Bước tiến dài về dân chủ và bài học từ Brexit
GS Vũ Minh Giang nói: “Việc thực hiện Trưng cầu dân ý (TCDY), tức là người dân bỏ phiếu quyết định một vấn đề hệ trọng của đất nước, mà khi người dân đã quyết thì lập tức quyết định đó có hiệu lực thi hành, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong đời sống chính trị của người dân cả nước. Đây là một bước tiến rất dài trong việc xây dựng một xã hội văn minh. Nó cũng là bước chuyển động rất lớn về ý thức và bước đi thực tế để thực hiện “Nhà nước của dân, do dân và vì dân”, “Mọi quyền lực thuộc về nhân dân”.
Người dân giờ đây không chỉ có quyền bầu ra người đại diện cho mình để quyết định những vấn đề hệ trọng của đất nước, mà có cả một bộ luật để đảm bảo người dân được trực tiếp tham gia quyết định những vấn đề quốc kế dân sinh. Vì vậy tôi đánh giá rất cao Luật TCDY và trên một phương diện khác, nó thể hiện sự trưởng thành của hệ thống chính trị và những người có trách nhiệm với nền chính trị của đất nước.
Thưa Giáo sư, việc người dân được tham gia quyết định những vấn đề hệ trọng của đất nước mới là điều kiện cần. Còn điều kiện đủ là phải có một cơ chế đảm bảo để người dân thực sự thể hiện quyền dân chủ trực tiếp (DCTT) trong các vấn đề này. Theo Giáo sư thì quy định như luật hiện hành đã đảm bảo một cơ chế như vậy chưa?
- Khi chúng ta nói tới việc ban hành Luật TCDY là một bước tiến xa và sự trưởng thành của một nền dân chủ thì chúng ta cũng cần phải hiểu rằng dân chủ không phải từ trên trời rơi xuống hoặc ai đó ban phát, mà trước hết, nó thể hiện trình độ nhận thức, trình độ chính trị của người dân khi có quyền tham gia vào quá trình thực hiện quyền DCTT. Chúng ta thấy rằng việc TCDY là hình thức lấy ý kiến rộng rãi nhất. Nhưng chúng ta cũng phải nhớ rằng, cách tổ chức thế nào, bằng phương thức nào và trách nhiệm của những người tổ chức lấy ý kiến của người dân thông qua Luật TCDY đó với động cơ gì là một vấn đề cực kỳ quan trọng.
Vì vậy, nếu không chuẩn bị một cách kỹ lưỡng mà đưa ra TCDY những vấn đề quan trọng, rất có thể sẽ đưa đất nước rẽ sang một hướng hướng khác, tạo ra những thay thay đổi chưa chắc đã có lợi cho đất nước, cho dân tộc. Vì vậy, khi nghiên cứu kỹ Luật TCDY, tôi thấy bộ luật đã có những quy định chặt chẽ đảm bảo cho người dân thực hiện quyền DCTT hữu hiệu. Điều rất quan trọng mà tôi đánh giá cao đó là hiệu lực pháp lý của quyết định do người dân lựa chọn. Tức là khi người dân đã phúc quyết thì nó có hiệu lực thi hành ngay, chứ không phải là sự thăm dò xem ý kiến người dân ra sao để Nhà nước xem xét quyết định.
Để người dân thực sự làm chủ những quyết định quốc kế dân sinh thì Nhà nước phải có một cơ chế thực sự hữu hiệu để đảm bảo cho điều đó. Thứ nhất là nếu các vấn đề có ý định đưa ra để TCDY cần phải được thảo luận hết sức kỹ lưỡng, thậm chí phải đưa ra thăm dò dư luận trước về cái lợi, cái hại của những vấn đề ấy, thay vì việc áp dụng TCDY ngay lập tức. Việc làm này có thể thông qua nhiều kênh như báo chí, hội thảo của các chuyên gia, các nhà chuyên môn; thảo luận ở các cơ quan có trách nhiệm như Quốc hội, Chính phủ, các tổ chức đảng, đoàn thể v.v. Thứ hai là một khi vấn đề được đưa ra để TCDY cũng phải là những vấn đề đã đạt được sự thống nhất cao của số đông, chứ không phải vì một ý muốn nhất thời của một bộ phận, thậm chí là một cá nhân nào đó, đưa ra thông qua sự “vận động hành lang”.
Kinh nghiệm Brexit vừa qua cho chúng ta thấy hai điều. Một là người đứng đầu Vương quốc Anh, ông Cameron, có bản lĩnh chính trị rất cao. Ông ấy tôn trọng quyết định của người dân Anh. Ông là người chống lại việc Anh tách ra khỏi EU, nhưng một khi người dân đã bỏ phiếu quyết định tách ra khỏi Liên minh châu Âu thì ông chấp hành và tuyên bố đó là quyết định cuối cùng, không thực hiện việc xem xét lại nữa, cho dù có hàng vài triệu cử tri yêu cầu xem xét lại việc TCDY này. Tuy nhiên, sau đó, việc nhiều người Anh đã tỏ hối tiếc vì đã bỏ phiếu ủng hộ Anh tách khỏi EU cũng cho thấy rằng, việc chuẩn bị cho cuộc TCDY này đã không được chuẩn bị kỹ càng và thấu đáo.
