TPP dưới góc nhìn địa chiến lược

Hiệp định Đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) trước hết là một thỏa thuận về kinh tế, tuy vậy yếu tố địa chiến lược xuyên suốt trong nó từ khi những vòng đàm phán khởi đầu. 
Không chỉ là kinh tế-thương mại mà TPP còn được coi như một trong những trụ cột chiến lược quan trọng
Không chỉ là kinh tế-thương mại mà TPP còn được coi như một trong những trụ cột chiến lược quan trọng

Sự tham dự của Mỹ vào năm 2008, việc Nhật bắt chuyến tàu trễ 2013 hay yếu tố “loại trừ” Trung Quốc thường được ra nêu ra như những lý do chiến lược. Nhưng trên hết thảy, câu hỏi về việc định dạng cuộc chơi trong thế kỷ 21 mới ở tâm điểm hàng đầu.

Từ khi bắt đầu tham gia đàm phán đến thời điểm Mỹ tuyên bố “xoay trục” về châu Á - Thái Bình Dương, TPP trở thành một trong những trụ cột chiến lược quan trọng. Sự gắn kết này được hiểu như cách thức Mỹ ưu tiên các hiệp định thương mại tự do cho các đồng minh hay đối tác chiến lược của mình. 

Sự chồng lấn giữa các ràng buộc về an ninh lẫn kinh tế châm ngòi quan niệm rằng “siêu hiệp định này” được lèo lái bởi các động cơ địa chính trị nằm ngoài kinh tế (chủ yếu đến từ phía Trung Quốc và cả một số học giả phương Tây).

TPP đang vận dụng đòn bẩy thương mại cho các mục tiêu khác nhau với cái đích cuối cùng là kìm hãm sự trỗi dậy của Trung Quốc. Sự hiện diện của TPP- chẳng hạn- có thể tạo ra một hiệu ứng gọi là “sự chệch hướng thương mại”: dòng thương mại từ một chủ thể xuất khẩu mạnh hơn sẽ được chuyển sang cho các chủ thể yếu hơn do hiệu lực của một hiệp định thương mại tự do. 

Hàng xuất khẩu từ phía các nước đang phát triển trong TPP, vốn có thể xem là các đối thủ cạnh tranh trực tiếp với hàng xuất khẩu Trung Quốc sẽ nương theo hiệu lực của TPP trong cuộc đua vào thị trường Mỹ.

Ngoài ra, TPP có tham vọng áp dụng những tiêu chuẩn cao cho một tập thể các chủ thể có sự chênh lệch lớn về trình độ phát triển. Sân chơi thiếp lập qua TPP đặt ra một loạt những “chuẩn mực hành vi/ứng xử” về thương mại và nhiều lãnh vực liên quan khác. 

Tập hợp các quốc gia hiện tham gia vào các thỏa thuận này cùng với sự chuyển dòng trong thương mại và đầu tư mà chúng tạo ra sẽ là thước đo mới cho các hiệp định tương tự về sau.

Ngay từ trong tham vọng này đã xuất hiện những mâu thuẫn về lâu dài có thể gây khó khăn cho “chất lượng” của TPP. “Chất lượng” ở đây có nghĩa là các chủ thể đều phải và có khả năng tuân thủ những quy định chung, duy trì được tính chuẩn hóa cao và tính thống nhất. Cuối cùng, nhiều khả năng vẫn có những ngoại lệ đối xử cho một số quốc gia.    

Hiện tại, khối BRICS và Trung Quốc vẫn nằm ngoài TPP. Liệu họ có bị cuốn vào trường hấp dẫn này, hay đây là sẽ là thời điểm một khuôn khổ mới đầy cạnh tranh sẽ nổi lên hay tìm những con đường đi riêng biệt? Trung Quốc đã cho thấy phản hồi địa - kinh tế mạnh mẽ của riêng mình như: thúc đẩy hàng loạt hiệp định tự do thương mại song phương, nhấn mạnh Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) ở bình diện đa phương và tuyên bố khởi động siêu dự án nửa đầu tư cơ sở hạ tầng - nửa địa chiến lược qua sáng kiến “một vành đai, một con đường” nối liền các châu lục.

Mỹ và Trung Quốc đang cạnh tranh địa chiến lược với nhau thông qua các sáng kiến hợp tác của mình. So với thời Chiến tranh Lạnh, câu hỏi tập hợp lực lượng không còn là một mất một còn bởi yếu tố đan xen giữa hợp tác và đấu tranh trong quan hệ hai bên. Cạnh tranh này không phủ định nhau hoàn toàn bởi sự chồng lấn lẫn nhau về thành viên, thị phần, lẫn các luật chơi mà hai bên cổ xúy.

Sự hình thành của các thể chế đa phương đang khởi động các quá trình sàng lọc. Các luật chơi được định dạng không hẳn hoàn toàn mang tính “loại trừ”, nhưng nó thúc đẩy các nhóm quốc gia cùng chấp nhận chia sẻ, hợp tác và xúc tiến các con đường phát triển chung với nhau, và ngược lại giảm bớt khả năng tiếp cận của các quốc gia không theo đuổi cùng chuẩn mực và luật lệ. Quá trình này sẽ kéo dài, và đặt các quốc gia vào những lựa chọn tương lai. Đó chính là nội hàm địa chính trị quan trọng nhất mà TPP mang lại.n

Tác giả: TS. Trương Minh Huy Vũ - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (SCIS), Đại học KHXH&NV, ĐHQG TPHCM.

Theo TBKTSG