Mỹ, Anh và Australia đã thành lập một khối liên minh an ninh “lịch sử” nhằm tăng cường sức mạnh quân sự ở Thái Bình Dương, cho phép cho chia sẻ các công nghệ quốc phòng tối tân, và đặc biệt là trao công nghệ tàu ngầm nguyên tử cho lực lượng Australia. Động thái này giúp Mỹ tăng cường động lực hợp tác quân sự, và chắc chắn sẽ khiến Trung Quốc tức giận.
Để bắt đầu thỏa thuận đối tác an ninh “Aukus”, tướng lĩnh hải quân và chuyên gia kỹ thuật đến từ 3 quốc gia thành viên sẽ làm việc chung trong vòng 18 tháng tới để trao cho phía Australia công nghệ nguyên tử để phát triển nhiều tàu ngầm “nhằm cải thiện khả năng răn đe trên khắp khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương”, một quan chức cấp cao của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cho hay.
“Chúng tôi coi nỗ lực này như một phần trong kế hoạch nhiều bước, trong đó bao gồm các mối quan hệ đối tác song phương chặt chẽ hơn với các đối tác an ninh truyền thống ở châu Á – Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan và Philippines – và tăng cường cam kết với các đối tác mới, cùng các nhóm mới như Quad (Bộ Tứ)” – vị quan chức này cho hay.
“Đây là một tuyên bố lịch sử. Nó phản ánh sự quyết tâm của chính quyền Biden trong việc xây dựng các mối quan hệ đối tác chặt chẽ hơn để duy trì hòa bình và sự ổn định trên toàn khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương” – vị quan chức nói thêm.
Cả 3 quốc gia cũng sẽ hợp tác trong việc tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI), máy tính lượng tử và khả năng tấn công/phòng thủ dưới mặt nước vào các hoạt động quân sự của họ.
Tại một cuộc họp báo chung với Thủ tướng Australia Scott Morrison và Thủ tướng Anh Boris Johnson, Tổng thống Biden nói rằng sáng kiến này là cần thiết để đảm bảo rằng Mỹ và các đồng minh của họ sở hữu “những khả năng hiện đại nhất mà chúng tôi cần để tự vệ trước những mối đe dọa đang tiến hóa nhanh chóng”.
“Chúng ta cần phải có đủ khả năng giải quyết cả môi trường chiến lược hiện tại trong khu vực và cách mà nó có thể tiến hóa, vì tương lai của mỗi đất nước chúng ta và toàn thế giới, dựa vào một khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và cởi mở, thịnh vượng lâu dài trong nhiều thập kỷ tới” – ông Biden nói.
Các tàu ngầm chạy bằng năng lượng nguyên tử sẽ được chế tạo ở Adelaide, Australia nhờ sự “hợp tác chặt chẽ” với Anh và Mỹ; Thủ tướng Morrison cho hay.
Thủ tướng Anh Johnson thì gọi đây là “một trong những dự án có yêu cầu về kỹ thuật nhiều nhất và phức tạp nhất trên thế giới”.
“Chỉ có một số quốc gia sở hữu tàu ngầm nguyên tử” – ông Johnson nói – “Và đây là một quyết định quan trọng đối với bất cứ quốc gia nào, khi họ có được khả năng này, và có lẽ cũng là quyết định quan trọng với những nước hỗ trợ họ”.
Một cuộc tập trận chung có sự tham gia của các tàu sân bay của nhóm Bộ Tứ tổ chức vào tháng 11/2020 (Ảnh: AP) |
Trung Quốc phản ứng thế nào?
Mặc dù 3 nhà lãnh đạo coi sáng kiến này như nỗ lực nhằm mang tới “sự ổn định” cho khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, không có ai đề cập tới Trung Quốc.
Khi được hỏi rằng việc thành lập “Aukus” có phải nhằm chống lại việc Trung Quốc tăng cường xây dựng quân đội hay không, vị quan chức Mỹ nêu trên nói rằng “nó không nhằm vào bất kỳ quốc gia nào”, thêm rằng “nó nhằm tăng cường các lợi ích chiến lược của chúng tôi, duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật pháp và thúc đẩy hòa bình, sự ổn định ở Ấn Độ-Thái Bình Dương”.
Vị quan chức nói rằng Tổng thống Biden không nhắc tới sáng kiến “Aukus” khi ông điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tuần trước, nhưng lãnh đạo Mỹ “có nhấn mạnh về quyết tâm đóng một vai trò quan trọng ở Ấn Độ-Thái Bình Dương”.
Khi được hỏi về sự hình thành khối liên minh an ninh này, Liu Pengyu, một phát ngôn viên của Đại sứ quán Trung Quốc ở Washington, nói rằng các nước này “không nên xây dựng một khối liên minh nhằm vào hoặc gây tổn hại cho lợi ích của các bên thứ ba”.
“Đặc biệt, họ nên từ bỏ kiểu tâm lý Chiến tranh Lạnh và sự định kiến” – Liu nói.
Mặc dù Bắc Kinh tìm cách nói giảm về thỏa thuận mới khi gọi nó là một động thái tư tưởng hệ lỗi thời, nhưng “rõ ràng” là sáng kiến này mang tầm quan trọng đặc biệt; Orina Skylar Mastro, chuyên gia về chính sách an ninh và quân sự Trung Quốc thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Freeman Spogli, ĐH Stanford, nhận định.
“Không chỉ là một thỏa thuận, mà nó còn cho thấy sự đổi mới trong cách mà các đồng minh và đối tác của Mỹ đang cùng nhau làm việc” – bà Mastro nói – “Nó còn mang ý nghĩa quan trọng hơn là các cuộc tập trận thường xuyên hay phô diễn sức mạnh không quân”.
