Đặt chân lên mặt trăng được coi là cột mốc, bước nhảy đột phá của con người trong quá trình chinh phục và khám phá vũ trụ. Có thể nói, năm 2018 sẽ là năm hứa hẹn nhiều điều thú vị, khi mà Trung Quốc khởi động sứ mạng khám phá Mặt Trăng mang tên CLEP hay với tên gọi khác là Chang’e 4.
Chương trình này đã gởi 2 tàu xoay quanh quỹ đạo và 1 tàu thăm dò hạ cánh xuống bề mặt Mặt Trăng. Trong sứ mạng mang tên Chang’e 4, Trung Quốc sẽ tiếp cận tới những vùng xa hơn trên Mặt Trăng để nghiên cứu địa chất và tác động của trọng lực trên Mặt Trăng đối với côn trùng và thực vật.
Thiết kế trưởng của dự án cho biết: “Khoang chứa trong Chang’e 4 sắp tới sẽ chứa khoai tây, hạt cải Arabidopsis và trứng tằm lên bề mặt Mặt Trăng. Những quả trứng sẽ được ấp nở thành tằm, từ đó tạo ra CO2, còn khoai tây và hạt giống sẽ phát ra oxy qua quá trình quang hợp. Từ đó, chúng sẽ tạo nên một hệ sinh thái trên Mặt Trăng.”
Các chuyên gia khám phá không gian đã nhấn mạnh rằng khu vực cực nam chính là nơi lý tưởng để đặt căn cứ nếu muốn xây dựng trên Mặt Trăng. Trên suy nghĩ đó, sứ mạng Chang’e 4 sắp tới của Trung Quốc sẽ điều tra khả năng sinh sống và làm việc của con người trên Mặt Trăng thông qua việc khảo sát một cách chi tiết điều kiện thổ nhưỡng trên đó. Bên cạnh đó, họ còn thử nghiệm khả năng tồn tại và sinh trưởng của thực vật dưới Trái Đất trong điều kiện trọng lực của Mặt Trăng vốn chỉ chỉ bằng 16% so với Trái Đất.
Việc đưa hạt giống và côn trùng giúp ta hiểu được sinh vật phản ứng như thế nào trong điều kiện khắc nghiệt như thế này để có thể chuẩn bị tốt hơn, giúp các nhà thám hiểm trong tương lai tránh những ảnh hưởng tiêu cực không thể lường trước do trọng lực thấp của mặt trăng gây ra. Ngoài sao Hỏa, Mặt trăng vẫn là một điểm đến khả thi cho nghiên cứu không gian trong tương lai. Có thể nói, Mặt trăng là vùng thử nghiệm lý tưởng để khám phá thế giới tự nhiên bên ngoài vùng khí quyển, giúp chúng ta mở rộng tầm nhìn về vũ trụ.