Ùn ứ, rớt giá sẽ còn kéo dài
Giải thích về việc hàng chục container chở dưa đang ùn ứ ở cửa khẩu Tân Thanh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Dương Thái cảnh báo: Có thể tình trạng ùn tắc nông sản ở cửa khẩu sẽ còn tiếp diễn trong các năm tới. Đứng ở góc độ cơ quan nhà nước quản lý xuất - nhập khẩu, Tổng cục Hải quan cho rằng các doanh nghiệp (DN) cần thay đổi phương thức kinh doanh, chuyển từ buôn bán tiểu ngạch sang chính ngạch, có hợp đồng ngoại thương theo thông lệ quốc tế, như vậy mới có thể giảm thiểu được rủi ro khi xuất khẩu hoa quả sang thị trường Trung Quốc.
Dù năm nào cũng một điệp khúc “ế ẩm”, bị ép giá, nhưng phần lớn các chủ hàng VN đều xuất dưa theo hình thức tự phát, không có hợp đồng ràng buộc với phía bạn, không có cam kết về thanh toán biên mậu, vì vậy, rủi ro là đương nhiên. Điều đáng nói là năm nay, lượng thanh long, dưa hấu được các chủ hàng xuất sang nhiều hơn 10 - 15% so với năm ngoái. Mỗi ngày, cửa khẩu Tân Thanh chỉ có thể làm thủ tục tối đa cho từ 300 - 350 xe, thời gian xử lý mỗi xe lên tới 2 - 3 giờ/xe. “Tuy nhiên, số lượng xe lên cửa khẩu lại lên tới khoảng 800 xe/ngày” - ông Thái nói và cho biết thêm, phía Trung Quốc chỉ cho phép nhập nông sản qua cửa khẩu Pò Chài cũng dẫn tới ứ đọng.
Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Võ Văn Quyền khi được hỏi về vai trò của Nhà nước, khâu phân phối nội địa ở đâu để nông sản liên tục bị ép giá, cho biết: Nguyên nhân chính là do người nông dân chưa sản xuất theo tín hiệu thị trường. Nếu không loại bỏ được tư duy tự phát, manh mún và sản xuất không có kế hoạch, không chỉ vụ này mà nhiều vụ nữa, dưa hấu vẫn rớt giá.
Có hay không lợi ích nhóm?
Để giải quyết bài toán tiêu thụ nông sản, Bộ Công Thương đề xuất Chính phủ cần có quy hoạch sản xuất dài hạn, đồng thời hình thành chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản cho nông dân. Nhà nước hỗ trợ bằng các cơ chế chính sách như cho vay ưu đãi đối với các DN tự nguyện tham gia chuỗi liên kết, từ đó, hình thành chuỗi cung ứng hàng hoá từ người sản xuất, các DN phân phối lớn và bán đến tay người tiêu dùng, giảm qua các khâu trung gian. Tuy nhiên, để hình thành được chuỗi liên kết, ông Võ Văn Quyền cũng thừa nhận, không thể làm được trong ngày một, ngày hai mà phải có quá trình, khi DN và người nông dân nhận ra lợi ích từ liên kết chuỗi.
Từ việc ùn ứ dưa hấu tại Tân Thanh, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội - Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội Vũ Vinh Phú phản biện: Lẽ ra Bộ Công Thương và Tổng cục Hải quan phải ký với phía Trung Quốc hiệp định về xuất khẩu biên mậu, để tạo điều kiện cho hàng hoá thông quan nhanh chóng, không phải chờ đợi phía TQ kiểm định. Trong trường hợp hàng hoá bị ứ đọng, Bộ Công Thương với vai trò quản lý nhà nước cần thông báo tới các địa phương có sản phẩm xuất khẩu, khuyến cáo bà con không tiếp tục mang hàng lên cửa khẩu.
Bên cạnh đó, cần tổ chức tốt khâu phân phối ở thị trường nội địa. Từ việc dưa hấu Quảng Nam được nhiều tấm lòng hảo tâm mua ủng hộ, đến việc dưa hấu cứ đến hẹn lại lên “được mùa rớt giá”, cho thấy hệ thống các DN phân phối lớn đang đứng ngoài cuộc, dù được “tiếp sức” hàng trăm tỉ đồng để làm nhiệm vụ “bình ổn”. Ông Phú đặt câu hỏi: “Liệu có hay không lợi ích nhóm ở khâu phân phối? Trong khi nhiều mặt hàng nông sản, người dân bán đổ như cho thì trong các siêu thị, người dùng vẫn phải mua giá cao. Phải chăng lợi nhuận rơi cả vào túi trung gian?
Theo Lao Động