Trung Quốc - 'mỏ' đào Bitcoin lớn nhất thế giới

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Giới đam mê ca ngợi Bitcoin là tài sản kỹ thuật số phi tập trung, nhưng phần lớn sức mạnh tính toán để duy trì những hệ thống này lại tập trung ở Trung Quốc.

Nghiên cứu của Trung tâm Cambridge về Tài chính Thay thế (CCAF) cho thấy 70% năng lực khai thác (hashrate) của mạng lưới Bitcoin đang nằm tại Trung Quốc. Hoạt động này xuất hiện ở một vài khu vực nhất định với chi phí thuê bất động sản thấp, thời tiết ôn hòa và giá điện rẻ.

Khu tự trị Nội Mông chiếm 8% hashrate toàn cầu, trước khi chính quyền địa phương hồi tháng 3 thông báo sẽ truy quét và giải tán các mỏ đào Bitcoin. Các cơ sở đào Bitcoin có hai tháng để tìm kiếm và chuyển địa điểm. Biện pháp này dường như rất đáng ngại với các thợ đào, nhưng nhiều chuyên gia lại coi đây là điều tốt cho toàn hệ thống Bitcoin.

Một khu nhà máy đào Bitcoin tại vùng Nội Mông. Ảnh: IEEE.
Một khu nhà máy đào Bitcoin tại vùng Nội Mông. Ảnh: IEEE.

Quá trình chuyển dịch từ Nội Mông sẽ phá vỡ thế tập trung của ngành đào tiền ảo, giảm nguy cơ dẫn đến "thiên nga đen" - hiện tượng kinh tế ít xảy ra và không thể dự báo trước, dẫn đến những cú sốc lớn trong thời gian ngắn cho nền kinh tế. Một trong những sự kiện "thiên nga đen" diễn ra hồi tháng 4 khi một mỏ than ở Tân Cương bị ngập nước, dẫn tới mất điện diện rộng và khiến nhiều mỏ đào Bitcoin ngừng hoạt động, vô hiệu hóa tới một phần ba hashrate toàn hệ thống.

Lệnh cấm ở Trung Quốc cũng có khả năng thúc đẩy hoạt động khai thác tiền ảo ở Mỹ, trong bối cảnh thợ đào nước này tìm những khu vực có phương pháp quản lý ổn định hơn ở nước ngoài.

Ngành kinh doanh ô nhiễm

Các mỏ đào Bitcoin về cơ bản là những trung tâm dữ liệu khổng lồ, mỗi cơ sở chứa hàng nghìn máy tính. Nghiên cứu của Đại học Cambridge ở Anh cho thấy các doanh nghiệp đào Bitcoin toàn cầu tiêu thụ nhiều điện hơn cả một quốc gia như Argentina và Ukraine.

Các nhà máy nhiệt điện chạy than của Trung Quốc chiếm hơn nửa sản lượng điện toàn cầu trong năm 2020. Nội Mông là khu vực sản xuất nhiều than nhất Trung Quốc, cũng là địa điểm ưa thích của giới đào Bitcoin nhờ giá điện rẻ và nguồn cung ổn định.

Dù vậy, chính sách kiểm soát năng lượng của Trung Quốc đang dần thay đổi. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình năm ngoái cam kết nước này sẽ đạt mức phát thải trung tính carbon vào năm 2060, các chính quyền địa phương được giao mục tiêu cắt giảm phát thải để hoàn tất kế hoạch này.

Nội Mông là vùng duy nhất không đạt mục tiêu cắt giảm trong năm 2019, khiến giới chức bị chính quyền trung ương phê bình. Chính quyền Nội Mông sau đó tuyên bố 21 trong 30 mỏ đào Bitcoin trong khu vực là "không đủ điều kiện" và cắt ưu đãi giá điện. Hoạt động khai thác Bitcoin bị cấm hoàn toàn từ tháng 3 năm nay.

"Tôi tin rằng lệnh cấm ở Nội Mông chỉ là sự kiện đơn lẻ, không ảnh hưởng tới các mạng lưới đào Bitcoin khác", Da Hongfei, người sáng lập nền tảng blockchain Neo, cho hay. Nhiều mỏ đào đã chuyển tới những khu vực khác trên lãnh thổ Trung Quốc.

