Xin chào các độc giả của tờ VietTimes và cảm ơn quý báo đã quan tâm đến vấn đề thời sự của ngành du lịch cũng như doanh nghiệp Intertour chúng tôi. Tôi chia sẻ với bạn rằng có 2 lĩnh vực trong dịch vụ du lịch chịu tác động nhiều nhất từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thứ nhất là quảng bá, marketing và thứ hai là kinh doanh các dịch vụ du lịch.
Về lĩnh vực quảng bá và marketing du lịch
Mạng xã hội và công nghệ hình ảnh đã góp phần giúp các doanh nghiệp quảng bá hình ảnh điểm đến hấp dẫn hơn, chân thực hơn
|
- Mở rộng không gian, thời gian và thị trường du lịch
Việc phát triển Internet kết nối vạn vật làm xóa nhòa không gian và thời gian, tạo nên một thế giới phẳng, mọi người trên khắp thế giới, chỉ cần có kết nối internet là có thể truy cập và tìm hiểu tất cả những di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh du lịch nổi tiếng trên toàn thế giới. Đây chính là cú hích quan trọng làm nảy sinh nhu cầu đi du lịch ở mọi người dân, là cơ hội vàng để mở rộng thị trường du lịch.
- Giảm chi phí quảng cáo, tiếp thị
Nếu như trước kia, để quảng bá, phát triển điểm đến, người ta phải mất rất nhiều thời gian và phải trả một khoản kinh phí khá lớn cho việc quảng cáo trên truyền hình, báo, đài, phát tờ rơi, tập gấp, bản đồ, giới thiệu các tour và giá mỗi tour du lịch… thì nay thông qua ứng dụng các Mạng xã hội như Facebook, Twitter, website thông minh (như Web30s, Smart Live Chart, Smart Marketing Tool) và tổng đài ảo (tất cả các phần mềm này đều chạy trên môi trường điện toán đám mây) giá thành chi phí quảng cáo, tiếp thị và thời gian dành cho nó đã giảm đi rất nhiều. Đây là một lợi thế to lớn do công nghiệp 4.0 mang lại.
- Số hóa cơ sở dữ liệu du lịch
Việc số hóa các cơ sở dữ liệu du lịch như giới thiệu các dạng tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn, bản đồ các điểm du lịch, hệ thống các nhà hàng, khách sạn, hệ thống giao thông… của mỗi địa phương, mỗi quốc gia đang được triển khai rộng rãi, mang lại tiện ích cho các nhà quản lý, kinh doanh du lịch và du khách ở khắp nơi trên thế giới.
- Du lịch thực tế ảo
Việc sử dụng hình ảnh, các thước phim 3D, 4D tái dựng lại các sự kiện, di tích lịch sử, văn hóa, các di sản thiên nhiên và đưa lên các internet hoặc trình chiếu tại các điểm du lịch sẽ giúp cho tất cả mọi người trên khắp thế giới (trong đó có các du khách) dễ dàng khám phá, hiểu hơn, yêu hơn và thích thú tìm hiểu tài nguyên du lịch của mỗi địa phương, mỗi quốc gia. Đây cũng là một trong những phương pháp kích cầu du lịch hiệu quả.
Về lĩnh vực kinh doanh các dịch vụ du lịch
Du khách Việt Nam có thể lựa chọn điểm đến và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chỉ qua vài lần click chuột
|
- Bán hàng qua mạng và thanh toán trực tuyến
Thương mại điện tử, kinh doanh qua mạng, trong đó có kinh doanh du lịch hiện đang là xu thế thời đại. Công nghiệp 4.0 giúp cho các nhà kinh doanh du lịch triển khai bán các dịch vụ du lịch cho mọi đối tượng có nhu cầu trên khắp thế giới với chi phí ít nhất, thời gian tiết kiệm nhất và doanh thu cao nhất.
- Giảm nhân lực lao động, thời gian, chi phí, giảm giá thành các dịch vụ du lịch
Ứng dụng công nghệ hiện đại đã làm giảm đáng kể nguồn nhân lực lao động, rút ngắn thời gian làm việc, giảm mạnh các chi phí dẫn tới giảm giá thành các dịch vụ du lịch. Chính nhờ mua và bán hàng qua mạng nên các doanh nghiệp du lịch có thể liên kết, cùng hợp tác, chia sẻ khó khăn và lợi nhuận, bán hàng cho số lượng khách đông, chi phí và thời gian ít nên họ có thể ổn định giá, giảm giá, thậm chí giảm giá cực sốc các dịch vụ du lịch.
Các nhà kinh doanh du lịch gốc Hoa kiều ở Mỹ, ở một số nước trong khu vực Đông Nam Á (Thái Lan, Malaysia, Singapore), các doanh nghiệp du lịch ở khu vực Đông Âu… là những người rất giỏi trong lĩnh vực này. Ở Mỹ, giá tour của họ rất linh hoạt, thậm chí một số khách du lịch may mắn vào mùa thấp điểm du lịch được khuyến mãi khủng (mua 2 tặng 2), chỉ phải trả khoảng 250 USD cho tour 7 ngày 6 đêm ở Bờ Đông, khoảng 400 USD cho tour 10 ngày 9 đêm ở Bờ Tây nước Mỹ (giá chỉ bao gồm chi phí đi lại và ngủ đêm ở khách sạn 3-5 sao). Giá rẻ như thế này ở Việt Nam chỉ có nằm mơ mới thấy.