Từ bài học kinh nghiệm của Brexit cho chúng ta thấy phương thức TCDY vẫn là hình thức sinh hoạt chính trị dân chủ nhất của người dân. Tuy nhiên, trước khi đưa một vấn đề hệ trọng nào đó ra TCDY thì phải chuẩn bị hết sức chu đáo và cẩn trọng. Nhiều khi quyết định của số đông, nhưng không có sự chuẩn bị chu đáo, chưa chắc đã cho một kết quả tốt. Bởi quyết định một vấn đề hệ trọng liên quan đến nhận thức, đến đánh giá tình hình và rất nhiều vấn đề phức tạp khác nữa. Nhưng không phải vì thế mà chúng ta sợ không dám TCDY. Điều hết sức quan trọng là những vấn đề được đưa ra TCDY trước hết phải có sự đồng thuận cao.
Dân thực hiện quyền DCTT bằng cách nào?
Luật TCDY có hiệu lực từ 1/7/2016, trên thực tế, mới quy định Nhà nước muốn dân quyết một vấn đề mà Nhà nước cần, chứ chưa ưu tiên việc người dân yêu cầu Nhà nước phải TCDY vấn đề hệ trong mà họ muốn. Giáo sư có ý kiến như thế nào về vấn đề này?
- Việc quy định “Đề nghị TCDY” (như ở Điều 14, chương II của Bộ Luật) gồm UBTVQH, Chủ tịch nước, Chính phủ (gọi chung là phía Nhà nước) là khá chặt chẽ. Tuy nhiên, vế sau của điều luật này cũng quy định khi có đủ 1/3 số ĐBQH yêu cầu thì việc TCDY sẽ được xem xét quyết định. Đây là việc người dân thực hiện quyền yêu cầu TCDY thông qua đại biểu mà mình bầu lên.
Luật quy định 1/3 số đại ĐBQH yêu cầu thì vấn đề sẽ được xem xét quyết định. Tuy nhiên, luật lại không quy định làm thế nào để có được 1/3 số đại biểu ấy. Tại sao luật không cho một, hoặc vài đại biểu có quyền “vận động hành lang” trong QH để có đủ số lượng ấy? Hoặc là, nên quy định một đại biểu nào đó thu thập đủ một số lượng cần thiết chữ ký của cử tri thì được quyền yêu cầu TCDY?
- Nếu quy định mỗi đại biểu QH vận động đủ số cử tri cần thiết (ví dụ 5 hay 10 triệu chẳng hạn) ở một khu vực là điều không dễ. Thậm chí có thu thập đủ số chữ ký của cử tri theo quy định (5 hoặc 10 triệu chẳng hạn) thì cũng chưa thể nói rằng đó là ý nguyện của đa số người dân Việt Nam ở các vùng miền cơ mà. Vì vậy, việc quy định như Bộ Luật hiện hành phải có đủ 1/3 số ĐBQH, tức là vào khoảng 180 ĐBQH, trở lên là hợp lý trong bối cảnh của nước ta hiện nay.
Quy định như vậy đủ đảm bảo cho ý nguyện của nhiều tầng lớp cử tri cả nước. Một vấn đề cũng cần phải lưu ý về TCDY ở một khía cạnh khác. Khi người ta “khống chế” được dân, người ta đưa ra TCDY và nói rằng, thể chế ấy là do người dân lựa chọn. Vì vậy việc sử dụng TCDY như thế nào còn phụ thuộc vào từng hoàn cảnh cụ thể của một đất nước.
Thưa Giáo sư, thậm chí khi có đủ 1/3 số ĐBQH có yêu cầu thì cũng chưa có gì đảm bảo là vấn đề ấy sẽ được đưa ra TCDY. Thực tế chúng ta thấy rằng nhiều vấn đề hệ trọng đã được quyết định trước khi đưa ra QH biểu quyết. Như vậy, việc người dân muốn được TCDY về một vấn đề mà họ muốn vẫn là phải chờ… luật sửa đổi, bổ sung?
- TCDY không phải là quyết định một sớm một chiều, không phải chỉ là những người có quyền đề nghị TCDY họp với nhau xong rồi thì đưa ra TCDY, mà nhiều khi, đó là những vấn đề người dân bức xúc. Vì vậy, dư luận của người dân thông qua báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng khác sẽ trở thành áp lực khiến UBTV QH, Chủ tịch nước hoặc Chính phủ, hoặc 1/3 số ĐBQH trở lên phải quan tâm và đề xuất. Thực ra thì vấn đề mà xã hội quan tâm, bức xúc được tích tụ lâu ngày chứ nó không xuất hiện ngay lập tức. Ngay vụ Brexit cũng có từ lâu rồi, âm ỉ đến cả chục năm nay chứ có phải vừa xuất hiện đâu.
Ở ta người dân có quyền bày tỏ sự không nhất trí, không hài lòng về một chủ trương chính sách nào đó của Nhà nước. Trên thực tế thì đã có những vấn đề, những quyết sách được đưa ra, thậm chí đã được quyết định rồi, nhưng trước những bức xúc, những ý kiến xác đáng của người dân thông qua báo chí chính thống và các mạng xã hội như facebook thì những người có chức trách sẵn sàng thu hồi lại, đình chỉ thực hiện. Tôi nghĩ rằng TCDY cũng có thể bằng cách đó. Tức là trước bức xúc của người dân thì các ĐBQH qua đó mà đưa ra để xem xét TCDY.
Xin cám ơn Giáo sư!