Thưa TS với mục đích giãn cách, giảm thiểu sự lây lan vi rút Covid-19, ở các địa bàn mật độ dân số đông và phức tạp như Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh đã có nhiều cách làm mau lẹ, quyết liệt. Tiến sĩ có nhận xét gì?
- Ngăn chặn lây lan dịch Covid-19 là nhiệm vụ khẩn cấp phải hành động quyết liệt. Trong số nhiều biện pháp cần thiết có biện pháp giãn cách. Việc Tp.HCM và Hà Nội triển khai giãn cách quyết liệt là đúng về chủ trương. Nhưng quy trình thực thi giãn cách lại chưa khoa học, qua thực tế triển khai đã phải thay đổi cho phù hợp dần.
Thưa ông, giới nghiêm, giãn cách và phong tỏa. Rồi nên và không nên… Đâu là ranh giới giữa pháp luật và lệnh cùng văn bản hành chính? Như Hà Nội chỉ hơn một ngày đã thay đổi chỉ lệnh, người dân chỉ cần xuất trình CMND/CCCD và giấy đi đường (theo mẫu cũ) thay vì cán bộ ban ngành đoàn thể này nọ kia phải trình giấy thông hành do thủ trưởng cơ quan ban hành , rồi thì nhân viên, người lao động sử dụng giấy do Giám đốc ký v.v., đâu là duyên do, nguyên nhân của những đổi thay xoành xoạch, đột ngột ấy?
- Đưa ra quy trình giãn cách không khoa học. Áp dụng biện pháp kiểm soát giấy tờ lạc hậu, phức tạp, phiền hà, gây lãng phí cho xã hội, gây ùn tắc mang đến nguy cơ lây nhiễm Covid… nên buộc phải thay đổi.
Nguyên nhân số 1 của sự thay đổi “xoành xoạch” ấy là do người ra văn bản. Người ra văn bản đã không đủ tầm để đưa ra một quy trình giãn cách khoa học, thêm vào đó lại không chịu suy nghĩ chín, kín kẽ mọi bề, nên văn bản có nhiều lỗ hổng khi triển khai trong thực tế.
Theo Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, việc kiểm tra giấy đi đường "không phải để phạt người dân mà làm căn cứ" để phát hiện và xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chưa tổ chức thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND TP về bố trí lịch làm việc, sản xuất, kinh doanh trong thời gian giãn cách xã hội - Ảnh Báo Tuổi trẻ. |
“Lần này tôi nể cho cho cô đi. Lần sau thì không được đâu nhá…”, hoặc “Anh kia, mở ngay cái túi ra xem có đúng là hàng thiết yếu như anh nói không?” Không khó khi ra đường thời điểm này bắt gặp vài câu, những cử chỉ đại loại thế từ một anh dân phòng hoặc ông công an nào đó. Thưa TS, phép nước, lệnh thành mà được đặt vào tay một anh dân phòng tốt bụng hay một đồng chí tùy tiện khám đồ như vậy tình trạng ấy sẽ dẫn đến điều gì?
- Như tôi đã nói, lỗi số 1 là do người ra văn bản. Văn bản ban ra mà chuẩn thì không cho phép người triển khai du di. Vì văn bản không chuẩn, đưa ra những điều mù mờ có thể hiểu nhiều nghĩa, nên tạo kẽ hở cho người thực thi tuỳ tiện, làm thế nào cũng được. Hậu quả là quyền lực phụ thuộc vào người thực thi. Văn bản không chuẩn biến người thực thi thành cửa quyền.
Lỗi thứ 2 là do trình độ yếu kém của người thực thi. Hiểu sai văn bản. Vận dụng sai văn bản. Áp dụng máy móc, cứng nhắc. Áp dụng tuỳ tiện.
Tổng hợp hai điều vừa nêu, một pháp lệnh không chuẩn mực rơi vào tay một "đồng chí" tuỳ tiện hay một anh dân phòng yếu kém thì hậu quả là phép nước không nghiêm minh, người dân bị phiền toái. Gặp người thực thi xấu thì sẽ đưa đến các hệ luỵ xấu, trong đó có thể xuất hiện sự vòi vĩnh, hống hách, hành hạ… Hệ quả cuối cùng là người dân phải gánh chịu.
