Theo Bloomberg, các nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc đang xem xét đề nghị sáp nhập nhà mạng China United Network Communications Group và China Telecommunications Corp, nhưng hiện tại chưa có quyết định nào được đưa ra.
Trước thông tin này, cổ phiếu của hai công ty đều tăng giá. Cổ phiếu China Unicom đã tăng 8% còn cổ phiếu China Telecom tăng 6,4%. Giá trị thị trường kết hợp của cả hai công ty tăng lên gần 80 tỷ USD.
Trung tâm của vấn đề chính là công nghệ 5G, một công nghệ không dây tốc độ cao được cho là chiếc chìa khóa cách mạng hóa cách chúng ta sử dụng mọi thứ từ thiết bị gia dụng đến xe hơi. Những lo ngại về việc Trung Quốc có thể chiếm ưu thế khiến Tổng thống Mỹ Donald Trump chặn đứng nỗ lực mua lại nhà sản xuất chip Qualcomm của Broadcom. Đây có thể là vụ thâu tóm lớn nhất ngành công nghiệp công nghệ.
Một đại diện của Unicom từ chối bình luận, trong khi China Telecom cũng không có phản ứng gì khi được hỏi về vụ việc.
Sự hợp nhất giữa Unicom và China Telecom sẽ tạo ra một nhà cung cấp dịch vụ với hơn 590 triệu thuê bao di động. Với số lượng thuê bao này, nhà mạng lớn số 1 và số 2 thế giới sẽ đều là nhà mạng của Trung Quốc. Hiện nay, China Mobile đang là nhà mạng lớn nhất thế giới. Đề xuất sáp nhập này được cho là nhằm tăng tốc khả năng triển khai dịch vụ mạng 5G, và nó được thúc đẩy bởi tham vọng của chính phủ Trung Quốc, bởi vì một công ty kết hợp có thể đầu tư dễ dàng hơn so với hai công ty riêng biệt.
Sáp nhập hai nhà mạng để ưu tiên phát triển 5G
Một thỏa thuận sáp nhập như vậy có thể không hoàn toàn bất ngờ đối với các nhà phân tích như Edison Lee của Jefferies Hong Kong Ltd. Edison Lee đã nói về khả năng sáp nhập giữa hai công ty từ tháng 7 và gần đây hơn là vào tháng 8. Các phương tiện truyền thông Trung Quốc cũng đã suy đoán về một vụ sáp nhập có thể xảy ra, mặc dù các nhà điều hành của Unicom và China Telecom cố gắng phủ nhận điều đó.
Chính phủ Trung Quốc đã cân nhắc sáp nhập hai hãng hàng không trong nhiều năm qua, tuy nhiên tình trạng căng thẳng leo thang với Mỹ đã làm tăng tính khẩn cấp của vấn đề này. Chẳng hạn như, lệnh cấm gần đây của Mỹ với ZTE, gần như đã làm ZTE tê liệt do sự phụ thuộc vào công nghệ của Mỹ. Đó là lý do khiến Trung Quốc càng ưu tiên hơn cho phát triển 5G.
Việc sáp nhập cũng sẽ cho thấy chính phủ Trung Quốc sẽ sẵn sàng hy sinh lợi ích của cuộc cạnh tranh địa phương để ưu tiên tốc độ áp dụng 5G, bằng cách giảm số lượng các nhà khai thác điện thoại xuống còn hai nhà mạng. Hầu hết các thị trường trên toàn thế giới đều có từ ba đến bốn nhà mạng.
Trung Quốc hiện có 3 nhà mạng là China Telecom, China Unicom và China Mobile
|
Trung Quốc đang có phần gặp thất bại, khi Huawei, nhà sản xuất thiết bị lớn nhất thế giới cho các mạng điện thoại và ZTE đều đã bị cấm hồi tháng trước khi bán thiết bị của họ cho một đồng minh của Mỹ. Ngoài ra, Úc cũng ra lệnh cấm tượng tự với lý do lo ngại về an ninh.
Đối lập với thỏa thuận Broadcom-Qualcomm, Mỹ cho rằng việc sáp nhập có thể sẽ cắt giảm chi tiêu của Qualcomm cho nghiên cứu và phát triển, gián tiếp mang lại cho Huawei lợi thế lớn hơn trong cuộc đua phát triển các thiết bị và tiêu chuẩn không dây 5G.
Ảnh hưởng của Trung Quốc
Thỏa thuận này sẽ "mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc lên quá trình thiết lập tiêu chuẩn 5G", Ủy ban Đầu tư nước ngoài của Mỹ nói và cho rằng với những mối lo ngại về an ninh quốc gia của Mỹ về Huawei và các công ty viễn thông Trung Quốc khác, sự thay đổi chiều hướng thống trị sang Trung Quốc sẽ có những hậu quả nghiêm trọng về an ninh quốc gia.
Viễn thông là một phần của chương trình "Made in China 2025" của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, nhằm biến Trung Quốc trở thành nhà lãnh đạo trong một loạt các ngành công nghiệp công nghệ cao. Trung Quốc hiện chỉ dẫn trước Mỹ và Hàn Quốc một tỷ lệ rất nhỏ về sự sẵn sàng 5G, nhờ vào các chính sách chủ động của chính phủ và động lực của ngành, theo một báo cáo của công ty nghiên cứu Analysys Mason.
Ngoài địa chính trị, việc sáp nhập giữa Unicom và China Telecom sẽ tạo thành thách thức đáng gờm hơn đối với China Mobile, hãng đang có hơn 900 triệu thuê bao, trong thị trường điện thoại di động lớn nhất thế giới.
Theo Bloomberg