Tráo đổi, trộm cắp bưu gửi có thể bị xử lý hình sự

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Theo ông Đỗ Hữu Trí, Phó Chánh Thanh tra Bộ TT&TT, hành vi trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ trên 2 triệu đồng sẽ bị xử lý hình sự. Giải pháp phòng ngừa hữu hiệu nhất chính là sự cảnh giác của người nhận hàng.

Những ngày gần đây, dư luận lại xôn xao câu chuyện gửi hàng hóa là hàng giá trị cao nhưng khi nhận lại là gạch đá, ốc vít… Đây không phải lần đầu xảy ra hiện tượng này.

Đối với mỗi vụ việc tráo đổi nội dung bưu gửi hàng hóa, thủ phạm có thể là chính người gửi hàng, hoặc người giao hàng, hoặc cũng có thể là chính người nhận hàng. Nếu không có quy trình chặt chẽ cũng như sự cảnh giác, tinh thần trách nhiệm cao của các bên liên quan thì sẽ rất khó có thể xác định chính xác thủ phạm tráo đổi hàng.

Tráo đổi, trộm cắp bưu gửi có thể bị xử lý hình sự ảnh 1
Tráo đổi, trộm cắp bưu gửi có thể bị xử lý hình sự

Trao đổi với phóng viên về chế tài xử lý đối với hành vi tráo đổi hàng gửi qua dịch vụ bưu chính - chuyển phát, ông Đỗ Hữu Trí, Phó Chánh Thanh tra Bộ TT&TT cho biết: “Khoản 5 Điều 7 của Luật Bưu chính đã quy định rõ về các hành vi bị cấm, trong đó có hành vi chiếm đoạt, trộm cắp bưu gửi, tráo đổi nội dung bưu gửi. Và theo điểm c khoản 4 Điều 10 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, thì sẽ xử phạt vi phạm hành chính với mức tiền từ 20 – 30 triệu đồng đối với hành vi chiếm đoạt, trộm cắp bưu gửi có trị giá dưới 2 triệu đồng hoặc hủy bưu gửi trái pháp luật; nếu hàng hóa có giá trị trên 2 triệu đồng thì sẽ có thể bị xử lý hình sự”.

Có thể thấy, hành vi chiếm đoạt, tráo đổi nội dung bưu gửi bị áp dụng các mức xử lý theo quy định pháp luật hiện hành giống như đối với hành vi trộm cắp tài sản.

Bàn về các giải pháp để hạn chế tình trạng “gửi điện thoại iPhone nhưng nhận gạch đá, ốc vít”, Phó Chánh Thanh tra Bộ TT&TT nhấn mạnh: “Khi mua hàng qua mạng, người mua phải trực tiếp nhận và bóc mở hàng kiểm tra trước sự chứng kiến của người giao hàng, bất kể giá trị lớn hay nhỏ nhằm kiểm tra các thông tin về hàng hóa như nhãn mác, khối lượng, chất lượng có đúng chủng loại sản phẩm như người bán đã quảng cáo hoặc có bị tráo đổi. Vừa rồi có trường hợp nhận iPhone trị giá hàng chục triệu đồng mà lại nhờ người khác nhận hộ, điều này tuyệt đối không nên”. Khi nhờ người khác nhận hàng, có thể xảy ra trường hợp người nhận hộ hàng cố tình đánh tráo, cũng có thể do người giao hàng đánh tráo hoặc người gửi cố tình gian lận và lúc đó sẽ khó khăn trong việc xác định được thủ phạm.

Về phía các doanh nghiệp bưu chính – chuyển phát, cũng phải kiểm soát chặt chẽ nhân viên của mình, cần có hợp đồng lao động quy định cụ thể quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của nhân viên chuyển phát. Theo tìm hiểu phần lớn những vụ việc tráo đổi hàng gửi qua dịch vụ bưu chính – chuyển phát đều xảy ra ở những doanh nghiệp nhỏ, chuyên về chuyển phát thương mại điện tử, với đặc thù là khách hàng luôn yêu cầu gửi nhanh, gửi hỏa tốc, số lượng đơn hàng rất lớn.

Vào những mùa sale, nhất là dịp cuối năm, khi số lượng đơn hàng tăng vọt, những doanh nghiệp này thường tăng cường thuê lao động thời vụ, không có cam kết ràng buộc chặt chẽ về điều kiện nhân sự, chỉ cần giao hàng đạt chỉ tiêu, định mức về sản lượng, khối lượng, vì vậy, rất dễ xảy ra rủi ro tráo đổi hàng hóa, bưu gửi, gây ảnh hưởng tới uy tín của chính doanh nghiệp.

Thống kê mới nhất vừa được Bộ TT&TT công bố hồi cuối tháng 10/2020 cho thấy, cả nước đã có 521 doanh nghiệp được cấp phép, xác nhận thông báo hoạt động bưu chính, tăng 51 doanh nghiệp (tăng 11%) so với cuối năm 2019.

Dịch vụ bưu chính – chuyển phát trong bối cảnh thương mại điện tử bùng nổ đang phát triển mạnh mẽ, kèm theo với sự gia tăng những nguy cơ rủi ro có thể xảy ra trong hoạt động vận chuyển, chuyển phát.

Nhiều ý kiến cho rằng, để tăng cường hiệu quả phòng ngừa rủi ro tráo đổi hàng nói riêng và các hành vi vi phạm khác trong lĩnh vực bưu chính – chuyển phát, các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan cần tăng cường sự phối hợp, hợp tác hơn nữa. Chẳng hạn, có thể lập tổ công tác liên ngành Công Thương – Tài chính – Thông tin và Truyền thông để thường xuyên kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trong hoạt động chuyển phát thương mại điện tử.

Theo Vietnamnet