Bởi thế, mỗi văn bản pháp luật ban ra phải khoa học, chuẩn mực, không hai nghĩa; ở bất cứ điều khoản nào cũng mạch lạc không cho phép người thực thi có cơ hội đưa vào ý kiến chủ quan khác với quy định của văn bản pháp luật. Án oan sai ở nước ta xảy ra nhiều vụ trầm trọng cũng bởi vì hai lỗi vừa nêu trên – lỗi của văn bản và lỗi của người thực thi.
Tất nhiên rồi dân mình sẽ thông cảm với sự lúng túng này khác trong việc quản trị thành kế dân sinh (lớn hơn là quốc kế dân sinh) thời điểm dịch Covid-19 khốc liệt này. Nhưng dân thông cảm và chắc chắn sẽ kèm theo cái thở dài đại loại, thời bình lúc yên hàn còn không hiếm chỉ thị, nghị định phải rút lại, phải thu hồi nữa là! Thưa TS, cái gốc của những quyết định quản trị tùy hứng và yểu mệnh ấy là gì? Của lãnh đạo hay chỉ đơn thuần là cái anh đánh máy nào đó?
- Trong một gia đình – mọi sự thành công hay thất bại thì trách nhiệm lớn nhất thuộc về người chủ gia đình. Trong một cơ quan – mọi sự thành công hay thất bại thì trách nhiệm lớn nhất thuộc về thủ trưởng cơ quan.
Thực tiễn cho thấy, ngay cả những lúc hoàn toàn vô can, người đứng đầu vẫn phải chịu trách nhiệm. Thủ tướng Hàn Quốc từ chức vì một vụ đắm phà. Huấn luyện viên từ chức vì đội thua. Còn cha ông ta thì dạy “con dại cái mang”. Huống chi đây là văn bản trực tiếp của UBND thành phố. “Cái gốc của những quyết định quản trị tùy hứng và yểu mệnh ấy” là từ lãnh đạo thành phố.
Ở vị trí lãnh đạo không có chỗ cho “thông cảm”. Vì mỗi quyết định ban ra liên quan đến vận mệnh hàng triệu người dân. Một quyết định đúng – hàng triệu người dân được lợi. Một quyết định sai – hàng triệu người dân bị thiệt hại. Mỗi quyết định của lãnh đạo đều mang tính loại trừ – một thắng một thua, một mất một còn. Cho nên, mỗi quyết định “nặng tựa thái sơn” là vậy.
Khắc nghiệt ư? Vâng, rất khắc nghiệt. Nắm giữ sinh mệnh hàng triệu con người sao không khắc nghiệt? Ngày trước, một người làm quan phạm tội, nặng thì tam tộc bị tru di, cửu tộc bị tru di. Có bao người đang cày ruộng ở nơi hang cùng ngõ hẻm, không hề hay biết rằng có trong họ nội ngoại có người làm quan, cả bao đời không đi lại, thế mà bỗng nhiên một ngày bị sai nha ập đến bắt đem đi chém. Có khắc nghiệt không? Quá khắc nghiệt.
Đại tá Trần Dụ Châu, Cục trưởng Cục quân nhu, chỉ vì tham nhũng, lấy quyền cấp phát mà ban ơn, đã bị Cụ Hồ xử tử. Tưởng được lên chức cục trưởng cục quân nhu là hồng phúc, ai ngờ là tai vạ. Có khắc nghiệt không? Khắc nghiệt.
Chỉ khi người lãnh đạo, ý thức được rằng mỗi quyết định họ đưa ra không chỉ liên quan đến sinh mệnh người khác, mà liên quan trực tiếp và trước hết đến sinh mệnh của họ, thì cái quyết định đó mới được “trăn trở” “dày vò”. Nhờ “trăn trở” “dày vò” mới tránh được thiếu sót.
Nếu quyết định của UBND TP Hà Nội làm cho cả triệu người dân điêu đứng trong mấy ngày qua thì đó là một quyết định không “trăn trở”, không “dày vò”. Không “trăn trở”, không “dày vò” của người nào đó ra văn bản đã trở thành sự ‘dày vò”, “trăn trở” của cả triệu người chịu thực thi văn bản. Người ra văn bản không thể né tránh được trách nhiệm. Trách nhiệm gắn liền với chế tài.