Hướng về phía Tây

Các điểm nóng đào Bitcoin khác ở Trung Quốc có Tân Cương và Tứ Xuyên. Tân Cương mang tới nhiều lợi ích như Nội Mông, khu vực này chiếm 40% dự trữ than đá của Trung Quốc và có diện tích đất rộng gần 1,7 triệu km vuông, gấp ba lần nước Pháp.

Diện tích đất lớn giúp giá thuê bất động sản duy trì ở mức thấp. Bất chấp điều đó, các mỏ đào Bitcoin dường như đều tập trung ở một khu vực tương đối nhỏ. Vụ mất điện tháng trước chỉ ảnh hưởng 4 trong 61 quận huyện ở Tân Cương, nhưng đã làm gián đoạn 35% hashrate toàn cầu.

Tuy nhiên, Whit Gibbs, nhà sáng lập và CEO dịch vụ đào Bitcoin Compass Mining, cho rằng hashrate bất ngờ sụt giảm không hẳn là điều xấu khi nó cho phép thợ đào ở các khu vực khác kiếm được nhiều tiền hơn.

"Bitcoin có hàng loạt biện pháp tự điều chỉnh kinh tế để bảo đảm hoạt động trong những giai đoạn như vậy. Khi một số mỏ đào ngừng hoạt động, độ khó của thuật toán sẽ giảm xuống và mang lại nhiều lợi nhuận hơn cho những hệ thống còn hoạt động", ông nói.

Bên trong một mỏ đào Bitcoin. Ảnh: ENR.
Bên trong một mỏ đào Bitcoin. Ảnh: ENR.

Hoạt động khai thác Bitcoin ở Trung Quốc đã quen với những đợt ngừng vận hành diện rộng. "Các thợ đào ngừng hoạt động ít nhất hai lần mỗi năm, mỗi lần kéo dài vài tuần khi họ chuyển từ Tứ Xuyên đến Nội Mông hoặc ngược lại", Gibbs nói.

Thợ đào ở Tứ Xuyên dựa chủ yếu vào thủy điện, vốn có giá rẻ hơn vào mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10. Khi mùa khô bắt đầu và giá điện tăng, họ sẽ chuyển đến những vùng sử dụng nhiệt điện như Nội Mông và Tân Cương. "Phần lớn thợ đào từng đóng chốt ở Nội Mông đã chuyển đến Tứ Xuyên. Chính quyền ở đó thành công trong việc thúc đẩy phát triển blockchain mà vẫn đạt mục tiêu cắt giảm phát thải", Da nói.

Gibbs cho rằng lệnh cấm ở Nội Mông sẽ buộc giới cày Bitcoin tìm những địa điểm mới khi mùa mưa ở Tứ Xuyên kết thúc, một số thậm chí còn đang di chuyển đến Mỹ.

Điểm đến mới tại Mỹ

Mỏ đào Bitcoin đơn lẻ lớn nhất thế giới nằm tại Rockdale, bang Texas, Mỹ, và thuộc sở hữu của công ty Đức Northern Data. Công ty Bitmain của Trung Quốc cũng xây một mỏ đào có diện tích bằng ba sân bóng đá tại Rockdale hồi năm 2019.

Giới đào Bitcoin tập trung ở Texas một phần vì giá điện rẻ và chính sách khuyến khích công nghệ. Thống đốc Greg Abbott từng tuyên bố bang Texas cần "dẫn đầu ngành tiền ảo như thời đào vàng". Tuy nhiên, năng lực đào Bitcoin tại Mỹ vẫn kém xa Trung Quốc khi chỉ chiếm gần 5,3% hashrate toàn cầu trong giai đoạn tháng 9/2019 đến tháng 4/2021.

Khả năng thay đổi chính sách quản lý trong chớp nhoáng tại Trung Quốc khiến nước này khó thu hút những doanh nghiệp mới nhảy vào ngành khai thác tiền điện tử. Mỹ lại có lợi thế nhờ các chính sách chậm thay đổi và dễ đoán. Nhưng điều đó không có nghĩa là Mỹ có thể sớm vượt qua Trung Quốc về hashrate.

"Trung Quốc vẫn luôn duy trì lợi thế về năng lực khai thác, tôi không nghĩ khu vực Bắc Mỹ có thể vượt qua họ. Trung Quốc mang tới nhiều cơ hội nếu bạn có thể kịp thích nghi", Olga Kochmar, CEO công ty đào tiền ảo Zionodes, nhận xét.

Theo VnExpress