- Liên kết tour, tuyến du lịch.
Intenet kết nối vạn vật đã giúp cho các doanh nghiệp lữ hành dễ dàng kết nối tour, tuyến điểm, tăng lượng khách và tăng hiệu suất kinh doanh du lịch, biến du lịch trở thành một ngành công nghiệp có guồng máy hoạt động không ngừng nghỉ, chạy hết công suất.
- Phát triển thương hiệu điểm đến
Công nghiệp 4.0 đưa thông tin, hình ảnh điểm đến cho mọi người ở tất cả mọi lúc, mọi nơi, nó kích thích và tạo ra nhu cầu khám phá, tìm hiểu điểm đến, Các điểm du lịch nổi tiếng, có chất lượng dịch vụ tốt, thông qua công nghệ 4.0 sẽ tạo ra hiệu ứng đám đông, tạo nên thương hiệu điểm đến nhanh chóng và mang tầm vóc quy mô toàn cầu. Một trong những ví dụ điển hình là sau khi bộ phim King Kong ra đời, Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), Tràng An (Ninh Bình) và Phong Nha (Quảng Bình) càng trở nên nổi tiếng, trở thành điểm đến hấp dẫn trong con mắt du khách trong nước và quốc tế.
- Liên kết các doanh nghiệp du lịch
Liên kết vùng, liên kết giữa các doanh nghiệp du lịch, chia sẻ khách, dịch vụ, chia sẻ lợi nhuận cũng như khó khăn là xu thế tất yếu để chuyên môn hóa và giảm giá thành các dịch vụ du lịch. Công nghiệp 4.0 giúp cho mối liên kết này ngày càng thuận lợi, mở rộng không gian, làm cho ngành du lịch phát triển bền vững hơn.
- Phát triển các sản phẩm du lịch mới.
Công nghiệp 4.0 tạo ra ngày càng nhiều sản phẩm du lịch mới, phong phú, hấp dẫn hơn. Công nghiệp 4.0, nhất là công nghệ ảo cho phép tái tạo lại những sự kiện lịch sử, không gian văn hóa cổ xưa, những thắng cảnh thiên nhiên hùng vĩ… để du khách có thể trải nghiệm và đắm chìm vào nó, tạo nên những cảm giác như thực tại những điểm du lịch. Những du khách nào có dịp tới thăm Kinh đô điện ảnh Hollywood mới thấy hết được hiệu ứng công nghệ ảo, sức hấp dẫn khó cưỡng lại của điểm du lịch nổi tiếng này.
- Nâng cao chất lượng dịch vụ
Khi ứng dụng công nghiệp 4.0 , với những ưu thế công nghệ vượt trội, nó cho phép du khách cảm nhận bằng tất cả các giác quan ( thính giác, vị giác, khứu giác, xúc giác, tri giác ) của mình, sự cảm nhận và hài lòng của du khách sẽ tăng lên rất nhiều. Chính vì vậy công nghiệp 4.0 không chỉ làm giảm giá thành mà còn làm tăng chất lượng các dịch vụ du lịch.
Như mọi người đã thấy CMCN 4.0 đã tạo ra sự thay đổi lớn trong ngành sản xuất và dịch vụ toàn cầu; du lịch là một ngành dịch vụ nằm trong tầm ảnh hưởng của làn sóng này. Cách du khách lựa chọn, đặt mua, trải nghiệm chuyến đi liên tục thay đổi, ngày càng thiên về định hướng giao dịch thương mại điện tử. Vì vậy tiếp thị kỹ thuật số trở thành thách thức lớn cho ngành du lịch, đặt ra yêu cầu có được những chiến lược thực sự phù hợp thu hút du khách.
Để tăng cường sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong thời đại 4.0, các doanh nghiệp lữ hành nói chung và Intertour của chúng tôi nói riêng phải xây dựng và số hóa các hoạt động nghiệp vụ, khởi tạo database nội dung giới thiệu các điểm đến bằng tiếng Việt và một số ngôn ngữ quốc tế khác. Tiến tới ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trong tác nghiệp giới thiệu điểm tham quan.
Các doanh nghiệp lữ hành Việt cũng phải nâng cao năng lực cho đội ngũ hướng dẫn viên, tư vấn viên về kỹ năng mềm, kỹ năng ứng công nghệ mới, kỹ năng giao tiếp và sử dụng ngoại ngữ trong hoạt động kinh doanh. Cùng với cơ quan quản lý nhà nước về du lịch kiến tạo nên những sản phẩm du lịch độc đáo về văn hóa ẩm thực, trải nghiệm các di sản phi vật thể đã được UNESCO công nhận đối với các tour nội địa. Đối với các tour quốc tế sẽ đầu tư nhiều hơn cho các hình thức du lịch tìm hiểu các mô hình đào tạo, các cơ sở khám chữa bệnh... đa dạng theo yêu cầu của khách hàng.