chuyện của làng.
Trần Vũ Nguyên - Giám đốc điều hành Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng