Từ 1/1/2023, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú không còn giá trị

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Theo Luật Cư trú (sửa đổi) vừa được thông qua, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2021, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp chỉ có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú theo quy định cho đến hết ngày 31/12/2022.

Người dân được tiếp tục sử dụng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp cho đến hết ngày 31/12/2022. Ảnh: VGP.
Người dân được tiếp tục sử dụng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp cho đến hết ngày 31/12/2022. Ảnh: VGP.

Chiều nay (13/11), Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Luật Cư trú (sửa đổi) sới 449/455 đại biểu biểu quyết tán thành, chiếm 93,15% tổng số đại biểu Quốc hội. Luật Cư trú (sửa đổi) gồm 7 Chương, 38 Điều, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2021.

Luật quy định về việc thực hiện quyền tự do cư trú của công dân Việt Nam trên lãnh thổ nước CHXHCN Việt Nam; việc đăng ký, quản lý cư trú; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của công dân, hộ gia đình, cơ quan, tổ chức về đăng ký, quản lý cư trú.

Về điều kiện đăng ký tạm trú, Luật mới quy định công dân đến sinh sống tại chỗ ở hợp pháp ngoài phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi đã đăng ký thường trú để lao động, học tập hoặc mục đích khác từ 30 ngày trở lên thì phải thực hiện đăng ký tạm trú. Thời hạn tạm trú tối đa là 2 năm và có thể tiếp tục gia hạn nhiều lần.

Đáng chú ý, Luật Cư trú (sửa đổi) quy định sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú theo quy định của Luật cho đến hết ngày 31/12/2022.

Cùng với đó, Luật mới bỏ các quy định về sổ hộ khẩu, sổ hộ khẩu cấp cho hộ gia đình, sổ hộ khẩu cấp cho cá nhân, tách sổ hộ khẩu, giấy chuyển hộ khẩu, điều chỉnh những thay đổi trong sổ hộ khẩu tại Luật Cư trú năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2013).

Về nghĩa vụ của công dân về cư trú, luật quy định gồm: Thực hiện việc đăng ký cư trú theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan; Cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin, giấy tờ, tài liệu về cư trú của mình cho cơ quan, người có thẩm quyền và chịu trách nhiệm về thông tin, giấy tờ, tài liệu đã cung cấp. Công dân phải nộp lệ phí đăng ký cư trú theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí.

Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) được Quốc hội thông qua vào chiều 13/11 với 93,15% đại biểu biểu quyết tán thành.
Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) được Quốc hội thông qua vào chiều 13/11 với 93,15% đại biểu biểu quyết tán thành.

Về thủ tục đăng ký thường trú, luật quy định: Người đăng ký thường trú nộp hồ sơ đăng ký thường trú đến cơ quan đăng ký cư trú nơi mình cư trú. Khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký thường trú, cơ quan đăng ký cư trú kiểm tra và cấp phiếu tiếp nhận hồ sơ cho người đăng ký, trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ thì hướng dẫn người đăng ký bổ sung hồ sơ.

Trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thẩm định, cập nhật thông tin về nơi thường trú mới của người đăng ký vào Cơ sở dữ liệu về cư trú và thông báo cho người đăng ký về việc đã cập nhật thông tin đăng ký thường trú; trường hợp từ chối đăng ký thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Người đã đăng ký thường trú mà chuyển đến chỗ ở hợp pháp khác và đủ điều kiện đăng ký thường trú thì có trách nhiệm đăng ký thường trú tại nơi ở mới theo quy định của Luật này trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày đủ điều kiện đăng ký.

Về trách nhiệm quản lý nhà nước về cư trú, luật quy định: Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về cư trú trong phạm vi cả nước. Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về cư trú...

Luật cũng cấm môi giới, nhận hối lộ trong việc đăng ký, quản lý cư trú; không tiếp nhận, trì hoãn việc tiếp nhận hồ sơ, giấy tờ, tài liệu, thông tin đăng ký cư trú hoặc có hành vi nhũng nhiễu khác; không thực hiện hoặc thực hiện không đúng thời hạn đăng ký cư trú cho công dân khi hồ sơ đủ điều kiện đăng ký cư trú; xóa đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú trái với quy định của pháp luật,...

Trước khi biểu quyết thông qua toàn bộ dự án Luật, Quốc hội đã biểu quyết thông qua quy định tại Điều 27 về điều kiện đăng ký tạm trú. Theo đó, 90,46% tổng số ĐBQH đã biểu quyết việc không quy định điều kiện riêng đối với người đăng ký tạm trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ.