Trọng tâm của xây dựng đô thị thông minh là quy hoạch hợp lý

VietTimes -- Vấn đề đầu tiên, quan trọng nhất trong xây dựng đô thị thông minh chính là cần phải có được một quy hoạch hợp lý. Việc này tuy không tốn kém nhiều nhưng đòi hỏi phải có tầm nhìn, cần có chuyên gia và cần có sự kết nối của các lĩnh vực, các ngành.

TP.HCM đang hoạch định nhiều chiến lược mang tính đột phá cho sự phát triển mang tầm cỡ khu vực, trong đó có chiến lược quan trọng là trở thành một thành phố thông minh (ảnh minh họa)
TP.HCM đang hoạch định nhiều chiến lược mang tính đột phá cho sự phát triển mang tầm cỡ khu vực, trong đó có chiến lược quan trọng là trở thành một thành phố thông minh (ảnh minh họa)

Đó là nội dung được TS. Hoàng Lê Minh, Viện trưởng Viện Công nghiệp Phần mềm và Dịch vụ Nội dung số Việt Nam, đưa ra bàn thảo tại IT Day 2016 vừa diễn ra với chủ đề “Hạ tầng thông tin quốc gia và Thành phố thông minh”.

Liên hệ chặt chẽ giữa Hạ tầng thông tin trong việc phát triển các thành phố, đô thị thông minh, trong tham luận chủ đề “Nền tảng kết nối thành phố thông minh bằng phần mềm”, TS. Hoàng Lê Minh, Viện trưởng NISCI cho biết: “Tại Việt Nam, do chưa cơ quan nào xác định rõ yêu cầu hạ tầng và nền tảng kết nối cần có cho Smart City (hay quy mô quốc gia) nên việc chia sẻ thông tin nói chung vẫn đang có nhiều khó khăn, bất cập. Cùng với sự bùng nổ của thông tin và dữ liệu trong thời đại IoT, BigData, Smart City như hiện nay, vấn đề kết nối và chia sẻ thông tin ngày càng trở nên bức thiết, không thể chỉ giải quyết bằng hoạt động ban hành các quy định (có tính hành chính hay thiên về quản lý), hoặc các quy định chỉ liên quan tới các tiêu chuẩn, định dạng, kỹ thuật”.

Tham luận tại hội nghị về chủ đề hạ tầng thông tin quốc gia, TS.Nguyễn Việt Hải, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ VINASA cho rằng: “Chính phủ phải đóng vai trò tạo điều kiện trong thúc đẩy thị trường cho CNTT&TT, cũng như đáp ứng các vấn đề xã hội và hình thành điều kiện văn hóa để ảnh hưởng đến luồng kiến thức cả CNTT&TT và có liên quan.  Chính phủ phải tham gia nhiều hơn vào mức quản lý vi mô của việc hình thành văn hóa xã hội cho xã hội thông tin. Cần xây dựng hệ sinh thái thông tin với văn hóa thông tin và ý thức hệ CNTT trong mọi hoạt động của cuộc sống hàng ngày”.

Đặc biệt, nguyên Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM Lê Thái Hỷ đã trình bày mục tiêu xây dựng TP. HCM trở thành đô thị thông minh. Theo chia sẻ của ông Hỷ, TP. HCM cùng lúc phải giải quyết bài toán tăng trưởng kinh tế, kết cấu hạ tầng, đảm bảo an sinh, ổn định xã hội và biến đổi khí hậu. Giải pháp tối ưu là dùng ICT để kết nối các hệ thống thông tin khi giải quyết những vấn đề đặt ra nêu trên, vượt qua thách thức để hướng tới quản trị đô thị thông minh hơn.

"Đô thị thông minh là giải pháp thích hợp và là xu thế của các đô thị trên thế giới, TP.HCM sẽ học tập, tiếp thu những kinh nghiệm quý báu để mục tiêu đến 2025, sẽ trở thành đô thị đáng sống, việc làm và phát triển bền vững hướng đến phục vụ người dân có cuộc sống tốt”, ông Hỷ nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Đại Dương phát biểu tại sự kiện Ngày CNTT 2016.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Đại Dương phát biểu tại sự kiện Ngày CNTT 2016.

Đánh giá cao sáng kiến cũng như nỗ lực của VINASA trong việc hợp tác với đối tác để tổ chức sự kiện, trong phát biểu tại sự kiện IT Day 2016, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Đại Dương cũng khẳng định: “Bộ KH&CN sẽ tiếp tục ủng hộ và hỗ trợ những sáng kiến của VINASA trong những hoạt động nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành CNTT nói riêng và KH&CN nói chung”.

Lần thứ ba được tổ chức, IT Day 2016 - diễn đàn khoa học công nghệ thường niên của giới nghiên cứu, lãnh đạo, quản lý và chuyên gia công nghệ được đồng tổ chức bởi 5 viện gồm: Viện Khoa học và Công nghệ VINASA (VSTI); Viện Công nghiệp Phần mềm và Nội dung số Việt Nam (NISCI) thuộc Bộ TT&TT; Viện CNTT (ITI) thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội; Viện CNTT&TT (SoICT) thuộc ĐH Bách khoa Hà Nội; và Viện Tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng - Bộ KH&CN.