Xây dựng, vận hành trên cơ sở chia sẻ lợi nhuận
Ngày 13/3, đoàn chuyên gia cố vấn Hàn Quốc đã có buổi giới thiệu về tầm nhìn phát triển của Thành phố Cần Thơ với chuyên đề "Hơn cả điều mong ước".
Tại đây, đoàn đã thông tin về dự án mà phía Tổng công ty Xây dựng Trung Quốc mong muốn có sự hợp tác là dự án xây dựng đường sắt từ Cần Thơ tới Phnom Penh, Siêm Riệp.
Ông Kim Hak Min - Trưởng khoa Hợp tác công nghệ, Trường Đại học Soon Chun Hyang, cố vấn đặc biệt cho Thành phố Cần Thơ, thông tin thêm: “Tôi nghĩ vấn đề liên quan đến dự án đường sắt này, Tổng công ty xây dựng Trung Quốc có thể bỏ tiền ra xây dựng dự án này. Sau khi xây dựng dự án xong có thể cùng với các đơn vị có chức năng của Chính phủ VN để vận hành trên cơ sở là chia sẻ lợi nhuận”.
Bên cạnh đó, ông Kim Hak Min cũng chỉ rõ, hiện hạ tầng giao thông của TP Cần Thơ khá tốt với đường hàng không, đường cao tốc và sông ngòi nhưng cần có thêm đường sắt để phát triển. Hệ thống đường sắt sẽ khiến giảm chi phí vận chuyển, vì thế sẽ thu hút đầu tư vào TP Cần Thơ và giúp gia tăng tốc độ đô thị hóa cho thành phố.
Đưa ra lý do chọn nhà đầu tư Trung Quốc thay vì Nhật Bản, ông Kim nhận định, đường sắt của Nhật làm tốn nhiều tiền và thời gian hơn so với Trung Quốc. Ví dụ 100m đường sắt của Nhật tốn hết 100.000 USD thì của Trung Quốc chỉ khoảng 70.000 USD.
Kết luận, ông Trần Thanh Mẫn - Bí thư Thành ủy Cần Thơ cho biết, nếu phía công ty ông Kim giới thiệu có nhã ý muốn xây dựng đường sắt thì cứ gửi thư quan tâm qua để lãnh đạo TP kiến nghị Bộ GTVT và Chính phủ xem xét về công nghệ và hiệu quả.
Tham vọng đường sắt Trung Quốc
Trước đó, để thực hiện được giấc mơ đường sắt, Trung Quốc liên tiếp có được hàng loạt các dự án đường sắt trị giá nhiều tỷ USD trên khắp thế giới.
Ngày 20/11/2014, Tập đoàn Xây dựng đường sắt Trung Quốc (CRCC) đã có hợp đồng chính thức với Chính phủ Nigeria để xây dựng một tuyến đường sắt dài hơn 1.400 km dọc bờ biển quốc gia này, có giá trị 12 tỷ USD.
Trong khi, Trung Quốc và Nga cũng mới vừa có thêm một dự án xây dựng tuyến đường sắt kỷ lục với tổng giá trị đầu tư khoảng 150 tỷ USD nối Bắc Kinh - Moscow. Dù Nga là đơn vị thi công, nhưng Trung Quốc rót tới 85 tỷ USD vốn đầu tư.
Ngoài những hợp đồng có giá trị "khủng" kể trên, Trung Quốc còn có một loạt các hợp đồng xây dựng đường sắt ở Châu Âu, châu Phi, Đông Nam Á, Trung Á...
Trước động thái này của Trung Quốc, chia sẻ với Đất Việt, PGS.TS. Lưu Ngọc Trịnh - Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và chính trị thế giới lý giải: "Trung Quốc muốn đầu tư ồ ạt vào đường sắt, đơn giản, bởi vì đường sắt là huyết mạch của nền kinh tế, giữ vị trí quan trọng số 1. Bởi nó có thể vận chuyển nhiều hàng hóa, với tốc độ tốt, hơn thế tất cả hàng hóa siêu trường, siêu trọng đều vận chuyển bằng đường sắt, hơn thế những hàng hóa này còn có vị trí quan trọng trong 1 nhà máy, 1 đơn vị".
Hơn hết, theo ông Trình, TQ nhằm tới mấy mục đích: Một là, mở ra thị trường tiêu thụ cùng hệ thống đường sắt hàng chục tỷ USD, kèm theo đó ít nhất cũng phải 1 nửa hoặc hơn 1/3 hàng hóa phải mua từ TQ.
Hai là, đưa người qua giải quyết công ăn việc làm cho công nhân, như dự án Nigeria hơn 12 tỷ USD cũng phải hơn 200.000 người lao động, trong đó có lao động địa phương, nhưng lao động TQ chiếm một nửa.
Thêm vào đó, tuy điều kiện viện trợ của TQ đơn giản, nhưng đằng sau nó lại là vấn đề khác, như đối với các nước đang phát triển thì đều có lãi suất thấp, nhưng điều kiện là không được can thiệp vào việc nội bộ. Khi TQ đã cho 1 chân vào như 1 con cáo, thì sẽ gây ra các tệ nạn còn kinh khủng hơn như tham nhũng, dung túng cho quan chức...
Trong khi đó, TS Bùi Ngọc Sơn - Trưởng phòng Kinh tế thế giới, Viện Nghiên cứu chính trị thế giới cũng cho rằng: "Hiện nay, ở những nơi nào TQ cho rằng họ cần nắm giữ rất chắc chắn các vấn đề kinh tế chính trị, ở những quốc gia quan trọng, đem lại lợi ích cho TQ thì họ rất chú trọng đầu tư".
Để đối phó trước những nguy cơ, ông Sơn khẳng định: "Bản thân các nước phải chứng tỏ sự minh bạch của các vấn đề, nếu cảm thấy có nghi ngại về các vấn đề an ninh không rõ ràng, các ràng buộc quá khó thì phải chấm dứt đừng có tham".
Theo Đất Việt
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu