Truyền thông Mỹ tiết lộ tài liệu mật: năm 1958, Mỹ có kế hoạch tấn công hạt nhân Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Trong bối cảnh mục tiêu tấn công Đài Loan của Trung Quốc ngày càng rõ ràng, truyền thông Mỹ đã tiết lộ một tài liệu mật của Lầu Năm Góc cho thấy Mỹ đã lên kế hoạch tấn công hạt nhân Trung Quốc vào năm 1958.
Cựu chuyên gia phân tích quân sự Mỹ Daniel Ellsberg, người tiết lộ tài liệu mật cho tờ New York Times (Ảnh: New York Times).
Cựu chuyên gia phân tích quân sự Mỹ Daniel Ellsberg, người tiết lộ tài liệu mật cho tờ New York Times (Ảnh: New York Times).

Cựu chuyên gia phân tích quân sự Mỹ Daniel Ellsberg ngày 22/5 đã tiết lộ một tài liệu mật của Lầu Năm Góc cho tờ New York Times. Bản báo cáo nghiên cứu quân sự Mỹ viết năm 1966 này cho thấy sau khi bắt đầu chiến dịch Pháo kích đảo Kim Môn ngày 23/8/1958, các quan chức cấp cao của quân đội Mỹ đã cân nhắc việc phát động một cuộc tấn công hạt nhân vào Trung Quốc đại lục.

Bài cáo trích nội dung tài liệu cho biết, để giúp chính quyền Quốc dân đảng bảo vệ Đài Loan và ngăn chặn "Cuộc tấn công Đài Loan" của PLA (Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc) có thể xảy ra, quân đội Mỹ đã chủ trương sử dụng vũ khí hạt nhân để tấn công phủ đầu các căn cứ không quân ở Trung Quốc đại lục, bất chấp nguy cơ bị Liên Xô can thiệp.

Ngoài ra, quân đội Mỹ thậm chí còn cân nhắc phát động một cuộc tấn công hạt nhân sâu hơn và quy mô lớn hơn vào Trung Quốc đại lục nếu tình hình leo thang hơn nữa.

Một cuộc tấn công hạt nhân vào sân bay Hạ Môn đã được quân đội Mỹ lên kế hoạch (Ảnh: Dwnews).

Một cuộc tấn công hạt nhân vào sân bay Hạ Môn đã được quân đội Mỹ lên kế hoạch (Ảnh: Dwnews).

Ông Daniel Ellsberg, người tiết lộ tài liệu này, từng là nhà phân tích quân sự tại RAND Corporation, một tổ chức tư vấn nổi tiếng của Mỹ. Năm 1971, ông là người đã tiết lộ với giới truyền thông Hoa Kỳ "Hồ sơ Lầu Năm Góc" (Pentagon Papers) của Bộ Quốc phòng Mỹ liên quan đến Chiến tranh Việt Nam và bị cáo buộc vi phạm Đạo luật Chống gián điệp, nhưng các cáo buộc liên quan đã bị bác bỏ vào năm 1973.

Ellsberg nói rằng khi đó ông đã sao chép bản báo cáo mật liên quan đến cuộc đối đầu quân sự Trung - Mỹ này, nhưng nó chưa từng được công khai.

Theo nội dung của tài liệu mật này, hai ngày sau khi bắt đầu chiến dịch Pháo kích Kim Môn (ngày 25/8/1958), Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Lực lượng Không quân Mỹ lúc đó là tướng Laurence Kuter đã yêu cầu chính phủ cho phép sử dụng vũ khí hạt nhân. Ông cho rằng nếu tình hình leo thang, kế hoạch "hỗ trợ phòng thủ các đảo xa của Đài Loan" bằng vũ khí thông thường của Không quân Mỹ sẽ không có cơ hội thành công nếu quân đội Mỹ không sử dụng vũ khí hạt nhân trước.

Pháo binh PLA nã pháo sang đảo Kim Môn nằm cận kề thành phố Hạ Môn năm 1958 (Ảnh: Sina).

Pháo binh PLA nã pháo sang đảo Kim Môn nằm cận kề thành phố Hạ Môn năm 1958 (Ảnh: Sina).

Tướng Laurence Kuter bày tỏ ủng hộ đối với kế hoạch sử dụng vũ khí hạt nhân để tấn công phủ đầu căn cứ không quân ở Trung Quốc đại lục. Ông tuyên bố rằng kế hoạch tấn công này nếu hạn chế mục tiêu là căn cứ không quân thì có vẻ “kiềm chế” hơn và dễ dàng nhận được sự ủng hộ của các quan chức chính phủ Mỹ hơn.

Kế hoạch này cuối cùng đã được sự ủng hộ của tướng Nathan Twining, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ khi đó. Ông Nathan Twining tuyên bố, nếu PLA thực sự phát động một cuộc tấn công quy mô lớn vào Đài Loan, quân đội Mỹ trước tiên cần tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân vào căn cứ không quân của Trung Quốc đại lục để ngăn PLA thực hiện thành công "các hoạt động phong tỏa đường không".

Ông Nathan Twining thậm chí còn đề xuất một kế hoạch điên rồ hơn về một cuộc tấn công hạt nhân trên diện rộng hơn vào Trung Quốc đại lục. Theo tài liệu, Nathan Twining khi đó nhấn mạnh rằng nếu tấn công bằng vũ khí hạt nhân vào căn cứ không quân vẫn không thể ngăn được PLA tấn công Đài Loan, thì Mỹ sẽ "không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân phạm vi sâu hơn vào Trung Quốc đại lục, với khu vực cực bắc đến tận Thượng Hải".

