Hai từ “miếng chín” mà cô giáo Xuân nhấn mạnh ở đây chính là những cái ăn hoặc dùng được ngay. Thời nay, nhiều người sinh ra ở thế hệ 6X, 7X và đầu 8X mỗi khi gặp nhau vẫn thường kể những câu chuyện thời “nhất quỷ nhì ma”, trèo tường, xé rào nhà hàng xóm hái bưởi, hái nhãn và các loại hoa quả khác mà họ vẫn gọi chung là “miếng chín” để... đánh nhắm.
Đó là hành vi ăn trộm, ăn cắp thực sự, đôi khi có thể gây ra những bất hòa nếu giải quyết hậu quả không khéo. Thế nhưng những dấu ấn trong thời nghèo khó ấy được xem là trò chơi của bọn trẻ và có thể chấp nhận được. Người già, người có tuổi đã rút ra kết luận rằng, khoảng cách của “miếng chín” với trẻ con càng gần thì sự hấp dẫn của nó càng lớn. Chính vì vậy, khi sở hữu “miếng chín” trong tay, tùy từng giá trị của “miếng chín” mà người lớn có cách bảo vệ bằng nhiều phương pháp khác nhau, khiến bọn trẻ con khó bề đoạt được.
Hôi vịt ở thị trấn Quán Hàu, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình sau tai nạn xe đổ.
|
Ngày nay, khi mà đất ở của mỗi gia đình ngày càng thu hẹp, tường xây cao, sản vật dư thừa, con người đã phần nào no đủ hơn và bọn trẻ con bị cuốn theo vòng xoáy học kiến thức ở trường, học thêm cùng những trò chơi công nghệ thì sức hấp dẫn của “miếng chín” với chúng đã không còn nhiều nữa.
Ấy nhưng, những hành vi ứng xử với “miếng chín” thời nay đã biến tướng và đối tượng lại không phải là những đứa trẻ thiếu suy nghĩ chín chắn như ngày xưa nữa. Theo dõi các sự việc “hôi của” trong các vụ tai nạn giao thông xảy ra gần đây tương tự như vụ ở thị trấn Quán Hầu thấy có cả người trưởng thành sức dài vai rộng, ăn vận lịch sự mang theo phương tiện vận chuyển, cùng úm ba la xâu xé hôi của, mặc cho lực lượng chức năng kêu gọi và gia chủ than khóc, ngăn cản.
Anh bạn tôi, một chuyên gia về tâm lý phân tích về những hành vi này rằng, trong các hoàn cảnh, đa phần người dân thường nghĩ đến lợi ích của mình trước nên mới hành động như thế. Khi các vụ tai nạn giao thông xảy ra, hàng hóa đổ vỡ tràn ra đường sẽ gây ùn tắc giao thông hoặc là vật nuôi thì cũng sẽ chạy mất. Nếu để thì hỏng hoặc vật nuôi chạy khó tìm lại được. Chi bằng dọn hộ và mang về nhà dùng ngay cho đỡ phí.
Một cán bộ công an đang thu gom vịt từ người dân ở thị trấn Quán Hàu, trả lại nhà xe (Ảnh VNN)
|
Thật là nhất cử lưỡng tiện, được cả đôi đường. Rõ ràng là nếu suy nghĩ như vậy thì người dân chưa tính đến sự xót của mà người vận chuyển hàng phải gành chịu. Anh bạn tôi bao biện rằng, có lẽ người dân biết là, khi vận chuyển hợp pháp, bao giờ hàng hóa cũng phải mua bảo hiểm. Sự cố xảy ra, hàng hỏng, vật nuôi mất thì bảo hiểm lo chi trả. Người dân có lấy thì cũng chỉ là lấy phần đã được bảo hiểm đền bù.
Bình luận về việc này, Trung tá Ngô Thanh Sơn, Chính trị viên phó Ban CHQS huyện Phú Xuyên cho rằng, không thể căn cứ vào một vài hình ảnh hôi của ở một vài người Việt trước nỗi đau của người khác khi tai nạn giao thông xảy ra để đánh giá rằng, người Việt thời 4.0 xấu xí, thiếu văn hóa. Nói như vậy là hồ đồ. Tuy nhiên, việc ấy cần được dư luận lên án mạnh mẽ để đào thải ra khỏi cuộc sống.
