Ngày 13-5, tại hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp góp ý dự thảo nghị định quy định chi tiết thi hành Luật doanh nghiệp và hoàn thiện pháp luật về điều kiện đầu tư kinh doanh, ông Nguyễn Đình Cung - viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) - cho biết Luật đầu tư mới quy định các bộ, UBND các cấp không được ban hành điều kiện kinh doanh.
Tuy nhiên, hiện có 1.697 điều kiện kinh doanh được các thông tư ban hành, trong đó ngành có nhiều nhất là y tế: 373, nông nghiệp: 252, tài nguyên - môi trường: 200, giao thông vận tải: 175.
Một số quy định rất vô lý được dẫn ra như kinh doanh xuất khẩu gạo phải có kho, có nhà máy xay và phải tuân thủ theo thiết kế; kinh doanh vận chuyển hành khách bằng ôtô thì doanh nghiệp phải có tối thiểu 20 xe, còn các tỉnh ngoài Hà Nội, TP.HCM là 10 xe, đồng thời phải xin giấy phép vận chuyển hành khách mà bản thân chiếc xe thiết kế ra để vận chuyển hành khách rồi.
Theo ông Cung, từ ngày 1-7 với cách tiếp cận là những gì pháp luật không cấm, mọi người dân được tự do kinh doanh thì 1.697 điều kiện kinh doanh đương nhiên bị bãi bỏ, không còn hiệu lực. “Tôi cho rằng trước hết chúng ta không nên chấp hành, không tuân thủ, ai bắt tuân thủ thì khởi kiện. Tuy nhiên, hệ thống tòa án có sẵn sàng tiếp nhận những đơn khởi kiện này không và sẽ xử lý thế nào?” - ông Cung nêu cách ứng xử với những điều kiện kinh doanh hết hiệu lực.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Văn Thanh - chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô VN - cho rằng chỉ Chính phủ mới được quyền ban hành, chứ không để bộ ngành đưa ra điều kiện kinh doanh như lâu nay. Chính việc đưa ra điều kiện kinh doanh như đối với ngành kinh doanh vận tải là một trong những nguyên nhân đẩy giá cước vận tải cao lên, không tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp.
Theo Tuổi trẻ