Thế nhưng bản thân bản thân Stalin không cho là thế. Khoảng từ năm 1948 vị lãnh tụ vào thời điểm đó đã gần 70 tuổi và bắt đầu nói rằng mình đã già, đã đến lúc phải nghĩ đến người sẽ lãnh đạo đất nước thay ông. Ngày nay có cơ sở để cho rằng Stalin đã có ít nhất 3 ứng cử cho trường hợp này. Một trong số đó là Panteleimon Condratievich Ponomarenco.
Từ thợ phụ việc đến bí thư thứ nhất BCHTW Belarus
Panteleimon Ponomarenco sinh năm 1902 trong một gia đình nông dân ở Cuban. Ponomarenco bắt đầu lao động từ năm 12 tuổi, phụ việc cho một thợ thuộc lông thú, sau đó là phụ rèn. Từ năm 16 tuổi, Ponomarenco đã đứng trong hàng ngũ Hồng quân, chiến đầu ở Ecaterinodar. Sau chiến tranh làm việc trong ngành đường sắt, gia nhập đoàn thanh niên và năm 1925 gia nhập đảng. Đã tốt nghiệp trường đại học cơ điện ngành kỹ sư đường sắt. Từ năm 1936 làm kỹ sư ở Phòng thiết kế (KB) Viện cơ điện liên bang, làm bí thư đảng uỷ.
Người đảng viên trẻ tuổi, thông minh và có trình độ học vấn đã được chú ý và năm 1938 được đưa vào bộ máy Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản (bôn sê vich) toàn liên bang. Thỉnh thoảng có thể đọc được rằng Ponomarenco nằm trong số những người được đề cử trẻ tuổi sẽ bước vào các cơ quan đảng cao nhất, thay thế cho những đảng viên “già” bị “thanh trừng” trong những năm “đại khủng bố”. Điều này là có thật. Là đảng viên từ năm 1925 (được gọi là đảng viên “khoá Lenin”), Ponomarenco không liên quan đến cuộc đấu tranh trong nội bộ đảng, và không thể liên quan đến những người theo “Trotski”, hay bất kỳ phe phái nào.
Người ta nói rằng, Stalin lần đầu tiên để ý đến Ponomarenco từ khi ông làm Bí thư Đảng uỷ KB. Tại hội nghị về các vấn đề phát triển khoa học kỹ thuật, Stalin ngồi ở ghế Đoàn chủ tịch. Danh sách các sách kỹ thuật cần thiết cho các trường đại học và KB vào thời đó được phê duyệt. Trong cuộc tranh luận sôi nổi Ponomarenco đã bảo vệ việc đưa vào danh sách cuốn sách giáo khoa rất quan trọng đối với các trường kỹ thuật.
Trong công tác đảng Panteleimon Condratievich buộc phải làm việc không phải với môn kỹ thuật, mà với số phận con người. Đầu tiên ở Stalingrad, tiếp theo ở Belarus thanh tra Ponomarenco nghiên cứu các đơn khiếu nại việc bị trấn áp vô cớ.
Việc “thanh lọc” đạt tới mức đáng sợ, đến nỗi hội nghị BCHTW đã ra nghị quyết “Về những sai lầm của các tổ chức đảng khi khai trừ đảng viên, về thái độ quan liêu - hình thức đối với kháng cáo của những người bị khai trừ đảng và về các biện pháp loại bỏ những thiếu sót này”. Dĩ nhiên, đây không chỉ nói về “những người bị khai trừ khỏi đảng”.
Iosif Vissarionovich Stalin là một nhà cách mạng người Georgia, chính trị gia, lãnh đạo tối cao của Liên bang Xô Viết. Người góp công rất lớn biến Liên Xô thành một cường quốc hàng đầu trên thế giới. |
Đã đến lúc phải chấm dứt hành động trấn áp này và những người như Ponomarenco đã bắt tay vào việc. Ông xem xét hàng trăm đơn khiếu nại, đích thân gặp những người đang bị giam giữ trong các nhà tù và rất nhiều người đã được trả tự do nhờ sự can thiệp của ông. Con trai nuôi của Stalin – Artiem Xergeev – nhớ rằng Iosif Vissarionovich ra lệnh rõ ràng cho Ponomarenco thay mặt ông hành động ở Belarus và thả hết những người không tham gia vào các trò chơi chính trị. Tuy nhiên, cũng không nên lý tưởng hoá Panteleimon Ponomarenco. Bức điện của ông gửi Stalin từ tháng 8/1938 vẫn được lưu giữ, trong đó ông đề nghị tăng hạn mức kết án cho Belorus theo “phạm trù thứ nhất”(xử bắn) và “phạm trù thứ hai” (tù giam).
