Gia đình khẳng định không xin cấp phép triển lãm
Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VHTT&DL) cho biết đã nhận được hồ sơ xin cấp phép triển lãm tranh Tạ Tỵ gửi tới từ ngày 26/3/2019, do bà Nguyễn Thị Mai Hoa đứng tên đề nghị cấp phép triển lãm tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, từ ngày 3/5 đến hết ngày 5/5.
Sau khi xem xét hồ sơ, Cục đã mời Hội đồng thẩm định tác phẩm xem xét hồ sơ và ảnh chụp tác phẩm hai lần, vào các ngày 4/4 và 18/4. Tuy nhiên, “Hội đồng thẩm định nhận thấy hồ sơ tác phẩm triển lãm chưa đầy đủ các căn cứ đảm bảo về vấn đề bản quyền tác giả. Hội đồng cho biết cần phải xem xét trực tiếp các tác phẩm trong triển lãm vào ngày 2/5 tại Phòng trưng bày, sau đó sẽ cấp giấy phép chính thức” – Văn bản về việc “Tổ chức triển lãm “Tạ Tỵ - Dấu ấn sáng tạo” của Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Triển lãm (Bộ VHTT&DL), do ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng ký, gửi Bảo tàng Mỹ thuật VN và bà Nguyễn Thị Mai Hoa.
Ông Vi Kiến Thành cho biết: “Theo hồ sơ gửi lần đầu thì xin phép triển lãm 26 bức tranh, lần thứ hai điều chỉnh lại còn 22 bức và lần cuối thì chỉ còn lại 19 bức tranh. hực tế, bà Nguyễn Thị Mai Hoa là ai, có phải người đại diện chịu được trách nhiệm pháp lý cho chủ sở hữu các bức tranh hay không? Cho nên, phía Cục bắt buộc phải nghe ý kiến của Hội đồng thẩm định mới xem xét cấp phép cho triển lãm hay không”.
“Thông tin từ Hội đồng thẩm định phản ánh tới Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, thì trong số 19 bức tranh xin triển lãm mà Hội đồng đã xem trực tiếp tại tư gia của một trong số các nhà sưu tập trong nhóm xin cấp phép, có 5 tranh Hội đồng nhận thấy có dấu hiệu của chữ ký mới được ký lên tranh và 2 tranh còn không có chữ ký của họa sĩ Tạ Tỵ” – ông Vi Kiến Thành nhắc tới khả năng một số bức tranh xin triển lãm chưa đủ căn cứ về tác quyền.
Trong khi đó, đại diện gia đình, bà Tạ Thùy Châu - con gái họa sĩ Tạ Tỵ - khẳng định bà Nguyễn Thị Mai Hoa không phải đại diện pháp lý của gia đình họa sĩ, đồng thời, cho biết gia đình không đi xin cấp phép triển lãm “Tạ Tỵ - Dấu ấn sáng tạo".
Khó chứng minh được nguồn gốc các bức tranh
Trao đổi với VietTimes, ông Nguyễn Anh Minh – Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam - chia sẻ: “Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm có thẩm quyền cấp phép nếu Hội đồng thẩm định có ý kiến xác nhận đủ căn cứ tác quyền. Nhưng ngay cả khi giấy phép đã được cấp, phía Bảo tàng cũng cần xem xét lịch đề nghị triển lãm có phù hợp với lịch mà không gian Bảo tàng còn trống và có thể cho phép hay không?” Nói khác đi, là bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam có quyền từ chối.
Yellow and Violet (Vàng và Tím) là một tác phẩm điển hình thời kỳ lập thể của Tạ Tỵ. Vàng và Tím từng được trưng bày tại triển lãm solo của họa sĩ Tạ Tỵ vào năm 1951. Ra khỏi Việt Nam vào thập niên 70, bức tranh này từng xuất hiện một lần trên sàn đấu giá Sotheby’s vào năm 2005 rồi sau đó lại lặn mất tăm (Nguồn: Nghệ thuật xưa). |
Ông Nguyễn Anh Minh cho biết thêm, Bảo tàng chưa nhận được đơn đề nghị triển lãm tranh của họa sĩ Tạ Tỵ.
Về việc thẩm định tranh của bậc tiền bối Tạ Tỵ, nhà nghiên cứu mỹ thuật Phạm Long cho rằng thẩm định bằng mắt thường sẽ rất khó khăn. Vì tranh của họa sĩ Tạ Tỵ rất ít người được xem tranh gốc, do ông đã vào miền Nam rất sớm. Trong khi đó, việc sử dụng phương pháp hóa học, lý học để thẩm định, xác định tuổi tranh, cho dù là một phương pháp hoàn toàn cơ học, nhưng ở Việt Nam chưa có. Muốn thẩm định tranh bằng các phương pháp này, cần phải đưa tranh sang Singapore, Hong Kong…
Tuy nhiên, gia đình họa sĩ Tạ Tỵ vẫn khẳng định không đi xin cấp phép triển lãm. Còn phía nhà sưu tập Nguyễn Quốc Định hoặc các nhà sưu tập khác, sẽ rất khó chứng minh được nguồn gốc, lai lịch của các bức tranh.