TP.HCM: Thí điểm đón khách quốc tế có hộ chiếu vaccine vào cuối năm 2021

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – TP.HCM sẽ thí điểm đón khách quốc tế có hộ chiếu vaccine COVID-19 vào cuối năm 2021, với sự chuẩn bị quyết liệt của ngành du lịch, để khởi động đón khách.
TP.HCM sẽ đón khách quốc tế dự kiến từ tháng 12/2021 và không yêu cầu cách ly sau nhập cảnh khi sử dụng hộ chiếu vaccine COVID-19
TP.HCM sẽ đón khách quốc tế dự kiến từ tháng 12/2021 và không yêu cầu cách ly sau nhập cảnh khi sử dụng hộ chiếu vaccine COVID-19

Đón khách quốc tế có hộ chiếu vaccine

Theo kế hoạch thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến TP.HCM mà UBND TP vừa trình Thủ tướng và Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, TP.HCM sẽ đón khách quốc tế dự kiến từ tháng 12/2021 và không yêu cầu cách ly sau nhập cảnh khi sử dụng hộ chiếu vaccine COVID-19, tiếp đến mở dần phạm vi trong năm 2022.

Cụ thể, tháng 12/2021 sẽ thí điểm cho các doanh nghiệp lữ hành quốc tế đủ điều kiện đón khách quốc tế đến TP.HCM theo các chương trình du lịch trọn gói, thông qua các chuyến bay thuê chuyến và chuyến bay quốc tế thường lệ.

Sang năm 2022, sẽ đón khách quốc tế từ các chuyến bay thuê chuyến và chuyến bay quốc tế thường lệ theo các chương trình du lịch trọn gói tại TP hoặc kết hợp nhiều điểm đến giữa TP.HCM và các địa phương đã được chấp thuận đón khách quốc tế. Sau đó, đến tháng 4/2022 sẽ mở lại hoàn toàn thị trường khách du lịch quốc tế.

Khách quốc tế đến TP.HCM phải đáp ứng tiêm vaccine ngừa COVID-19 có xét nghiệm âm tính, có bảo hiểm y tế hoặc bảo hiểm du lịch chi trả điều trị COVID-19 với mức trách nhiệm tối thiểu 50.000 USD…

Khách du lịch có Hộ chiếu vaccine COVID-19 được nhập cảnh vào TP.HCM. Ảnh: HCDC
Khách du lịch có Hộ chiếu vaccine COVID-19 được nhập cảnh vào TP.HCM. Ảnh: HCDC

Quảng bá mạnh các tài nguyên du lịch

Trong thời gian này, Tuần lễ Busan - ASEAN 2021 với chủ đề "The colorful fragrance of ASEAN" đang diễn ra từ ngày 18 đến ngày 24/11/2021 tại Trung tâm Điện ảnh Busan. Sự kiện được tổ chức dưới hình thức lễ hội văn hóa, giới thiệu nét đẹp của các nước ASEAN đến khách tham quan.

Tại Lễ khai mạc sự kiện, hình ảnh du lịch của TP.HCM và các thành phố của Việt Nam gồm: Bắc Ninh, Đà Lạt, Hà Nội, Hải Phòng, Long An, Vũng Tàu đã được giới thiệu tại gian hàng chung. Các hoạt động trưng bày bản đồ điểm đến du lịch Việt Nam, trình chiếu video quảng bá du lịch, các trò chơi đố vui (quiz game)… được thực hiện nhằm quảng bá, xúc tiến hình ảnh điểm đến TP.HCM và các thành phố thành viên.

Quảng bá về du lịch TP.HCM tại Trung tâm Điện ảnh Busan

Quảng bá về du lịch TP.HCM tại Trung tâm Điện ảnh Busan

Trả lời VietTimes, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa – Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM - cho hay: “Theo kế hoạch phục hồi du lịch TP.HCM trong điều kiện thích ứng an toàn với dịch COVID- 19 giai đoạn cuối năm 2021 và năm 2022, việc tập trung quảng bá mạnh mẽ cho tài nguyên du lịch của thành phố mang ý nghĩa quan trọng trong việc thu hút khách đến với TP.HCM. Đồng thời, ngành du lịch cũng đang quyết liệt chỉ đạo các đơn vị hình thành các sản phẩm hấp dẫn, kết nối phát triển các tuyến điểm, dịch vụ du lịch và phát triển các sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng và tạo sự phong phú, đa dạng cho các chương trình du lịch hình thành các điểm tham quan phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước”.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa cập nhật thêm, TP.HCM hiện sở hữu 366 điểm đến có sức hấp dẫn, được đánh giá có khả năng khai thác và thu hút khách du lịch, tập trung chủ yếu ở 4 nhóm tài nguyên chính: tài nguyên du lịch tự nhiên; tài nguyên du lịch văn hóa vật thể; tài nguyên du lịch văn hóa phí vật thể; tài nguyên du lịch gắn với công trình nhân tạo hấp dẫn.

Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM - bà Nguyễn Thị Ánh Hoa. Ảnh: Khang Minh
Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM - bà Nguyễn Thị Ánh Hoa. Ảnh: Khang Minh

Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM phân tích: “13 điểm đến được hình thành từ nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên, tập trung ở các tài nguyên chính như: sông Sài Gòn, rừng ngập mặn và biển đảo; 225 điểm đến hấp dẫn, mang đặc trưng riêng của Sài Gòn xưa và nay được hình thành từ nguồn tài nguyên du lịch văn hóa, đó là các di tích văn hóa – lịch sử, nhà trưng bày văn hóa, bảo tàng, hội quán, đình, chùa, miếu, nhà thờ, làng nghề; 08 hoạt động gắn với du lịch được hình thành từ các lễ hội dân gian, lễ hội hiện đại, tập tục truyền thống, những chương trình nghệ thuật; 120 điểm đến được hình thành từ các phố chuyên doanh, phố cổ, phố cộng đồng có phục vụ du lịch, các công trình nhân tạo có tính hấp dẫn với khách du lịch. Đây đều là các tài nguyên du lịch của TP.HCM”

Theo bà Ánh Hoa, TP.HCM định hướng 7 nhóm sản phẩm du lịch chủ lực trong thời gian tới sẽ là các nhóm sản phẩm về Văn hóa - lịch sử, Ẩm thực, Mua sắm, Giải trí và hoạt động về đêm, Khám phá thiên nhiên, MICE kết hợp giao thương và về Y tế - Sức khỏe. Ngoài ra, các doanh nghiệp, các chuyên gia nghiên cứu cũng đang thiết kế dự kiến 42 chương trình du lịch (tour) được xây dựng gắn với 3 chủ đề: “Sài Gòn xưa và nay”, “Cảm xúc Sài Gòn”, “Nhịp sống Sài Gòn”.