“Đồng chí chủ nhân”
Việc thi hài Stalin bị đưa ra khỏi lăng khiến những người cộng sản Trung Quốc thấy rất đau đớn, họ cho rằng đó là biểu tượng của sự phản bội đến tận cùng những lý tưởng Mac-Lenin. Thậm chí các đồng chí Trung Quốc còn muốn chuyển thi hài Sta lin về Bắc Kinh.
Dù hàng loạt nhà sử học xác nhận rằng vào nửa cuối những năm 1930 Đảng cộng sản Trung Quốc hoàn toàn xa cách với Đảng cộng sản Liên Xô, hồ sơ lưu của Trung Quốc lại chứng minh điều ngược lại. Theo những nguồn tin này, Mao Trạch Đông, như trước đây, vẫn báo cáo các kế hoạch của mình với Stalin và tham khảo ý kiến về mọi vấn đề, dù quan trọng hay không quá quan trọng.
Chẳng hạn, trong năm 1949 Mao đã cần đến ý kiến của các đồng chí Liên Xô về lợi ích của việc dời thủ đô Trung Quốc từ Nam Kinh về Bắc Kinh, cũng trong năm đó Matxcơva quan tâm đến việc làm thế nào đó tốt hơn để thông tin đến các quốc gia khác về ý định khôi phục quan hệ ngoại giao “qua radio hay bằng điện báo”.
Dĩ nhiên, Stalin là người có uy tín tuyệt đối và không thể tranh cãi đối với Mao. Thấy rõ rằng, Mao không nuôi dưỡng cảm xúc đặc biệt nồng ấm với cá nhân Stalin, nhưng ông ta nhận thức rằng có trách nhiệm phải trung thành với Stalin cả bằng lời nói, cả bằng công việc. Bởi “đồng chí chủ nhân” (Mao Trạch Đông gọi Stalin như vậy) luôn sẵn sàng giúp đỡ “ông em” bằng lời khuyên và bằng tiền bạc, cũng như luôn ủng hộ về quân sự và ngoại giao đối với Bắc Kinh.
Stalin thực sự rất hào phóng đối với Trung Quốc. Chẳng hạn, tháng 3/1940 bạn chiến đấu của Mao là Chu Ân Lai đã mang từ Matxcơva về 300 nghìn đô la Mỹ để chi cho việc củng cố quốc phòng của Trung Quốc, khi ấy đang chiến đấu với đế quốc Nhật. Stalin đã không bỏ mặc những người bạn từ Trung Quốc thậm chí cả ngay sau khi Đức phát xít tấn công Liên Xô. Ngày 3/7/1941 không quân Đức ném bom khắp nơi ở Minxcơ, Odessa, Xmolenxcơ và Kiev, tại hội nghị khẩn cấp Bộ chính trị Liên Xô đã thông qua quyết định chi “một triệu đô la Mỹ để giúp đỡ BCHTƯ Đảng cộng sản Trung Quốc”.
Trong đó, nhiều nhà sử học tin rằng Stalin cũng rất đắn đo suy nghĩ vấn đề giúp đỡ người láng giềng phía Nam. Ông hiểu rõ rằng, đất nước có số dân khổng lồ và tiềm năng công nghiệp to lớn có thể trở thành đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Liên Xô. Stalin cũng không đánh giá cao về Mao Trạch Đông, người mà ông gọi là “người mác xít trong hang động”.
Luôn ủng hộ Trung Quốc về mọi mặt, Matxcơva cũng đồng thời tiến hành nghe lén các cuộc điện đàm của các lãnh đạo Trung Quốc. Biết được điều đó, Mao đã gửi văn bản phản đối đến Bộ chính trị Liên Xô, tuy nhiên sau đó việc này không đi xa hơn. "Người cầm lái vĩ đại" hiểu rằng không được cắn vào bàn tay đang nuôi dưỡng mình. Ông ta không thể tỏ thái độ tức giận với Stalin được.
