TS Đặng Minh Tuấn: Tư duy sáng tạo của nhạc sĩ mới là quyết định và máy tính chỉ có thể trợ giúp

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Không chỉ là một chuyên gia CNTT có uy tín, TS. Đặng Minh Tuấn còn là nhạc sĩ nghiệp dư với khá nhiều ca khúc. Nhân dịp xuân Giáp Thìn 2024, TS. Đặng Minh Tuấn đã chia sẻ với VietTimes về mối liên hệ giữa CNTT và âm nhạc.

anhpiano-894.jpg

PV: Xin ông cho biết làm nhạc bằng máy tính có ưu điểm gì so với các nhạc cụ truyền thống?

TS Đặng Minh Tuấn: Cá nhân tôi có niềm đam mê âm nhạc từ nhỏ nên khi bước chân vào lĩnh vực CNTT, đương nhiên tôi cũng phải quan tâm đến công nghệ làm nhạc trên các phần mềm máy tính. Khác với các nhạc cụ truyền thống, làm nhạc bằng máy tính có thể lưu lại bản nhạc được chơi cùng những chỉnh sửa có thể làm bất cứ lúc nào và quan trọng hơn là chúng ta còn có cả một thư viện lớn âm thanh của nhiều loại nhạc cụ khác nhau. Đó là ưu thế hơn hẳn của công nghệ âm nhạc so với nhạc cụ truyền thống.

Tuy nhiên, thư viện số của các phần mềm soạn nhạc cũng có một nhược điểm là chỉ có với các loại nhạc cụ thông dụng của toàn thế giới mà về cơ bản là chưa có với các nhạc cụ dân tộc Việt Nam. Đó là thực tế mà có lẽ không còn cách nào khác là Việt Nam chúng ta phải cùng đầu tư để đưa các nhạc cụ dân tộc vào thư viện số của phần mềm làm nhạc.

PV: Ngày nay Trí tuệ nhân tạo (AI) đang được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực, và âm nhạc không phải là một ngoại lệ phải không thưa ông?

TS Đặng Minh Tuấn: Ví dụ điển hình mà chúng ta dễ thấy là ứng dụng ca sĩ ảo và đây là thực tế ngay cả ở Việt Nam. Ca sĩ ảo rất nổi tiếng ở Nhật Bản là Hatsune Miku trong 14 năm qua đã có hơn 100.000 bài hát. Lạc Thiên Y ra mắt năm 2012, là nghệ sĩ ảo nổi tiếng nhất Trung Quốc. Ca sĩ ảo này được mời tham gia Gala lễ hội mùa xuân của đài CCTV cùng Lưu Đức Hoa, quảng bá cho thế vận hội mùa đông ở Bắc Kinh, xuất hiện trên bìa Harper's Bazaar bản tiếng Trung. Cô có hơn 5 triệu người theo dõi trên Weibo, là gương mặt đại diện của nhiều nhãn hàng. Ngoài Thiên Y, hiện nay Trung Quốc có hàng trăm nghệ sĩ ảo.

Trong thời gian gần đây với sự lên ngôi của AI tạo sinh, trong lĩnh vực âm nhạc sản phẩm Suno.ai có thể chỉ trong vòng 1 phút 20 s có thể tạo ra bài hát có cả lời và nhạc đệm theo yêu cầu, trong đó có hỗ trợ cả tiếng Việt.

Tuy nhiên, theo tôi ca sĩ ảo và người ảo về cơ bản có lẽ cũng còn lâu mới sánh được với ca sĩ thực, khi các hệ thống AI vẫn chưa thể số hóa và mô phỏng được các cảm xúc chân thực, cũng như những sự tinh tế từ những trải nghiệm cuộc sống thực tế và những bản nhạc tạo sinh phần lớn dựa trên máy học từ những dữ liệu có sẵn nên tính sáng tạo còn rất nhiều hạn chế. Vì thế, chắc chắn hai giới CNTT và âm nhạc sẽ còn phải có nhiều sự hợp tác thì mới hoàn chỉnh được ứng dụng này.

Còn về những ứng dụng khác của AI trong âm nhạc, theo tôi ít nhất là có thể so sánh các bản nhạc với nhau để phát hiện ra hành vi “đạo nhạc”, phân tích các đặc trưng của các dòng nhạc hay của các tác giả. Tuy nhiên, tư duy sáng tạo của nhạc sĩ mới là quyết định và máy tính chỉ có thể trợ giúp cho họ.

Ca khúc "Về đi anh" do TS Đặng Minh Tuấn phổ nhạc năm 2017 từ lời thơ của tác giả Nguyễn Kiều Dung. Thể hiện: Ca sĩ Minh Chuyên

PV: Hiện tại ở Việt Nam mới chỉ đào tạo kỹ sư điện tử chứ chưa hề đào tạo kỹ sư âm thanh mặc dù đây là nhu cầu nhân lực của các ngành phát thanh, truyền hình, điện ảnh và nghệ thuật biểu diễn. Ông nghĩ gì về thực tế này?

TS Đặng Minh Tuấn: Theo tôi, công nghệ âm thanh trong một chừng mực nào đó cũng là anh em với công nghệ điện tử nghe nhìn và nhu cầu nhân lực cho nó đương nhiên là không nhỏ. Cái khó là người làm công nghệ âm thanh phải có “tai nhạc” và theo tôi được biết thì các chuyên gia về kỹ thuật phát thanh là đứng đầu ở Việt Nam về lĩnh vực này.

Vì sao các trường đại học và cao đẳng ở Việt Nam chưa thể đào tạo được chuyên gia công nghệ âm thanh thì theo tôi là có rất nhiều nguyên nhân. Đúng là thị trường có nhu cầu nhân lực về lĩnh vực này nhưng chưa thực sự lớn để có thể mở ngành đào tạo chính thức. Vì thế, cử người đi học ở nước ngoài về công nghệ âm thanh và đào tạo lẫn nhau là hợp lý hơn.

PV: Theo ông, người làm phần mềm, đặc biệt là về AI có cần có tư duy nghệ thuật hay không?

TS Đặng Minh Tuấn: Mỗi sản phẩm phần mềm đương nhiên đều không thể thiếu tính nghệ thuật trong các yếu tố như thiết kế giao diện, tổ chức dữ liệu, cấu trúc hệ thống… Do đó, nếu người làm phần mềm và AI có tư duy nghệ thuật thì cũng là điều hết sức lý tưởng để sản phẩm của họ trở nên hấp dẫn với người sử dụng.

Tuy nhiên, chúng ta không nên quá đặt nặng vấn đề này vì như thế sẽ phần nào làm khó cho số đông người làm CNTT. Điều cần hơn theo tôi là những bậc thầy về CNTT làm sao phải truyền được cảm hứng tới thế hệ sinh viên về trí tưởng tượng phong phú trong việc xây dựng phần mềm và sản phẩm AI.

Nhân dịp đầu xuân Giáp Thìn 2024, với tư cách là một nhạc sĩ nghiệp dư của giới CNTT, tôi xin có lời chúc mừng năm mới trong bối cảnh mà CNTT đã và đang hiện diện rất nhiều trong các lĩnh vực nghệ thuật. Nếu như nghệ thuật thực sự gần gũi với khoa học công nghệ thì tin rằng khoa học công nghệ Việt Nam sẽ có được nhiều thành công mới.

PV: Xin cảm ơn ông và xin chúc cho một mùa xuân với với nhiều triển vọng của Khoa học công nghệ Việt Nam!