Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) Nguyễn Hùng Linh vừa bị truy tố về các tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” khi còn làm tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Du lịch - Thương mại tỉnh Kiên Giang (KTC, doanh nghiệp 100% vốn nhà nước).
Quá hám lợi
TAND tỉnh Kiên Giang cho biết trong tháng 11-2015 sẽ xét xử sơ thẩm vụ án xảy ra tại KTC với bị cáo Nguyễn Hùng Linh cùng các bị cáo khác, gồm: Lê Nguyễn Hoàng Nam, Đỗ Hiếu Liêm, Phan Văn Trinh, Huỳnh Vũ Anh, Âu Tấn Việt và Lê Thị Thanh Diễm với các tội danh “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi thi hành công vụ”, “Thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, “Cố ý làm trái quy định của nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
KTC được UBND tỉnh Kiên Giang thành lập vào năm 2006, có chức năng xuất khẩu gạo, đầu tư tài chính... Từ năm 2008 đến 2013, Linh cùng trưởng phòng kế hoạch kinh doanh là Nam lập 3 công ty (do người thân đứng tên) để lấy gạo từ KTC xuất khẩu theo kiểu “mượn đầu heo nấu cháo”, vốn điều lệ do Linh giữ 60%, còn lại là của Nam với tài sản có từ vốn vay ngân hàng.
Khi gặp đối tác tốt, Linh và Nam lấy gạo của KTC (gửi ở kho của Công ty TNHH Việt Phong tại tỉnh Tiền Giang, do Lê Thị Thanh Diễm làm giám đốc) để xuất khẩu. Khi có hợp đồng với giá xuất khẩu tốt, Nam mời khách hàng về các công ty của mình và Linh thành lập để trục lợi; giá xuất khẩu bất lợi thì Nam giới thiệu khách hàng đến KTC.
Đầu tháng 11-2013, Công ty Kiên An Phú (1 trong 3 công ty do Nam và Linh thành lập) ký hợp đồng xuất khẩu cho Công ty World Trade LLC (Mỹ) 3.300 tấn gạo với giá 377 USD/tấn. Khi giao được 400 tấn, Công ty Kiên An Phú chịu nợ số lượng còn lại vì lý do gạo trong nước đang có giá cao nên nếu tiếp tục giao sẽ lỗ nặng. Nam và Linh bàn nhau kéo đối tác này về ký hợp đồng với KTC. Sau đó, Linh ủy quyền cho cấp phó là Nguyễn Thanh Tùng ký 2 hợp đồng xuất khẩu với hơn 1.600 tấn gạo theo hình thức đối tác phải đưa tiền trước 100% giá trị mới được nhận hàng.
Tuy nhiên, Công ty World Trade LLC không trả tiền cho KTC, nhiều khả năng muốn cấn trừ nợ đối với Công ty Kiên An Phú trước đó. Thay vì thu số tiền Kiên An Phú nợ World Trade LLC để trả lại cho KTC thì Nam lấy khoản tiền này trả nợ ngân hàng. Hậu quả, KTC mất trắng hơn 13 tỉ đồng, trong khi Nam và Linh chia nhau gần 15 tỉ đồng từ tiền nợ của Công ty Kiên An Phú với đối tác.
Bị can Nguyễn Hùng Linh |
Tạo điều kiện cho người khác lừa đảo
Từ năm 2008, KTC bắt đầu ký hợp đồng mua gạo của Công ty TNHH Việt Phong và dùng kho của công ty này làm chỗ trữ. Do làm ăn thua lỗ và thiếu nợ 100 tỉ đồng nên Diễm gặp Nam, yêu cầu được tiếp tục là nhà cung ứng gạo cho KTC với điều kiện KTC phải cho ứng trước 90% giá trị hợp đồng.
Chỉ 10 ngày sau, Nam đã cho Diễm ký 4 hợp đồng với 9.900 tấn gạo cùng tiền tạm ứng hơn 65 tỉ đồng. Sau khi nhận tiền, Diễm không mua gạo mà lấy hơn 29 tỉ đồng đem trả nợ cho nhiều doanh nghiệp và cá nhân khác. Số tiền còn lại, Diễm mua gạo nhưng đem bán lòng vòng, chỉ giao cho KTC 1.000 tấn rồi tuyên bố vỡ nợ. Ngay sau đó, KTC kịp thu hồi thêm 1.000 tấn gạo của Diễm cùng 1 căn nhà trị giá hơn 1 tỉ đồng. Tổng số tiền Diễm còn chiếm đoạt của KTC là hơn 50 tỉ đồng.
Ngoài ra, theo kết luận giám định của Sở Tài chính tỉnh Kiên Giang, từ tháng 2-2009 đến tháng 5-2010, Công ty TNHH Việt Phong ký 20 hợp đồng với 3 công ty của Nam và Linh nhưng không tạm ứng mà lấy gạo của KTC để 3 công ty này xuất khẩu gần 17.000 tấn, tương đương hơn 108 tỉ đồng. Nam và Linh thu lợi từ các hợp đồng này hơn 2,4 tỉ đồng nhưng gây thiệt hại cho KTC hơn 424 triệu đồng do chịu lãi suất ngân hàng.
Trong quá trình điều tra, cơ quan chức năng xác định Huỳnh Vũ Anh (nhân viên phòng kế hoạch kinh doanh) không làm đúng trách nhiệm trong việc kiểm tra hàng hóa ở kho và xác định số lượng hàng hóa, dù biết rõ Công ty TNHH Việt Phong không có đủ số lượng gạo trong kho như hợp đồng nhưng vẫn ký xác nhận vào biên bản hoặc làm sai quy trình.
Âu Tấn Việt là phó phòng kế hoạch kinh doanh, dù biết World Trade LLC chưa thanh toán tiền cho KTC nhưng vẫn ký thủ tục giao đủ hàng. Đỗ Hiếu Liêm, phó tổng giám đốc (đã nghỉ hưu) và Phan Văn Trinh, phó phòng kế hoạch kinh doanh, thiếu trách nhiệm trong kiểm tra, đánh giá năng lực, khả năng tài chính của Công ty TNHH Việt Phong, để cho giám đốc công ty có cơ hội lừa đảo chiếm đoạt tài sản của KTC.
Theo đề nghị của VKSND tỉnh Kiên Giang, các bị can trong vụ án này phải hoàn trả toàn bộ số tiền chiếm đoạt để khắc phục hậu quả.
Cụ thể: Lê Thị Thanh Diễm phải nộp hơn 50 tỉ đồng, Nguyễn Hùng Linh gần 10 tỉ đồng, Lê Nguyễn Hoàng Nam hơn 5,3 tỉ đồng.
Theo VNN