Không trao đổi ý kiến
Cái chết của Stalin đã gây sốc cho các đồng chí Trung Quốc. Ở đó họ không thấy người kế nhiệm nào xứng đáng với vị lãnh tụ vừa nằm xuống. Tuy nhiên, Mao Trạch Đông không đến dự tang lễ. Điều này chính thức được giải thích rằng ông ta sợ bị cảm vì cái lạnh của Matxcơva. Dù các nhà sử học Nga cho rằng Mao dù sao vẫn ấm ức lãnh tụ Liên Xô về vụ nghe lén, về những lời nhận xét "không chính xác, không công bằng" về mình, về một số sự việc khác- chẳng hạn về bộ phim “Lữ khách Przhevalxki” (giới lãnh đạo Trung Quốc cho rằng bộ phim xúc phạm sự tự tôn dân tộc của người Trung Quốc khi phô bày họ trong thế giới “hết sức nghèo đói, tối tăm và dốt nát”.
Mao Trạch Đông và Stalin. |
Ở Bắc Kinh người ta lo sợ rằng người đứng đầu mới của đất nước thay Stalin sẽ thay đổi đường lối chính trị với Trung Quốc. Việc lên nắm quyền của Khrusev khẳng định các mối lo sợ này, dù Khrusev không công kích dữ dội ông bạn láng giềng phía Nam.
Ngày 25/2/1956, khi Khrusev có báo cáo mật “Về sự sùng bái cá nhân và những hậu quả tai hại của nó” tại Đại hội thứ XX ĐCS Liên Xô, đã trở thành đường phân thuỷ và sau đó mối quan hệ giữa Liên Xô và Trung Quốc bắt đầu xấu đi nhanh chóng. Những người cộng sản Trung Quốc bày tỏ sự không hài lòng bởi lời vạch trần của Khrusev, khi nhận xét rằng Tổng bí thư, thay vì phân tích công trạng và khuyết điểm của Stalin, lại phỉ báng ông vô căn cứ.
Chiến dịch phản đối Stalin ở Liên Xô làm Mao Trạch Đông bất an thực sự. Ông ta đã nêu vấn đề này trong các cuộc trao đổi với đại sứ Liên Xô – Pavel Iudin -ở Trung Quốc và bảy tỏ hy vọng rằng nhà ngoại giao sẽ báo cáo đến ban lãnh đạo Liên Xô quan điểm đã nhiều lần được thể hiện trên báo chí của ông ta.
Mao lo ngại rằng việc phỉ báng Stalin sẽ đem đến những tác hại không thể sửa chữa, không chỉ trong các mối quan hệ Xô - Trung, mà cả phong trào cộng sản thế giới. Người đứng đầu Trung Quốc quở trách rằng Kremli đã không tham khảo ý kiến với các đảng anh em và đặt họ trước sự đã rồi.
Còn mãi trong trái tim
Ngay những giờ đầu tiên sau khi qua đời, Stalin đã được đưa đến phòng thí nghiệm, ở đây người ta làm các thủ tục để ướp thi hài ông. Lãnh tụ Xô Viết yên nghỉ đã được chuẩn bị một chỗ trong lăng, ngay sát cạnh lãnh tụ vô sản thế giới Lênin. Có vẻ như Stalin sẽ ở đó mãi mãi, và thậm chí sự thay đổi thái độ của công dân Liên Xô đối với đại nguyên soái sau Đại hội đảng thứ XX cũng không làm phiền tới sự yên bình của ông. Nhưng, năm 1961 Bộ chính trị quyết định rằng không có chỗ cho đồng chí Stalin- người đã vi phạm nghiêm trọng di huấn của Lênin- bên cạnh Người.
Thi hài Stalin |
Ngày 30/10/1961 Đại hội lần thứ XXII quyết định dứt khoát đưa Stalin ra khỏi lăng và chôn cất tại nghĩa trang tưởng niệm ở chân tường điện Kremli. Chỉ một ngày sau, vào đêm 31/10 sang ngày 1/11/1961 thi hài Stalin đã được bí mật đưa ra khỏi lăng. Chiến dịch được thực hiện trong màn đêm bao phủ, trong điều kiện cực kỳ bí mật bằng lực lượng khoảng ba chục người. Dĩ nhiên người thân của Stalin không được thông báo: Ở BCHTƯ người ta lo ngại rằng sự việc này có thể gây chia rẽ xã hội và thậm chí dẫn đến mất trật tự xã hội.
