Trung Quốc và nguy cơ phân cực vũ trụ ảo

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Trong tương lai, vũ trụ ảo có thể chia làm hai: Trung Quốc và phần còn lại của thế giới.

Khi Mark Zuckerberg thông báo vào tháng 10/2021 rằng Facebook sẽ đổi tên thành Meta Platforms, tin tức không chỉ gây ra các con sóng tại Silicon Valley. Chỉ trong một đêm, nó trở thành chủ đề nóng hổi tại Trung Quốc, gây ra các cuộc tranh luận giữa những nhà sáng lập, nhà đầu tư và doanh nghiệp.

Tầm nhìn metaverse của nhà sáng lập Tencent

Không bất ngờ khi ý tưởng vũ trụ ảo (metaverse) lại khiến cộng đồng công nghệ Trung Quốc hào hứng như vậy. Cứ vài năm, một chủ đề mới xuất hiện kéo theo cơ hội tập hợp nhân tài và nguồn vốn. Khả năng “cưỡi sóng” hay thậm chí là định hình, dẫn dắt chúng tương đương với sức mạnh nắm bắt vận may. Metaverse hứa hẹn cả một thế giới mới để khám phá, chinh phục ngoài smartphone, cơ hội để đi trước những “gã khổng lồ” công nghệ ngày nay hướng tới thống trị điện toán di động.

Các sản phẩm AI xuất hiện tại hội thảo nhà phát triển AI thường niên của Baidu ngày 27/12/2021. (Ảnh: Baidu)

Các sản phẩm AI xuất hiện tại hội thảo nhà phát triển AI thường niên của Baidu ngày 27/12/2021. (Ảnh: Baidu)

Theo tác giả cuốn sách “Influence Empire: Inside the Story of Tencent and China’s Tech Ambition” - LuLu Chen, trong giới công nghệ, các chủ đề đầu tư chỉ diễn ra trong vài năm, từ mạng xã hội trên máy tính, game di động, dịch vụ trực tuyến sang ngoại tuyến và nay là metaverse. Pony Ma Huateng, Chủ tịch kiêm nhà sáng lập tập đoàn Tencent, luôn đi trước một bước.

Với quy mô không thua kém Meta, Pony Ma thực chất đã vạch ra tầm nhìn về một thứ không khác vũ trụ ảo sớm hơn tuyên bố của Zuckerberg vài tháng. Ông gọi đó là “Quan Zhen”. Dù mới được định nghĩa một cách mơ hồ, Quan Zhen sử dụng web để kết hợp sản xuất và làm việc, lặp lại nhiều khía cạnh trong tầm nhìn của nhà sáng lập Facebook. Dù vậy, nó có thể được triển khai theo hướng khác biệt vì ra đời ngay dưới sự giám sát của Bắc Kinh.

Thuật ngữ metaverse xuất hiện lần đầu trong cuốn tiểu thuyết Snow Crash năm 1992 của Neal Stephenson. Stephenson mường tượng một thế giới dựa trên chủ nghĩa tư bản vô chính phủ. Tuy nhiên, metaverse ngoài đời lại có thể chia làm đôi: Trung Quốc và phần còn lại của thế giới. Tương tự như Internet, nền kinh tế lớn thứ hai hành tinh có xu hướng bảo vệ công dân với phần còn lại của metaverse toàn cầu.

Ngành công nghiệp Internet phát triển được như ngày nay một phần vì chính sách quản lý tương đối dễ thở phía sau bức tường lửa của Trung Quốc. Nước này bận tâm hơn đến kiểm soát dầu mỏ, khí đốt, viễn thông, tài chính và truyền thông truyền thống. Các doanh nghiệp trong nước và tư bản phương Tây đã tìm ra công thức kết hợp giữa công nghệ và vốn toàn cầu với dân số đông đảo nhất địa cầu.

Thách thức từ phía nhà quản lý

Metaverse là câu chuyện khác. Dù quan chức tại các thành phố như Thượng Hải khá tân tiến khi khuyến khích ứng dụng nó trong dịch vụ công, giải trí, game, sản xuất, số khác lại ít lạc quan hơn. Chuyên gia kinh tế học Ren Zeping chỉ ra những nguy cơ của vũ trụ ảo, tố cáo nó có thể dẫn đến tỉ lệ kết hôn và sinh con thấp do mọi người bận rộn giải trí trong thế giới ảo, không cần kết nối với người thân ở đời thực.

Ngay cả những vấn đề phi chính trị như y tế cũng có thể khiến một ngành nào đó bị vùi dập. Chẳng hạn, Trung Quốc đang tiến hành cuộc chiến chống cận thị, đổ lỗi cho các hãng game như Tencent vì làm vấn đề thêm trầm trọng. Một thế hệ trẻ em đeo thiết bị thực tế ảo không giúp cho mọi thứ khá hơn.

Những quy định nghiêm khắc về nội dung do người dùng tạo ra cũng hạn chế tiến độ của các nền tảng, giống như đã xảy ra trong quá khứ. Lệnh cấm tiền mã hóa của Trung Quốc phản ánh sự không hài lòng đối với các loại tiền tệ phi tập trung. Với một trải nghiệm hoàn toàn mới mẻ, chắc chắn nhà chức trách sẽ thực hiện nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn những gì mà họ cho là rủi ro với giới trẻ và xã hội.

Dù vậy, các công ty và nhà đầu tư không vì thế mà chùn bước khi nói đến chuyện đầu tư và chuẩn bị cho thứ có thể là “điều lớn lao tiếp theo”. Số lượng hồ sơ đăng ký thương hiệu liên quan đến metaverse tăng gấp ba trong 3 tháng sau khi Zuckerberg đổi tên Facebook, lên hơn 8.500 hồ sơ tại Trung Quốc.

Bản thân Tencent cũng có sự chuẩn bị. Chủ tịch Martin Lau cho biết, công ty sở hữu công nghệ và bí quyết để làm metaverse nhờ vào kinh nghiệm mạng xã hội và game khổng lồ. Họ là người đứng sau nền tảng game Roblox, cho phép người dùng tạo ra các thế giới ảo và được nhiều người xem là phiên bản ban đầu của vũ trụ ảo. Bên trong Tencent, các lãnh đạo dự đoán cần ít nhất 5 năm nữa để mọi người thấy được sự tốt đẹp của công nghệ này.

Trong thập kỷ qua, khi Pony Ma cấu trúc lại Tencent, ông muốn công ty trở nên tương đương với điện và nước của Internet. Dù vậy, trong bữa tiệc cuối năm 2021, ông lại “quay xe” khi nói với nhân viên rằng Tencent chỉ là công ty bình thường, có thể bị thay thế bất kỳ lúc nào, một doanh nghiệp hưởng lợi từ những tiến bộ to lớn của đất nước.

Kinh Dịch đưa ra một lời khuyên khôn ngoan, đó là con rồng quá tự tin sẽ phải hối hận. Nếu thế hệ doanh nhân của Pony Ma dành nửa đầu tiên của cuộc đời để thực hiện ước mơ “cá chép hóa rồng” thì nửa đời còn lại, họ sẽ biết khi nào phải cúi đầu.

Theo Vietnamnet