Giữ vai trò Chủ tọa điều hành hội thảo, TS. Võ Trí Thành – Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) đã đề nghị TS. Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia tài chính ngân hàng đưa ra dự báo chiều hướng điều hành chính sách tiền tệ.
Đặt bên cạnh mục tiêu tăng trưởng tín dụng 18% mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã đề ra cho năm 2017, ông Thành hỏi ông Hiếu, rằng liệu NHNN có thực hiện nới lỏng tiền tệ, và tăng trưởng tín dụng năm 2017 có vượt 18% hay chỉ đạt 18%. Và động thái hạ trần lãi suất cho vay vừa rồi, cộng với áp lực hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng 6,7% có phát đi thông điệp về một chính sách tiền tệ nới lỏng (?).
Trả lời vấn đề này, ông Hiếu đánh giá, có nhiều yếu tố sẽ khiến công chúng lầm tưởng rằng nhà điều hành sẽ thực hiện chính sách nới lỏng.
Tuy nhiên, theo TS. Hiếu, tín dụng tăng trưởng đạt 18% trong năm nay đã là cao và ông không nghĩ NHNN nên thúc tăng trưởng tín dụng tăng cao hơn. “Theo thông lệ, tăng trưởng tín dụng thường bằng 2,5 lần tăng trưởng GDP, tức là tăng trưởng năm nay khoảng hơn 17% là hợp lý. Nếu cao hơn nữa, thậm chí là 20% như một số ý kiến, sẽ đẩy nền kinh tế vào trạng thái dư thừa tín dụng, nguy cơ tạo ra những bong bóng tăng trưởng”, ông Hiếu nói.
Phân tích về quyết định hạ trần lãi suất mà NHNN đang thực hiện, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, thực chất đó không phải là động tác nới lỏng tiền tệ, mà nó mang ý nghĩ hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ môi trường kinh doanh nhiều hơn.
Cụ thể, trong câu chuyện hạ trần lãi suất vừa qua, NHNN đã hạ trần lãi suất điều hành 0,25%, nhưng lãi suất này chỉ được sử dụng trên thị trường liên ngân hàng; Và ít năm qua, các ngân hàng cũng hạn chế cho vay trên thị trường này sau các kinh nghiệm mất vốn trước đó. Do đó, việc hạ lãi suất điều hành tuy có tác động nhưng không nhiều.
Trong khi, đối với lãi suất thương mại, nó được điều chỉnh giảm 0,5%. Nhưng nên nhớ, điều chỉnh này chỉ được áp dụng cho 5 lĩnh vực ưu tiên. Phần nhiều doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực đó là vừa và nhỏ, vốn đã rất khó khăn trong việc vay vốn ngân hàng. Vì vậy, dù lãi suất có giảm thì họ cũng rất khó khăn trong việc cho vay bởi các ngân hàng còn phải trả lời cổ đông về bài toán rủi ro-lợi nhuận. Rủi ro cao thì lãi suất phải cao chứ.
“Theo đó, tôi cho rằng lãi suất không có tác động nhiều nên tôi không xem việc giảm lãi suất là nới lỏng chính sách tiền tệ”, ông Hiếu nói.
Bình luận về phân tích của TS. Nguyễn Trí Hiếu, TS. Nguyễn Trí Thành tỏ ra khá đồng tình. “Tôi muốn chia sẻ thêm thông tin, nếu anh chị đọc kỹ các phát biểu của lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, họ cho biết mục tiêu tăng trưởng tín dụng hiện nay vẫn là 18%, có thể linh hoạt khi điều kiện cho phép”.
“Có nghĩa rằng, ổn định kinh tế vĩ mô vẫn là quan trọng nhất. Việc giảm lãi suất chủ yếu là cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh có hệ số rủi ro thấp, không phải cho ngành có rủi ro cao”, TS. Thành nói.
Thượng tuần tháng này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng đã ký loạt quyết định giảm lãi suất điều hành sau hơn 2 năm giữ các mức trần lãi suất điều hành. Theo đó, mức trần lãi suất cho vay ngắn hạn cho các lĩnh vực ưu tiên (doanh nghiệp vừa và nhỏ, nông nghiệp...) sẽ giảm thêm 0,5% một năm.
Cùng với đó, nhà điều hành cũng giảm 0,25% một năm loạt lãi suất điều hành trong cân đối vốn của hệ thống ngân hàng như lãi suất cho vay qua đêm, lãi suất tái cấp vốn...
Quyết định này được cơ quan quản lý tiền tệ đưa ra sau yêu cầu của Thủ tướng tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 gần đây. Theo đó, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu phương án, cân đối để giảm lãi suất cho vay 0,5 - 1% một năm, hỗ trợ tăng trưởng đạt mục tiêu GDP 6,7% năm nay./.