Trong năm 1938 Ponomarenco được cử làm bí thư thứ nhất BCHTW Belarus. Năm 1939 ông tham gia chỉ huy các đơn vị quân đội trên lãnh thổ Tây Belarus. Khi ấy ông có cuộc xung đột đầu tiên với Khrusev, thời gian đó đang làm bí thư thứ nhất BCHTW Ukraine. Khrusev rất muốn sáp nhập vào Ukraine những vùng đất về lịch sử đã thuộc về Belarus. Và Stalin đã giải quyết cuộc tranh chấp với phần thắng thuộc về Ponomarenco.
Khi chiến tranh vệ quốc bắt đầu, Ponomarenco chỉ huy phong trào du kích, ban đầu ở Belorus, sau đó lãnh đạo bộ tham mưu trung ương phong trào du kích. Ông là uỷ viên hội đồng quân sự của hàng loạt mặt trận, đã chuẩn bị các chiến dịch du kích qui mô lớn như “Cuộc chiến tranh đường sắt” và “Buổi hoà nhạc”. Sau chiến tranh Ponomarenco phụ trách việc khôi phục kinh tế Belorus. Tháng 7/1945 ông tháp tùng Stalin trong chuyến đi đến hội nghị Potsdam, từ Minxc đến Baranovich. Lãnh tụ rất thích các báo cáo về công việc khôi phục kinh tế do lãnh đạo Belarus chuẩn bị.
Stalin tìm người thay thế mình như thế nào
Từ năm 1952 Ponomarenco là uỷ viên Đoàn chủ tịch BCHTW. Đến lúc đó ông là bộ trưởng dự trữ Liên Xô. Khoảng thời gian trước đó, Stalin đã bị đột quỵ và bắt đầu nghĩ về người kế nhiệm. Năm 1948, tại hội nghị lãnh đạo đảng cấp cao diễn ra ở hồ Ritsa, Stalin, như Mikoian đã viết hồi ký, đã nói rằng lãnh đạo tương lai của đất nước phải là người trẻ. Và ông đưa ra A. Cuznesov (bí thư tỉnh uỷ Leningrad) với tư cách người kế nhiệm có thể của mình. Trong số những người kế nhiệm tiềm năng được mọi người đưa ra có người đứng đầu uỷ ban kế hoạch nhà nước N. Voznesenxki. Tuy nhiên, “bộ tứ” Malencov-Khrusev-Beria-Bulganin được đề bạt vào những năm cuối cùng của Stalin, đã làm tất cả để loại bỏ hai đối thủ cạnh tranh tiềm năng này.
Được cho rằng chính vì lý do đó, do lo sợ ứng cử viên kế nhiệm mới cũng có thể bất ngờ bị hoá thành “kẻ thù của nhân dân”, Stalin cho đến những ngày cuối cùng của cuộc đời đã im lặng về việc ông có ý định đặt Ponomarenco vào chỗ của mình. Năm 1989 trong tạp chí “Cận vệ thanh niên” có đăng bài trả lời phỏng vấn của cựu bộ trưởng nông nghiệp Liên Xô I. A Benedictov. Theo lời ông, đã tồn tại một văn bản về việc Ponomarenco được chọn vào vị trí chủ tịch hội đồng bộ trưởng Liên Xô. Nó đã được hàng loạt uỷ viên Bộ chính trị ký, chỉ còn lấy chữ ký của “bộ tứ”. Sự tồn tại của văn bản này được A.I Lukianov- nhà hoạt động đảng, nhà văn- nhắc đến trong cuốn “Sự trở về của Stalin”.
Đề nghị này của Stalin cần được thảo luận tại hội nghị Đoàn chủ tịch BCHTW Đảng cộng sản Liên Xô ngày 2/3/1953. Có thể không nghi ngờ rằng Stalin sẽ có được tất cả những chữ ký cần thiết và quyết định nhất trí, nếu như… ngày 1/3/1953 lãnh tụ bị xuất huyết não và ngày 5/3/1953 ông đã qua đời.
Sau cái chết của “lãnh tụ của các dân tộc”
Bản đề nghị của Stalin thế là chẳng ai còn nhìn thấy. Tuy vậy, có thể cho rằng dù sao nó đã tồn tại. Nếu không thì tại sao ngay lập tức sau cái chết của Stalin Ponomarenco bị đưa ra khỏi thành phần BCHTW và được bổ nhiệm vào cương vị lạ lùng: Bộ trưởng văn hoá Liên Xô.
Một năm sau ông bị điều đến Kazakhstan với cương vị lãnh đạo nước cộng hoà. Rồi sau đó bắt đầu hành trình “đi đày ngoại giao”. Từ 1955 đến 1965 ông là đại sứ Liên Xô ở Ba Lan, Nepal, Ấn Độ, Hà Lan và thậm chí là đại diện ở Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế ở Vienna, Áo.
Năm 1978 Ponomarenco nghỉ hưu và 6 năm sau ông qua đời.
Theo Russia7