Cụ thể, lãi suất tính lãi được quy đổi theo tỷ lệ %/năm (lãi suất năm); một năm là 365 ngày; một tháng là 30 ngày.
Đáng chú ý, TCTD được thỏa thuận với khách hàng xác định hạn tính lãi theo một trong hai phương pháp sau:
Cách 1: Thời hạn tính lãi được xác định từ ngày tiếp theo ngày giải ngân khoản cấp tín dụng hoặc ngày tiếp theo ngày nhận tiền gửi đến hết ngày thanh toán hết khoản cấp tín dụng, khoản tiền gửi (bỏ ngày đầu, tính ngày cuối của thời hạn tính lãi) và thời điểm xác định số dư để tính lãi là đầu mỗi ngày trong thời hạn tính lãi.
Cách 2: Thời hạn tính lãi được xác định từ ngày giải ngân khoản cấp tín dụng hoặc ngày nhận tiền gửi đến hết ngày liền kề trước ngày thanh toán hết khoản cấp tín dụng, khoản tiền gửi (tính ngày đầu, bỏ ngày cuối của thời hạn tính lãi) và thời điểm xác định số dư để tính lãi là cuối mỗi ngày trong thời hạn tính lãi.
Về minh bạch lãi suất, Thông tư này quy định rất rõ về công thức tính lãi.
Số tiền lãi ngày = (Số dư thực tế x Lãi suất tính lãi)/365.
Số tiền lãi của kỳ tính lãi bằng tổng số tiền lãi ngày của toàn bộ các ngày trong kỳ tính lãi.
Đối với các khoản tiền gửi, cấp tín dụng có thời gian duy trì số dư thực tế nhiều hơn một (01) ngày trong kỳ tính lãi, được sử dụng công thức rút gọn sau để tính lãi:
Số tiền lãi = ∑ ( Số dư thực tế x số ngày duy trì số dư thực tế x Lãi suất tính lãi)/365
Đối với khoản tiền gửi, cấp tín dụng mà thời hạn tính từ khi nhận tiền gửi hoặc từ khi giải ngân khoản cấp tín dụng đến khi thanh toán hết khoản tiền gửi, khoản cấp tín dụng dưới một ngày: Tổ chức tín dụng thỏa thuận với khách hàng về thời hạn tính lãi được tính từ khi nhận tiền gửi hoặc từ khi giải ngân khoản cấp tín dụng đến khi thanh toán hết khoản tiền gửi, khoản cấp tín dụng, nhưng không được vượt quá một ngày.
Như vậy, theo Thông tư này, lãi suất cho vay sẽ được “thả nổi” theo quy luật cung –cầu, phản ánh sự vận động của thị trường, và được thể hiện cụ thể bằng thỏa thuận giữa ngân hàng và khách hàng. Người đi vay cần phải tính toán kỹ lưỡng và thận trong trước khi quyết định đặt bút ký để vay, cần phải so sánh với các kênh huy động vốn khác như phát hành trái phiếu hoặc huy động trên thị trường chứng khoán.
Chia sẻ về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, quy định mới này buộc các DN phải chủ động hơn trong phương án kinh doanh. Nếu DN có phương án kinh doanh tốt thì sẽ được vay với lãi suất thấp, còn nếu phương án kinh doanh chưa tối ưu thì phải chấp nhận lãi suất cao hơn, hoặc phải tính đến phương án khác. Bên cạnh đó, VN cần phải đẩy mạnh sự phát triển của thị trường trái phiếu, điều này giúp NH và DN chủ động hơn về nguồn trung và dài hạn, giảm bớt sự phụ thuộc vào kênh dẫn vốn từ mỗi ngân hàng như hiện nay.