Thông tin về việc thành lập khối đồng minh ba bên xuất hiện trong lúc mà quân đội Trung Quốc (PLA) tăng cường các cuộc tập trận không quân gần Đài Loan và trên Biển Đông.
Do bối cảnh như vậy mà Bắc Kinh chắc chắn sẽ không thể nào tin vào tuyên bố của chính quyền Biden khi cho rằng “Aukus” không phải là một biện pháp phản ứng nhằm vào Trung Quốc; Bonnie Glaser, Giám đốc chương trình châu Á thuộc Quỹ German Marshall, cho hay.
“Bắc Kinh sẽ xem đây như một phần trong nỗ lực của Mỹ nhằm hình thành các liên minh nhằm vào họ, và họ không sai” – bà nói – “Trung Quốc cần phải nhận ra rằng động thái này sẽ thu hút thêm nhiều quốc gia dân chủ tham gia hợp tác theo cách mới, để bảo vệ các lợi ích của họ”.
Một tàu ngầm lớp Collins của Hải quân Australia tại cảng Sydney năm 2006 (Ảnh: AFP) |
Đòn răn đe đáng gờm của Mỹ
Charles Edel, chuyên gia về các vấn đề an ninh Ấn Độ-Thái Bình Dương, xem tuyên bố thành lập liên minh mới là ví dụ mới nhất cho thấy chính quyền Biden không hề đi theo hướng tiếp cận “cô độc” của chính quyền Donald Trump trước đây khi đối phó với Trung Quốc, và là “một tín hiệu cho thấy Mỹ sẵn sàng đầu tư nhiều hơn cho các đồng minh, so với trước đây”.
“Ván cược ở đây rất rõ ràng, để phản ứng trước sức mạnh đang tăng của Trung Quốc , cần phải có thêm nhiều đồng minh có sức mạnh, và điều đó sẽ tạo sức mạnh răn đe lớn hơn đối với Trung Quốc, cả về mặt quân sự và chính trị” – Edel cho hay.
Trong cuộc họp báo hôm 15/9, Thủ tướng Morrison nhấn mạnh rằng các tàu ngầm mới của họ sẽ chỉ có động cơ đẩy là áp dụng công nghệ nguyên tử, chứ không phải sở hữu vũ khí nguyên tử.
Nhưng chỉ riêng động cơ nguyên tử cũng là đủ để tạo nên lợi thế chiến thuật đáng kể trong trường hợp đối đầu với sự hiện diện quân sự của Trung Quốc ở Ấn Độ-Thái Bình Dương, Edel nói.
Ngoài tăng khả năng tải vũ khí, các tàu ngầm chạy bằng năng lượng nguyên tử cũng có thời lượng hoạt động lâu hơn và có thể duy trì hoạt động ở vùng nước sâu lâu hơn; Edel cho hay. “Khi lặn sâu, chúng khó ị phát hiện hơn, đó cũng là một sự răn đe”, ông nói.
Tiết lộ sự thật đằng sau cú điện đàm giữa Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình
Mỹ tăng cường sức mạnh liên minh chống Trung Quốc
Các sáng kiến địa-chính trị khác mà ông Biden đưa ra kể từ khi nhậm chức, bao gồm nỗ lực tăng cường quan hệ với NATO và G7 và hình thành Bộ Tứ Kim cương, luôn nhằm đối phó với tầm ảnh hưởng đang lên của Trung Quốc.
Vị quan chức chính quyền Biden chỉ ra rằng, cuộc họp mà ông Biden dự kiến tổ chức với ông Morrison và các lãnh đạo khác trong nhóm Bộ Tứ vào tuần tới, cùng với sự hiện diện của tàu sân bay Anh trên Biển Đông trong những tháng gần đây đã cho thấy khối liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu đang được tăng cường.
“Các bạn vừa chứng kiến quân đội Anh triển khai quân lực khắp Ấn Độ-Thái Bình Dương, triển khai thành công tàu sân bay, các tàu hộ tống, rất nhiều chuyến thăm cảng có giá trị” – vị quan chức cho hay – “Các cuộc thảo luận chiến lược của chúng tôi trong những tháng gần đây mang tính cam kết rất cao, để đưa ra một con đường chung tiến về phía trước”.
Việc thành lập “Aukus” tiếp nối một lời cảnh báo được đưa ra bởi một nhóm chuyên gia bao gồm Glaser, cựu phó cố vấn an ninh quốc gia thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Zack Cooper và nhiều chuyên gia phân tích quân sự khác rằng Mỹ cần các quan hệ đối tác quân sự mạnh mẽ hơn trong khu vực.
“Trung Quốc hiện đại hóa quân đội, điều này gây ra thách thức lớn nhất trên thế giới” – họ nói trong một cuốn sách trắng nói về việc Washington nên phản ứng trước những thách thức đến từ Bắc Kinh – “Trung Quốc không phải quân đội duy nhất cạnh tranh với Mỹ… nhưng họ đã phát triển những khả năng dồi dào để có thể chiến đấu hiệu quả ở nhiều khu vực bên trong Chuỗi đảo đầu tiên, cho tới Đài Loan, Philippines ở Biển Đông”.
“Thành công lâu dài sẽ phụ thuộc vào việc Mỹ có sự tiến bộ đáng kể nào không trong ngoại giao với các đối tác mới trong khu vực, những bên đang cảm thấy bị đe dọa bởi tiến trình quân sự hóa quân đội và chiến lược vùng xám của Bắc Kinh, mặc dù nhiều nước có quan hệ tài chính, thương mại, đầu tư chặt chẽ với Trung Quốc” – họ nói thêm.