Stalin không còn trong lăng. Sự kiện này không gây ra sự phẫn nộ trong công dân Xô Viết, nhưng những người cộng sản Trung Quốc phản ứng rất dữ dội. Khi trả lời bức thư ngỏ của BCHTƯ ĐCS Liên Xô, Mao Trạch Đông đã viết: “Khrusev có thể sử dụng vị thế đặc quyền của mình để đưa thi hài Stalin ra khỏi lăng, nhưng ông ta không bao giờ có thể dùng vị thế đặc quyền của mình lấy đi khỏi ký ức của nhân dân Liên Xô và các dân tộc toàn thế giới hình ảnh vĩ đại của Stalin”.
Chính khi đó loan truyền tin đồn rằng Trung Quốc muốn chuyển thi hài Stalin về Trung Quốc và thậm chí còn đệ trình ý định này cho phía Liên xô. Theo tin đồn, Khrusev đã cân nhắc lời đề nghị này và sau đó từ chối thẳng thừng.
Stalin và Mao Trạch Đông còn mãi
Trước năm 1970 trên mộ Stalin là tấm đá hoa cương bình thường, sau đó nó mới được thay bằng bức tượng bán thân của lãnh tụ. Cái gì đã thúc đẩy ban lãnh đạo Liên Xô đến quyết định này? Có giả thuyết rằng Brezhnev làm việc đó vì muốn vỗ về người Trung Quốc, vì trước đó ở Liên Xô đã xảy ra xung đột vũ trang xung quanh đảo Đamanxki với họ.
Hơn nữa, sau khi chọc tức tình yêu của người Trung Quốc với Stalin, Kremli đã hứa với ĐCS Trung Quốc rằng sẽ trả lại tên lãnh tụ cho thành phố Volgograd. Có thể thấy sự phục hưng tinh thần của Stalin trong mắt người dân Trung Quốc đã hoàn thành vai trò của mình: giai đoạn đối vị sâu sắc Xô- Trung đã qua đi. Tuy nhiên, nhóm các nhà cách mạng- hồng vệ binh cấp tiến nhất của Trung Quốc vẫn phong toả đại sứ quán Liên Xô ở Bắc Kinh và hô lớn “Đồng chí Stalin muôn năm!”
Ngày 9/9/1976 người học trò và người kế tục Stalin - Mao Trạch Đông - qua đời. Thi thể người cầm lái vĩ đại theo gương các đảng viên Xô Viết được nhanh chóng làm thủ tục ướp thi hài. Tuy nhiên, do quan hệ căng thẳng giữa Bắc Kinh và Matxcơva, các chuyên gia Trung Quốc buộc phải thực hiện công việc hết sức phức tạp này theo kế hoạch công nghệ dựa trên kinh nghiệm của Việt Nam qua việc ướp thi hài Hồ Chí Minh năm 1969. Như dự đoán trước, kết quả của việc ướp xác Mao không đạt yêu cầu. Chỉ bảo toàn được khuôn mặt của lãnh tụ, ngoài hai tai, còn với thân mình thì đã xảy ra tai biến hoàn toàn.
Hơn một triệu người dự lễ an táng chủ tịch Mao, sau đó ít lâu nhiều nghìn người đã xếp hàng vào lăng viếng ông. Ngày nay, vẫn như trước kia, Mao Trạch Đông là nhân vật chủ chốt trong lịch sử Trung Quốc hiện đại- đối với ông không được phép có bất cứ chỉ trích nào. Dù trong số những công dân trẻ tuổi của Trung Quốc hình ảnh Mao nhanh chóng chỉ là một phần của văn hoá đại chúng.
Hình ảnh của Stalin vẫn đang được sùng bái ở Trung Quốc hiện đại. Cuối những năm 1940- đầu những năm 1950 nhiều nơi ở đây mang tên ông và hiện vẫn tồn tại. Ví dụ, ở Cáp Nhĩ Tân giờ vẫn tồn tại công viên mang tên Stalin. Và tất nhiên ở Trung Quốc mọi người còn nhớ lời khuyên của Stalin dành cho Mao năm 1950: “Hãy học trong những sai lầm của chúng tôi nhiều hơn là học trong những thành công của chúng tôi”.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu