Theo Tân Hoa xã, PBoC tuyên bố điều chỉnh tỷ giá đồng NDT từ mức 6.1162 NDT đổi được 1 USD xuống còn 6,2298 NDT đổi được 1 USD. Đây là mức giá đồng NDT thấp nhất trong gần ba năm qua. PBoC khẳng định giá đồng NDT vẫn tương đối mạnh so với các đồng ngoại tệ khác.
Ngay lập tức, thị trường tài chính toàn cầu chấn động. Bloomberg đưa tin đồng tiền các nước Singapore, Úc và Hàn Quốc đồng loạt giảm ít nhất 1% do giới đầu tư dự báo các nước sẽ điều chỉnh tỷ giá để đảm bảo hàng xuất khẩu nước mình giữ được tính cạnh tranh. Giá đồng rupee Ấn Độ và yen Nhật cũng giảm.
Cứu nền kinh tế
Giá cổ phiếu của các hãng hàng không Trung Quốc sụt giảm mạnh trước nguy cơ gánh nợ tính theo đồng USD trở nên nặng nề hơn. Giá các loại hàng hóa sụt giảm trước tin đồn đồng NDT suy yếu sẽ làm xói mòn sức mua của người tiêu dùng Trung Quốc.
Nhà kinh tế Liu Li-Gang của ngân hàng ANZ tại Hong Kong nhận định Trung Quốc đột ngột phá giá đồng NDT do xuất khẩu nước này sụt giảm mạnh hồi tháng 7 và nguy cơ giảm phát gia tăng. Mới đây chính quyền Trung Quốc thông báo xuất khẩu tháng 7 sụt tới 8,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giới quan sát cho rằng việc Trung Quốc phá giá đồng NDT cho thấy rõ sự lo ngại của chính quyền nước này với tình hình kinh tế hiện nay. Đồng NDT suy yếu sẽ giúp tăng tính cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu Trung Quốc, giảm bớt sức ép đang đè nặng lên các nhà xuất khẩu nước này.
Trong năm 2014, GDP Trung Quốc chỉ tăng 7,4%, mức thấp nhất kể từ năm 1990. GDP nửa đầu năm nay đạt 7%, nhưng giới kinh tế cho rằng tăng trưởng thực sự của Trung Quôc thấp hơn trên thực tếvà Bắc Kinh “tô hồng” số liệu GDP để tránh phản ứng của dư luận trong nước.
Các tổ chức như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) đều dự báo GDP Trung Quốc năm 2015 có thể sẽ không đạt được mức 7% như kế hoạch đã đề ra. Với một quốc gia trên 1,3 tỷ dân như Trung Quốc, một sự sụt giảm nhỏ ở GDP cũng dẫn tới cảnh hàng chục triệu lao động mất việc làm.
Trong thời gian qua, Trung Quốc liên tục giảm lãi suất để kích thích nền kinh tế, nhưng biện pháp này không đem lại nhiều hiệu quả cụ thể. Vì những lý do trên, PBoC đã gây bất ngờ khi phá giá đồng NDT. Trước đó, nhiều chuyên gia dự báo Trung Quốc sẽ không áp dụng biện pháp này vì muốn thúc đẩy vai trò của đồng NDT như một đồng tiền dự trữ quốc tế.
Nguy cơ chiến tranh tiền tệ
Giới chuyên gia cảnh báo động thái của Trung Quốc sẽ châm ngòi cho một cuộc “chiến tranh tiền tệ”. Bloomberg dẫn lời nhà phân tích Stephen Roach thuộc ĐH Yale, cựu quan chức ngân hàng Morgan Stanley, cho biết chắc chắn các cường quốc xuất khẩu ở châu Á sẽ tìm cách giảm giá đồng tiền của mình để đảm bảo sự cạnh tranh của hàng xuất khẩu.
“Khó mà tin rằng Trung Quốc sẽ chỉ điều chỉnh giá đồng NDT một lần duy nhất. Do nền kinh tế toàn cầu đang suy yếu, việc giảm giá gần 2% sẽ không thể kích thích hàng xuất khẩu của Trung Quốc. Điều đó dẫn đến nguy cơ chiến tranh tiền tệ bùng nổ và lan rộng” - ông Roach nhấn mạnh.
Quyết định của Trung Quốc cũng có thể sẽ khiến quan hệ của nước này với Mỹ trở nên căng thẳng hơn. Trước đó các nghị sĩ và quan chức Mỹ nhiều lần chỉ trích Trung Quốc thao túng giá đồng NDT để giành lợi thế thương mại thiếu công bằng. Giá đồng NDT giảm sẽ giúp hàng xuất khẩu Trung Quốc cạnh tranh hơn, và chắc chắn các nhà sản xuất Mỹ sẽ lên tiếng phản ứng dữ dội.
Nhiều khả năng giá đồng NDT sẽ là một đề tài nóng khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến thăm Mỹ và hội kiến Tổng thống Mỹ Barack Obama vào tháng 9 tới.
NGUYỆT PHƯƠNG theo Tuổi Trẻ