Trong từng hoàn cảnh của sự việc xảy ra, người dân sở tại nên giúp đỡ người lái xe thu gom hàng, vật nuôi là tốt nhất. Biết đâu một ngày nào đó, trong một hoàn cảnh nào đó, những người hôi của lại cũng là nạn nhân của một vụ việc tương tự khác thì sao? Thế nên, cần nghĩ đến người, giúp người qua sự khó khăn là hành vi văn hóa đáng trân trọng, đáng khen, đáng học tập và nhân rộng trong cộng đồng.
Người Việt có câu tục ngữ ngắn gọn, rất chí lý mà gần như không ai là không thuộc: “Đói cho sạch, rách cho thơm” và “Giấy rách phải giữ lấy lề”. Hàm ý của những câu đó là khuyên răn con người dù có đói, dù có nghèo nhưng cũng phải giữ thanh danh, thể diện trước thiên hạ và không được làm những việc thất đức, phi nhân tính, ảnh hưởng đến người khác và cộng đồng.
Xe tải chở nước ngọt BS: 51C-563.67 lưu thông trên QL1A theo hướng TPHCM đi tỉnh Ninh Thuận. Khi ôm cua vòng xoay phía Nam TP.Phan Thiết (xã Tiến Lợi, TP.Phan Thiết, Bình Thuận) thì thùng xe bị bung khiến hàng trăm thùng nước ngọt rơi xuống đường. Người dân thu gom giúp lái xe. Cần lắm những hành động đẹp như thế này!
|
Từ sự việc này liên hệ với một số vụ việc khác xảy ra ở những nơi mà điển hình là nạn tham nhũng trong các cơ quan công quyền thì thấy nó có nhiều điểm tương đồng. Có nhiều lý do dẫn tới tham nhũng, trong đó có một lý do mà nhiều người chưa phân tích kỹ đó chính là sức hấp dẫn của đồng tiền.
Bởi trong trường hợp nào đó, đồng tiền cũng có thể quy là “miếng chín” như cô giáo Xuân đã ví ở trên. Bởi tiền là vật ngang giá có thể mua được mọi thứ và mọi thứ đều có thể được quy đổi ra tiền phục vụ sản xuất hàng hóa.
Sư việc Công an tỉnh Vĩnh Phúc lập biên bản và tạm giữ 5 người thuộc đoàn thanh tra Bộ Xây dựng do nữ Phó trưởng phòng Phòng chống tham nhũng làm trưởng đoàn vì có biểu hiện “vòi tiền” cũng chẳng khác nào việc hôi của trên đường giao thông cho dù chưa có kết luận chính thức của cơ quan chức năng.
Nếu những đối tượng này bị kép là có tội thì quả thật sẽ gây ra sự đổ vỡ niềm tin trong nhân dân không hề nhỏ. Bởi nó là lý do và câu trả lời chính xác cho dư luận vì tại sao lâu nay việc đấu tranh chống tham nhũng ở cơ sở không có kết quả, không phát hiện được đối tượng tham nhũng?
Càng ngày “người càng khôn, của càng khó” và “miếng chín”, dù ở xa, thậm chí rất xa, rất khó tìm ra nhưng sức hấp dẫn của nó vẫn luôn rất cao. Điều ấy chỉ có ở những người trưởng thành, được đào tạo, có nghiệp vụ và có quyền.
Ấy nhưng “miếng chín” có khi lại là ma lực hủy hoại nhân cách, danh dự và nhân phẩm của bất cứ ai, trừ bọn trẻ con vô lo, vô nghĩ.
Đừng hy vọng ma lực của “miếng chín” thôi sức hút mà hãy kiếm những “cái khóa” để bảo vệ “miếng chín” an toàn và sử dụng đúng mục đích. Bởi từ “miếng chín” đến nạn tham nhũng, tống tiền chỉ là một bước nhỏ.