TS Nguyễn Ngọc Chu: "Người dân mình quen chịu đựng, giàu lòng vị tha. Khi chính sách giãn cách đưa ra, người dân nhiệt thành ủng hộ". |
Nhà khó mới biết lòng con thảo. Nước có biến mới biết tôi trung. TS có nhận xét gì về những đòi hỏi, nguyện vọng chính đáng của dân mình đối với chất lượng quản trị thành phố với các vị lãnh đạo chủ chốt nhất là vào những thời điểm khó khăn dịch dã này?
- Người dân mình quen chịu đựng, giàu lòng vị tha. Khi chính sách giãn cách đưa ra, người dân nhiệt thành ủng hộ. Ở thời đại công nghiệp 4.0 kết nối toàn cầu trong giây lát, thế mà dân vẫn còn phải đi xin xác nhận của phường đến mức đợi chờ qua đêm, phải lôi ra 6 loại giấy tờ trình bày trước mỗi trạm kiểm soát, thế mà họ vẫn lầm lũi chịu đựng. Bạn còn muốn yêu cầu gì hơn?
Nhưng đức tính chịu đựng không phải ở bất kỳ trường hợp nào cũng tốt. Nhân dân luôn mong muốn có những lãnh đạo tài giỏi. Nhưng nếu tài hạn chế thì phải lấy ‘cố công kiệt sức’ mà bù vào. Các văn bản về giãn cách vừa qua chưa ‘cố công kiệt sức’.
Khi chọn lãnh đạo, ở nước ta thường đề cập đến ‘tài’ và ‘đức’, trong đó đề cao ‘đức’. Nhưng thực tiễn cho thấy hàng loạt cán bộ tham nhũng bị trừng phạt trong thời gian qua đều không có ‘đức’, càng không có ‘tài’. Có trường hợp gần đây vừa bầu làm UVTƯ đảng khoá XIII và bầu ĐBQH khoá XV thì bị bắt.
Số lượng cán bộ lãnh đạo như thế còn có không ít. Chỉ là chưa bị phát hiện. Cho nên cuộc chống tham nhũng mà Tổng Bí thư đang phát động cho một giai đoạn mới sẽ rất cam go.
Cho nên cần phải hiểu cho đúng khái niệm ‘tài’. Những người ‘tài’ thực sự luôn có ‘đức’. ‘Tài’ thiên bẩm luôn gắn liền với ‘đức’ thiên bẩm.
Những văn bản yểu mệnh phải thay thế như mấy ngày qua thì khó phản ánh tài lẫn đức!
Nhà báo có suy nghĩ đến ý kiến này không? Là trong hơn 5 triệu người dân thủ đô có không ít người tài đích thực. Chỉ là chưa mở cửa cơ hội cho họ cầm cờ?
Khó khăn vì dịch Covid-19 là khó khăn chung của nhân loại. Tất cả các dân tộc trên hành tinh này đều phải đối mặt với dịch Covid-19. Giải quyết thảm hoạ dịch Covid-19 thành công ở mức độ nào phụ thuộc rất nhiều vào tài năng của người lãnh đạo. May mắn cho dân tộc nào có những nhà lãnh đạo tài giỏi.
Truyện Kiều có câu dám xa xôi mặt mà thưa thớt lòng hiểu rộng ra như là lời răn phải sát dân, hiểu dân của lãnh đạo thành phố! Bởi không cứ phải là luôn luôn thường trực lăn lộn ở các địa bàn phường, quận… mới thấu hiểu cái khổ cùng nguyện vọng chính đáng của dân. Có lắm kênh, nhiều nguồn để lãnh đạo nắm bắt thông tin và thấu hiểu thực tại để mà kịp thời xử lý và ra những quyết định đúng, sát. Tâm ở đấy mà tài cũng ở đó.
Xin cảm ơn TS. Hay khen hèn chê. Chúng ta sẽ còn trở lại vấn đề giãn cách này. Với tinh thần cùng tâm nguyện từ bi hỷ xả trong tháng Xá tội vong nhân này và trong thời gian tới, Hà Nội sẽ có nhiều cách làm hay để giảm thiểu, chặn đứng giặc dịch Covid để Hà Nội không… TOANG theo nghĩa xấu nhất của từ này!