Máy bay của quân đội Đài Loan chở lính bị thương trong chiến dịch Pháo kích Kim Môn về đảo Đài Loan chữa trị (Ảnh: New York Times).

Máy bay của quân đội Đài Loan chở lính bị thương trong chiến dịch Pháo kích Kim Môn về đảo Đài Loan chữa trị (Ảnh: New York Times).

Phương án sử dụng vũ khí hạt nhân này nhanh chóng gây nên tranh cãi trong chính phủ Mỹ. Một số quan chức chính quyền Washington lo ngại rằng nếu quân đội Mỹ tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân vào lục địa Trung Quốc, Liên Xô có thể hỗ trợ Trung Quốc đại lục và thực hiện các cuộc tấn công hạt nhân trả đũa tương ứng. Tuy nhiên, các quan chức quân sự cấp cao của Mỹ vẫn phổ biến cho rằng Mỹ thà chấp nhận rủi ro bị Liên Xô trả thù còn hơn kết quả để PLA đánh chiếm thành công Đài Loan và các đảo xung quanh.

Ông Twining tuyên bố rằng cuộc tấn công hạt nhân trước của quân đội Mỹ "gần như chắc chắn sẽ dẫn đến sự trả đũa hạt nhân liên quan đến khu vực Đài Loan và cũng có thể gây nguy hiểm cho Okinawa, nơi có quân đội Mỹ đóng quân", nhưng nếu Mỹ muốn "giữ được Đài Loan" thì đây là "hậu quả cần phải chấp nhận".

Mặc dù những kế hoạch “tiên phát chế nhân” (đánh phủ đầu trước) này cuối cùng đã bị Tổng thống Mỹ khi đó là Dwight David Eisenhower phủ quyết, chuyển sang thay bằng sử dụng vũ khí thông thường để can thiệp vào tình hình trên eo biển Đài Loan, nhưng quân đội Mỹ vẫn không từ bỏ kế hoạch tiến hành một đòn tấn công hạt nhân vào lục địa Trung Quốc.

Người đứng đầu chính quyền Đài Loan Tưởng Giới Thạch thị sát Kim Môn (Ảnh: Dwnews).

Người đứng đầu chính quyền Đài Loan Tưởng Giới Thạch thị sát Kim Môn (Ảnh: Dwnews).

Tin cho biết, các quan chức cấp cao của Mỹ vào thời điểm đó vẫn nhất trí đồng ý rằng nếu Trung Quốc đại lục có thêm hành động tấn công Đài Loan, để tránh một "cuộc xung đột thông thường kéo dài" tương tự như Chiến tranh Triều Tiên, quân đội Mỹ vẫn có thể tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân.

Một số tài liệu do Mỹ giải mật trước đó cho thấy khi đó Bộ Tư lệnh Lực lượng Không quân Chiến lược Mỹ (Strategic Air Command, SAC) đã thông báo cho các cơ quan cấp dưới của họ rằng một khi xung đột leo thang, 5 máy bay ném bom chiến lược sẽ chuẩn bị sử dụng bom nguyên tử chiến thuật loại 10 KT đến 15 KT để tấn công sân bay Hạ Môn ở tỉnh Phú Kiến. New York Times cho rằng thông tin được Ellsberg tiết lộ lần này cho thấy quy mô của kế hoạch chiến tranh hạt nhân được quân đội Mỹ xem xét trong chiến dịch Pháo kích Kim Môn thực sự lớn hơn và nguy hiểm hơn nhiều so với những gì đã được giải mật và biết tới trước đó.

Ông Odd Westad, nhà sử học nghiên cứu về Chiến tranh Lạnh và Vấn đề Trung Quốc tại Đại học Yale cho rằng, những thông tin này đã được kiểm duyệt và có ý nghĩa quan trọng cả trong lịch sử cũng như hiện tại. Ông cho rằng điều này khẳng định rằng trong chiến dịch Pháo kích Kim Môn năm 1958 của Trung Quốc đại lục, Mỹ đã tiến gần hơn đến việc sử dụng vũ khí hạt nhân so với tưởng tượng ​​của thế giới bên ngoài.

"Ít nhất theo quan điểm của tôi, điều này khẳng định rằng trong cuộc khủng hoảng năm 1958, Mỹ đã tiến rất gần đến việc sử dụng vũ khí hạt nhân, ngoài suy nghĩ của tôi", ông nói. "Về những gì thực sự xảy ra, điều này đáng nói hơn những gì chúng ta đã thấy".

Chuyên gia phân tích quân sự Daniel Ellsberg năm 1973 (Ảnh: New York Times).

Chuyên gia phân tích quân sự Daniel Ellsberg năm 1973 (Ảnh: New York Times).

Tuy nhiên, vào năm 1958, quân đội Trung Quốc đã ngừng cuộc tấn công trên các hòn đảo này và chấp nhận việc để chúng cho quân đội Quốc Dân Đảng của Tưởng Giới Thạch ở Đài Loan kiểm soát, do đó đã làm dịu cuộc khủng hoảng. Hơn 60 năm sau, địa vị của Đài Loan - và việc Mỹ sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân để bảo vệ Đài Loan - vẫn còn mơ hồ về mặt chiến lược.

Ông Westad so sánh những tài liệu này với những căng thẳng hiện nay — sức mạnh quân sự thông thường của Trung Quốc hiện đã vượt xa so với năm 1958 và họ đã có vũ khí hạt nhân — ông nói, những tài liệu này cung cấp tư liệu để nhắc nhở mọi người về sự nguy hiểm của leo thang đối đầu trong vấn đề Đài Loan.

(Theo Dwnews, New York Times).